Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thâm cung bí sử (204 - 2): Mơ ước của phái đẹp

MangYTe - Buổi làm việc với Tiến sĩ Bình không được như mong muốn của tôi. Những điều Tiến sĩ nói không có gì mới so với những điều ông đã viết trên báo.

Bà Nga (vợ Tiến sĩ Bình) tiễn tôi với nụ cười hồn hậu: "Bình đẳng giới là đề tài chúng tôi thường quan tâm. Nếu anh muốn nghe ý kiến của phụ nữ về bình đẳng giới thì mời anh tới cơ quan tôi bất cứ lúc nào". Tất nhiên là tôi rất muốn nghe và tôi đã tới cơ quan của bà Nga. Ý kiến của các bà, các chị ở đây khiến tôi bất ngờ. "Đàn ông hoan nghênh bình đẳng nam nữ trên toàn thế giới, từ trong nhà mình. Và như vậy thì không bao giờ có bình đẳng giới, vì với phụ nữ, những vấn đề toàn cầu không quan trọng bằng những chuyện trong nhà. Anh đã đến nhà tôi và đã biết rồi. Sau 8 tiếng làm việc ở cơ quan, tôi vội vã chạy đến trường đón con rồi về nhà chui ngay vào bếp. Ăn xong thì tôi rửa bát, thu dọn quần áo ở mắc phơi rồi lau nhà. Sau tất cả những việc ấy, tôi mới được đi tắm và nghỉ ngơi một chút. Các anh nói tề gia nội trợ là thiên chức của phụ nữ. Tại sao các anh không san sẻ việc nhà với chúng tôi. Trong khi vợ làm bữa chiều tại sao ông chồng không lau nhà và thu dọn quần áo, kể cả những thứ phải là cho phẳng phiu và thơm tho. Chế biến các món ăn là việc khó đòi hỏi sự tinh tế, khéo tay và kiên trì. Còn lau nhà thì có khó gì đâu, cất quần áo ở dây phơi càng không khó sao các anh không làm? Giặt quần áo cũng không khó, cho tất cả vào máy giặt, đổ xà phòng và bật nước là xong. Vậy mà các anh không làm. Chồng không phải là trẻ con mà chúng tôi phải chăm sóc, chiều chuộng từ bát cơm đến miếng canh, phải giặt cho từ cái áo đến đôi tất".

Một đồng nghiệp của bà Nga nói: "Chồng không phải là giống đực. Con thú đực chỉ chăm lo quyến rũ con cái và phân phát nòi giống. Nhiều ông chồng cũng như vậy. Anh ta cảm thấy yên ổn trong gia đình bởi vì tự cho mình là người tình không thể thay thế, còn thì không quan tâm xem vợ vất vả như thế nào và có thể làm gì để giúp vợ. Thiên hướng của loại chồng này là ưa các cuộc phiêu lưu tình ái. Điều này khiến bà vợ phải luôn luôn để mắt tới các mối quan hệ của anh ta, nhưng như thế anh ta lại cáu vì bị mất tự do".

Một người khác nói: "Các ông chồng có khuynh hướng bạo chúa. Đó là người thiếu tình cảm và lòng nhân hậu. Họ biết cách lợi dụng đức tính khiêm nhường và tế nhị của phụ nữ để biến vợ thành nô lệ, nữ tì. Anh ta không chịu được bất kỳ sự phản kháng nào. Ý kiến riêng của vợ làm anh ta phát khùng, hung dữ và thượng cẳng chân hạ cẳng tay, bởi vì anh ta nhận thức rằng nếu không làm như thế thì anh ta không có gì trên tài vợ cả. Anh ta hay ghen tuông và nghi kị, mặc dù anh ta biết rõ lịch làm việc hàng ngày của vợ nhưng không để cho vợ có bất kỳ khả năng nào nghĩ đến một điều gì khác ngoài sự phục tùng, ngoan ngoãn".

Ý kiến của các bà ở cơ quan bà Nga làm tôi ngạc nhiên. Chắc chắn có tồn tại những hạng đàn ông kể trên. Nhưng chắc chắn cũng có không ít những người đàn ông khác không thuộc vào những loại đó. Đó là những ông chồng hiểu rằng còn phải làm bao nhiêu điều cho phụ nữ trong xã hội và trong gia đình để họ thực sự có quyền bình đẳng với nam giới. Họ hiểu rằng phải dành cho người vợ những gì. Phải nhường nhịn và giúp đỡ vợ ra sao để vợ khỏi rơi vào thái quá trong quan điểm và hành vi. Những hiểu biết và kinh nghiệm mà đàn ông tích lũy được ngoài hôn nhân chỉ có thể trở nên hữu dụng khi nào chúng được thực thi khôn ngoan trong gia đình mình. Sự khôn ngoan sẽ ngăn ngừa chúng ta thoát khỏi những nguy cơ gây xung đột vợ chồng. Bốn chữ bình đẳng giới không phải là khẩu hiệu, cũng không phải là những câu sáo mép của đàn ông mà phải hành động cụ thể. Nếu không có bình quyền trong gia đình thì bình đẳng giới mãi mãi chỉ là giấc mơ của phái đẹp.

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-204-2-mo-uoc-cua-phai-dep-20200207195820815.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY