Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tiếp xúc với màn hình không ảnh hưởng tới kỹ năng xã hội của trẻ

(MangYTe) - Mặc dù dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh và mạng xã hội, nhưng trẻ em ngày nay vẫn có đủ những kỹ năng xã hội như thế hệ đi trước, theo một nghiên cứu mới được công bố.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh đánh giá của giáo viên và phụ huynh về nhóm trẻ em bắt đầu đi mẫu giáo vào năm 1998 - 6 năm trước khi Facebook ra mắt, với những trẻ bắt đầu đi học năm 2010, khi iPad lần đầu xuất hiện.

Kết quả cho thấy cả hai nhóm trẻ đều có các kỹ năng giao tiếp, chẳng hạn như khả năng hình thành và duy trì tình bạn cũng như hòa đồng với những người xung quanh. Hai nhóm cũng được đánh giá tương tự về khả năng tự kiểm soát, chẳng hạn như khả năng điều chỉnh tính khí.

"Nói cách khác, những đứa trẻ vẫn ổn", theo ông Douglas Downey, tác giả chính của nghiên cứu và giáo sư xã hội học tại Đại học bang Ohio (Mỹ), cho biết.

"Trong hầu hết mọi so sánh chúng tôi đã thực hiện, các kỹ năng xã hội đều giữ nguyên hoặc thực sự tăng lên một cách khiêm tốn đối với những đứa trẻ được sinh ra sau này", Downey nói. "Có rất ít bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với màn hình là vấn đề đối với sự phát triển của các kỹ năng xã hội".

Ý tưởng cho nghiên cứu này đã xuất hiện cách đây vài năm khi ông Downey có một cuộc tranh luận với con trai mình - Nick, về việc liệu thế hệ trẻ nhỏ bây giờ có đang thiếu các kỹ năng xã hội hay không.

"Tôi bắt đầu giải thích cho nó rằng thế hệ hiện tại thiếu sót khủng khiếp như thế nào về các kỹ năng xã hội của họ, có lẽ là do chúng dành hàng giờ nhìn vào màn hình", Downey nói. "Sau đó Nick hỏi làm thế nào tôi biết điều đó. Và khi tôi tiến hành nghiên cứu thì thực sự không có bằng chứng nào".

Vì vậy, Downey, cùng đồng nghiệp của mình, đã quyết định điều tra. Các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu của các trẻ em bắt đầu đi mẫu giáo vào năm 1998 (19.150 học sinh) với thế hệ bắt đầu đi mẫu giáo vào năm 2010 (13.400 học sinh).

Trẻ em được giáo viên đánh giá 6 lần trong khoảng thời gian bắt đầu đi mẫu giáo và cuối năm lớp 5. Chúng được đánh giá bởi phụ huynh vào đầu và cuối giai đoạn học mẫu giáo và cuối năm lớp 1.

Downey và các cộng sự tập trung chủ yếu vào các đánh giá của giáo viên, bởi vì họ đã theo dõi trẻ em đến tận lớp 5, mặc dù kết quả từ phụ huynh là tương đương nhau.

Kết quả cho thấy từ quan điểm của giáo viên, các kỹ năng xã hội của trẻ em không suy giảm giữa các nhóm 1998 và 2010. Và điều tương tự vẫn tồn tại khi trẻ tiến lên lớp 5.

Trên thực tế, các đánh giá của giáo viên về kỹ năng giao tiếp và khả năng tự kiểm soát đối với những trẻ trong nhóm năm 2010 có xu hướng cao hơn một chút so với những trẻ trong nhóm 1998, Downey nói.

Ngay cả trẻ em trong hai nhóm tiếp xúc sớm với màn hình điện thoại hay máy tính cũng cho thấy sự phát triển tương tự về kỹ năng xã hội so với những trẻ ít tiếp xúc với màn hình.

Tuy nhiên vẫn có một ngoại lệ: những trẻ thường xuyên truy cập các trang web trò chơi trực tuyến và mạng xã hội nhiều lần trong ngày có kỹ năng xã hội thấp hơn một chút.

"Nhưng đây chỉ là một hiệu ứng nhỏ", Downey nói. "Nhìn chung, chúng tôi tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy thời gian dành cho màn hình đang làm tổn hại tới các kỹ năng xã hội đối với hầu hết trẻ em".

Downey cho biết ban đầu ông rất ngạc nhiên khi thấy rằng thời gian dành cho màn hình không ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội, nhưng sau đó nhà nghiên cứu nhận ra rằng điều này tâm lý chung của người lớn

"Có một xu hướng cho mọi thế hệ ở độ tuổi của tôi bắt đầu có mối quan tâm về thế hệ trẻ. Đó là một câu chuyện cũ", ông nói.

Những lo lắng này thường liên quan đến "hoảng loạn đạo đức" đối với công nghệ mới, Downey giải thích. Người lớn lo ngại khi sự thay đổi công nghệ bắt đầu làm suy yếu các mối quan hệ truyền thống, đặc biệt là mối quan hệ cha mẹ và con cái.

"Sự ra đời của điện thoại, ô tô, đài phát thanh đều dẫn đến sự hoảng loạn về đạo đức của người lớn thời bấy giờ vì công nghệ cho phép trẻ em được hưởng quyền tự chủ nhiều hơn", ông nói. "Những lo ngại về công nghệ về màn hình điện thoại có thể đại diện cho sự hoảng loạn gần đây nhất để đối phó với sự thay đổi công nghệ của người lớn chúng ta".

Về mặt tích cực, các thế hệ trẻ em hiện đại đang hiểu được rằng việc có các mối quan hệ xã hội tốt có nghĩa là có thể giao tiếp thành công cả trực tiếp và trực tuyến, Downey nói.

"Bạn phải biết cách giao tiếp qua email, trên Facebook và Twitter, cũng như trực tiếp. Chúng ta chỉ nhìn vào các kỹ năng xã hội trực diện trong nghiên cứu này, nhưng các nghiên cứu trong tương lai nên xem xét các kỹ năng xã hội kỹ thuật số", ông Downey cho biết.

Bắc Hiệp

Theo Science Daily

Mạng Y Tế
Nguồn: Ngày nay (https://ngaynay.vn/suc-khoe/tiep-xuc-voi-man-hinh-khong-anh-huong-toi-ky-nang-xa-hoi-cua-tre-170297.html)

Tin cùng nội dung

  • Chứng mệt mỏi trong ung thư là luôn có cảm giác mệt suốt ngày và không dễ cải thiện sau khi nghỉ ngơi. Cần tham khảo tư vấn chuyên gia để có phương pháp chăm sóc tốt nhất
  • Điều trị ung thư sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng. Một số tác dụng thường gặp hơn có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn uống.
  • Cơ thể cần thêm năng lượng và chất dinh dưỡng để lành vết thương, chống nhiễm trùng và phục hồi sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân bị thiếu hoặc suy dinh dưỡng trước khi mổ, quá trình hồi phục có thể gặp trở ngại.
  • Cơ thể phản ứng tùy theo cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Hiện tượng này thường được gọi là sự liên kết giữa thể chất và tinh thần.
  • Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
  • Ung thư tuyến giáp ở trẻ em là bướu nội tiết ác tính dạng đặc thường gặp thứ 3 và phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY