"Phải có bếp lửa, vừa ấm vừa đỡ sợ. Không có bếp lửa sợ lắm. Trước đây còn có một cô nữa, nhưng cô ta buồn và sợ quá, bỏ về xuôi rồi", cô giáo nói. "Ở một mình thế này mà em không sợ ư?". "Sợ chứ. Không sợ ma mà sợ người. Tuần trước có một anh chàng người Tày đến chơi, ngồi suốt đêm, giọng nói sặc mùi rượu, em sợ quá".
Tối hôm đó Nam được cô giáo cho ăn cơm với canh măng và cua đá rang muối. "Em kiếm được cua ở đâu". "Ở suối anh ạ! Tiếng Tày khuổi là suối. Gần đây có một con suối, cứ lật đá lên là bắt được cua". Đêm Nam kéo cái giường một bỏ không tới gần bếp lửa hơn để nằm ngủ. "Anh có mang áo ấm không?". "Không. Đi xa mang áo ấm chật ba lô". "Em chỉ có một cái chăn, em đắp vỏ, anh đắp ruột vậy, đêm khuya lạnh đấy". "Không, em cứ đắp chăn mà ngủ cho ngon giấc. Anh có bếp lửa ấm rồi". Đúng là Nam không cảm thấy lạnh nhưng khó ngủ quá, không phải lạ nhà mà anh thấy thương cô giáo quá. Em nằm kia, người nhỏ bé, mái tóc dài xõa xuống ngực. Lẻ loi và cô đơn. Có lẽ cô giáo cũng khó ngủ, em chỉ nằm yên để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của khách.
Buổi sáng, cô giáo đãi Nam món xôi nếp nương ăn với muối vừng. Hai người vừa ăn vừa xem đồng hồ, chỉ sợ cô giáo đến điểm trường muộn giờ. Ăn xong hai người đến điểm trường. Đường lầy và trơn trượt, họ đi rất chậm. "Anh đã ở nhà em một đêm rồi mà chưa biết tên em". "Tên em là Đông". "Còn anh tên là Nam. Hướng Đông và hướng Nam cũng không xa nhau lắm". Cô giáo cười: "Không xa và không đối nghịch nhau". "Về Hà Nội vài tuần anh sẽ lên thăm em, nhất định sẽ lên". "Thật không? Nhà báo bận việc lắm". "Bận mấy anh cũng lên được".
Sau khi in xong bài phóng sự, Nam cầm tờ báo đến gặp một ông Giám đốc công ty: "Bài phóng sự này tôi viết về các em nhỏ đi tìm cái chữ ở vùng cao. Khó khăn và gian khổ nhiều lắm. Nếu công ty phát động chị em công nhân may cho các cháu mỗi đứa một cái áo ấm thì tốt quá". "Ngôi trường mà anh viết trong bài báo này có bao nhiêu học sinh?". "Trường có 240 em học sinh". "Vậy thì chúng tôi sẽ tặng mỗi em 2 chiếc áo ấm, tất cả là 480 cái. Ngoài ra cũng cần mang theo một ít gạo, nước mắm và bột ngọt cho các thầy cô giáo". Nam thở phào nhẹ nhõm, mừng ơi là mừng. Anh dùng toàn bộ tiền nhuận bút trong tháng mua 2 kiện vở viết để tặng Đông.
"Học sinh của chúng em, đứa nào cũng khó khăn. Vào năm học mới, nhà trường cho các em sách giáo khoa, còn vở viết của điểm trường Khuổi Đăm thì em mua", có lần Đông đã tâm sự như vậy. Hai kiện vở viết sẽ giúp Đông không phải mua vở cho học trò nhiều năm liền.
(Còn nữa)