Nắng nóng là một trong những điều kiện cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu, nếu chúng ta không bảo quản cẩn thận và đúng cách.
Điển hình như gạo, ngô, đậu hoặc ngay cả bánh nhiều người cũng sử dụng khi đã phát sinh nấm, mốc. tuy nhiên, rửa chỉ làm trôi đi nấm mốc bên ngoài còn bên trong những thực phẩm đã bị ẩm, sản sinh nấm, chất độc, khi sử dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Theo viện dinh dưỡng quốc gia, có rất nhiều loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố, hầu hết chúng đều nguy hiểm cho sức khỏe con người. mức độ độc của nấm mốc là khác nhau, do đó khi xâm nhập vào cơ thể chúng gây bệnh không giống nhau.
Với những loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng… Với những độc tố vi nấm tích lũy trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo nguy hiểm như ung thư gan do aflatoxin, suy thận do ochratoxin…
Đối với các loại bánh ngọt, dù sau khi thành phẩm đều được tiệt khuẩn nhưng quá trình bảo quản kém hoặc để quá lâu đều có thể sinh ra vi sinh vật có hại và nấm mốc.
Đối với các loại hạt bị nấm mốc, một trong các độc tố vi nấm nguy hiểm được sản sinh ra là Alfatoxin. Loại độc tố này không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn tích lũy dần dần trong cơ thể và gây ra bệnh ung thư.
Ngoài ra, ngô - một loại thực phẩm cũng rất dễ bị nấm mốc nếu như không được bảo quản thật kĩ, nhất là sau khi được sơ chế, chế biến. Đặc biệt, với những bà con nông dân miền núi, điều kiện bảo quản, giao thông còn nhiều hạn chế, càng dễ bị nấm mốc.
Ngô sau khi trồng có thể có sẵn ít mốc nhưng đặc biệt sau khi để khô nhiều tháng thì mốc dễ dàng phát triển. Nếu bà con tách lấy hạt ngô lành lặn làm sạch và xay thành bột làm bánh ăn ngay thì lượng mốc và độc tố có thể còn ít và chưa bị ngộ độc.
Tuy nhiên, bột đã bị nghiền để không thì mốc nhanh chóng phát triển và dễ gây ngộ độc. Có một số nơi khác có thể có gạo nhưng lại gạo cũ bị mốc cũng có thể dẫn tới các ngộ độc và bệnh tật do độc tố từ mốc gây ra.
Vì vậy, không nên sử dụng ngô mốc, không sử dụng bột ngô cũ để làm bánh hay thức ăn. Hạt ngô kể cả sạch sau khi đã xay, nghiền thành bột cần chế biến ngay toàn bộ thành thức ăn và ăn hết sớm.