Tâm sự hôm nay

Tết nào vợ chồng cũng cãi nhau trong 20 năm chung sống

Gần 20 năm lấy chồng, đến cả ngày Tết anh chưa một lần tự nguyện gọi điện về thăm hỏi bố mẹ tôi, chỉ đến khi vợ chồng cãi nhau thì anh miễn cưỡng cầm điện thoại gọi
Gửi chồng, có lẽ không cần nói nhiều vì chúng ta không thể nói chuyện với nhau nên tôi mới gõ những dòng này cho anh. Chúng ta ly thân từng ấy thời gian đủ để thấy cả hai vẫn bình thường, không ai cần đến ai, vẫn sống đều. Cho đến giờ này, tôi vẫn cảm ơn anh vì anh là người đàn ông tốt, người cha tốt của các con, chăm chỉ làm việc, đời sống trong sáng. Tuy nhiên từ sau ngày bố tôi mất, tôi cảm thấy mình không cần người chồng như anh. Bố tôi mất, người đầu tiên tôi báo tin không phải là anh vì hiểu anh không thể có đủ tình cảm để gánh lấy trách nhiệm là chồng tôi, là con trưởng trong gia đình. Lúc anh gọi điện thoại nói với em mình rằng anh không về được, còn phải lo công việc thì mọi tình cảm sót lại trong tôi đã ch*t. Có lẽ vì sĩ diện nên khi anh về dự đám tang, tôi vẫn để anh về. Tôi dài dòng như vậy để giải thích với anh rằng: anh có lỗi với tôi cũng được, tôi đã chấp nhận chịu đựng và bỏ qua tất cả, nhưng vai trò và trách nhiệm làm con trong gia đình thì là như thế là không thể được.

Rồi tôi bắt đầu nhớ về ngày mẹ tôi ốm thập tử nhất sinh, anh không hề có cuộc điện thoại hỏi han đến mức mẹ lại phải hỏi thăm về anh, tôi đỏ mắt mà nói dối thay anh. Gần 20 năm lấy chồng, đến cả ngày Tết anh chưa một lần tự nguyện gọi điện về thăm hỏi bố mẹ tôi, chỉ đến khi vợ chồng cãi nhau thì anh miễn cưỡng cầm điện thoại gọi. Chẳng năm nào Tết đến mà mình không cãi nhau. Rồi từ hồi cưới đến nay, chưa bao giờ tôi được bố mẹ chồng quan tâm gọi điện hỏi han xem cuộc sống như thế nào, trừ khi tôi gọi hoặc nói con cái gọi điện thăm ông bà.

Giỗ đầu của bố tôi, ở quê có phong tục làm giỗ trả ân nghĩa nên mở cúng to lắm, tôi đã nói với anh cả năm trời nhưng anh cũng không hề gọi điện hỏi thăm chứ đừng nói đến chuyện lo toan. Đám cưới đứa em trai duy nhất của tôi, đứa con cầu tự của mẹ tôi và dòng họ, cả dòng họ hoan hỉ, mẹ tôi lo toan một mình, anh cũng làm lơ. Bên gia đình anh có xe ô tô cũng không hề vào dự dù mẹ tôi đã rất trân trọng mời. Vì thế, đám tang bà nội ngay sau đó, tôi và gia đình đã nghĩ đến việc không thông báo cho thông gia để đỡ tủi thân. Một năm xảy ra biết bao chuyện lớn nhưng anh không biết đâu nhỉ!

Tôi cũng có lỗi với anh khi không còn tình cảm để chăm sóc anh được. Khi anh không chăm sóc tôi, tôi đã có người chăm sóc. Anh cũng có quyền hạnh phúc chứ không phải cứ đi đi về về trong sự căng thẳng như những ngày vừa rồi. Suy cho cùng cũng chỉ là một tờ giấy hôn thú, chúng ta chẳng còn quan tâm đến nhau, cũng chẳng có trách nhiệm với gia đình của nhau thì nên giải thoát khỏi những ngày lầm lũi vừa rồi. Tôi gửi kèm đây lá đơn, anh ký vào. Chúng ta thỏa thuận, chỉ một chứ ký thôi mà, phải không? Còn nếu như anh ký xong, giải quyết xong, chúng ta muốn thì vẫn ở nhà như thế, phòng ai nấy ở, việc ai nấy làm. Nếu anh còn tin tôi giữ tiền và lo cho con chu đáo thì coi như tôi vẫn giữ thay anh như trước nay. Còn không thì chúng ta chọn cách sống khác, các con lớn rồi cũng hiểu bố mẹ chẳng ngủ cùng nhau, chẳng đi cùng nhau thì ở cùng nhà hay ở khác nhà cũng không quan trọng, miễn là chúng vẫn đầy đủ bố mẹ. Có lẽ chúng ta sẽ vui vẻ hơn mà sống, chứ không phải căng thẳng với nhau. Anh cũng đừng quá câu nệ vào việc vì gia đình, vì nọ vì kia. Anh hãy ký đơn vì chuyện tình cảm của chúng mình đã hết, không níu kéo được nữa. Mình ly hôn nhé.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (http://vnexpress.net/tin-tuc/tam-su/tet-nao-vo-chong-cung-cai-nhau-trong-20-nam-chung-song-3549812.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY