Mới đây, Joe Wicks, huấn luyện viên thể hình nổi tiếng người Anh, đã hoàn thành 4:06 phút ngâm mình thư thái trong một bồn kim loại chứa đầy đá lạnh. Đây là kỷ lục mới nhất của anh.
Wicks đã ghi lại quá trình chinh phục thử thách cùng vận động viên Wim Hof. Ông Hof, 61 tuổi, được mệnh danh là Người Băng, nổi tiếng vì có thể chơi thể thao trong tiết trời lạnh giá và giữ kỷ lục chạy marathon bằng chân trần trên tuyết.
Bear Grylls, nhà thám hiểm nổi tiếng của chương trình ManWild, gần đây cũng ngâm mình trong máng nước lạnh. Anh mô tả đó là một trải nghiệm đáng nhớ giúp cải thiện hệ thống miễn dịch.
Tại sao họ lại làm vậy? Nước lạnh có lợi gì cho sức khỏe và làm sao để tắm mà không bị sốc nhiệt hoặc bị cước?
Trong cuốn sách mới nhất của mình có tên "Phương pháp Wim Hof: Khai mở tiềm năng, vượt qua giới hạn", ông Hof cho rằng ai cũng có thể trở nên mạnh hơn, khỏe hơn và hạnh phúc hơn nhờ cái lạnh, thở đúng cách và tư duy. Qua đó, họ có thể kiểm soát sức mạnh của tâm trí để vượt qua những thách thức trong cuộc sống.
Joe Wicks với thử thách tắm nước đá. Ảnh: Instagram nhân vật
Tắm nước đá là một cách phát triển trí lực và sức bền hiệu quả, bởi người tham gia thử thách cần có ý chí mạnh mẽ và sự tập trung để chống chọi cái lạnh. Bên cạnh đó, cách này giúp cơ thể sản sinh ra các chất cải thiện tâm trạng, điều chỉnh lượng hormone căng thẳng (cortisol), nhờ đó, người tắm sẽ vượt qua áp lực và trở nên kiên cường hơn.
Các tác động của phương pháp này lên hệ thần kinh còn góp phần cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, nó cũng hỗ trợ lưu thông máu và thúc đẩy quá trình phục hồi cơ, chống viêm sau khi tập thể dục. Ngâm nước lạnh còn khởi động quá trình sinh nhiệt, trong đó, các tế bào mỡ nâu chuyển hóa năng lượng thành nhiệt, giúp giảm cân.
Bên cạnh đó, theo nhà thám hiểm Grylls, phương pháp này rất có lợi cho hệ miễn dịch. Nước lạnh kích hoạt phản ứng thích ứng của hệ miễn dịch, còn được gọi là "tình trạng thiếu oxy có kiểm soát", đồng thời làm tăng adrenaline - một hormone giúp xoa dịu cảm giác đau, tăng nhịp tim, tuần hoàn máu và sự tỉnh táo. Qua đó, cơ thể bị đẩy khỏi giới hạn an toàn và nâng cao sức đề kháng trước bệnh cảm cúm.
Tuy nhiên, càng dành nhiều thời gian trong bồn nước lạnh, cơ thể sẽ càng trở nên tê liệt khiến bạn khó mà bước ra ngoài. Do đó, bạn chỉ nên thực hiện thử thách khi có người bên cạnh. Ngoài ra, bạn nên đề phòng tình trạng tê cóng và hạ thân nhiệt. Tuy nhiên, hai hiện tượng này thường khó xảy ra, bởi nhiệt độ của bồn tắm luôn trên 0°C và ngâm nước trên 30 phút mới khiến cơ thể hạ nhiệt.
Vận động viên sức bền Ross Edgley gợi ý: "Bắt đầu bằng cách xả nước lạnh lên cơ thể trong 30 giây, rồi tăng dần lên một phút. Sau đó chuyển sang ngâm mình trong nước lạnh, rồi cho đá vào bồn. Khi đã tôi luyện được khả năng chịu đựng, bạn có thể bơi lội trong một cái hồ băng ở Scotland rồi đấy".
Bạn có thể đạt được nhiệt độ nước lý tưởng là khoảng 10-15°C ngay lập tức nếu chỉ cho đá vào trong bồn, hoặc đợi khoảng 10 phút nếu cho nước vào đá theo tỷ lệ 3:1.
Chuyên gia vận động và nhà khoa học thể thao Matt McClintock chia sẻ: "Nếu thấy khó, bạn có thể thử tắm nước với nhiệt độ khoảng 10°C. Hãy lưu ý 4 giây đầu tiên bao giờ cũng khó khăn nhất". Nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp này có hiệu quả cao nhất trong vòng 15 phút đầu. Sau thời gian đó, tác dụng sẽ giảm dần vì đá tan chảy.
Khi mới ngâm mình, hãy hít vào thật chậm và sâu để cung cấp nhiều oxy cho cơ thể. Bạn có thể hít vào trong 7 giây, nhịn thở trong 2 giây, rồi từ từ thở ra trong 7 giây.
Dù bạn có tin hay không, tắm nước đá vẫn là một phương pháp luyện tập giúp bạn cảm thấy sảng khoái, tràn đầy sức sống.