Đầu tháng 7.2020, TikTok cho biết đang lên kế hoạch thay đổi trong cấu trúc công ty. Các kịch bản được đồn đoán là TikTok thành lập một ban giám đốc độc lập, chọn một trụ sở ngoài Trung Quốc, bán cổ phần cho các nhà đầu tư, hoạt động như công ty Mỹ…
ByteDance đang theo dõi tình hình và đưa ra lựa chọn của mình sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - ông Mike Pompeo tuyên bố hồi đầu tháng 7.2020 rằng Mỹ xem xét việc cấm TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác vì lý do an ninh quốc gia. TikTok dự kiến sẽ công bố kế hoạch của mình trong vài tuần tới.
Chính quyền Tổng thống Trump lo ngại rằng Chính phủ Trung Quốc thu thập dữ liệu người dùng TikTok ở nước này. Thế nên, Lầu Năm Góc đã cấm dùng TikTok trên các thiết bị di động do chính phủ cấp từ tháng 1.2020. Hôm 20.7, các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu (336 thuận và 71 chống) để thông qua dự thảo nghị quyết cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
Tiếp đó, Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ thuộc Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm quan chức liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp.
Trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã kêu gọi mọi người ký bản kiến nghị cấm TikTok thông qua quảng cáo chạy trên Facebook và Instagram.
Ở diễn biến khác, Facebook đã sẵn sàng trình làng đối thủ của TikTok là Instagram Reels ở Mỹ và nhiều nước. Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg từng công khai đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa TikTok với Chính phủ Trung Quốc trong các vấn đề kiểm duyệt.
“Trong khi các dịch vụ của chúng tôi, như WhatsApp, được sử dụng bởi những người biểu tình và các nhà hoạt động ở khắp mọi nơi do mã hóa mạnh mẽ và bảo vệ quyền riêng tư thì trên TikTok, ứng dụng Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng khắp thế giới, video đề cập đến những cuộc biểu tình này bị kiểm duyệt, ngay cả ở Mỹ. Đó là một trong những lý do khiến chúng tôi không thể vận hành Facebook, Instagram hoặc các dịch vụ khác của mình tại Trung Quốc”, Zuckerberg nói vào năm ngoái.
TikTok bị cấm ở Ấn Độ hôm 29.6.2020 và sau đó quyết định rút khỏi Hồng Kông, nơi đang đối mặt với làn sóng kiểm soát chưa từng có từ chính quyền Bắc Kinh sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh mới. Động thái này được cho như muốn chứng minh với Mỹ là TikTok không có liên hệ với Trung Quốc.
Nhiều vấn đề phải đối mặt như mối đe dọa cạnh tranh, các lệnh cấm tiềm năng trên toàn thế giới, sự không tin tưởng của người dùng... dẫn đến tin đồn một nhóm cổ đông ByteDance đang thảo luận việc bán phần lớn cổ phần của TikTok. Hiện TikTok được định giá từ 25 - 40 tỉ USD. Song theo trang Bloomberg, nhà sáng lập ByteDance, ông Zhang Yiming gạt bỏ ý tưởng đó với mong muốn duy trì quyền kiểm soát TikTok.
Bán TikTok bây giờ có thể giúp ByteDance tránh được con đường nguy hiểm phía trước. Thế nhưng, việc này có khiến ByteDance mất nguồn thu nhập khổng lồ sau này. Rõ ràng là không thể dự đoán được giá trị của TikTok trong tương lai tăng đến mức nào.
TikTok gần đây đã thuê cựu Giám đốc Disney là Kevin Mayer (người Mỹ) làm Giám đốc điều hành với mục tiêu đẩy mạnh sự tăng trưởng ở Mỹ. TikTok hiện có khoảng 1.400 nhân viên ở Mỹ và gần đây đã vượt qua mốc 2 tỉ lượt cài đặt trên toàn cầu. Năm ngoái, TikTok tiết lộ có 26 triệu người dùng ở Mỹ.
Theo trang The Information, TikTok thông báo doanh thu toàn cầu năm ngoái là khoảng 200 - 300 triệu USD. Trong khi doanh thu toàn cầu năm 2019 của Facebook là 70 tỉ đô la. Do TikTok chưa bao giờ tiết lộ tổng số người dùng nên sẽ có đôi chút thắc mắc về mức doanh thu này.
TikTok liên tục là một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ và trên thế giới trong hơn 1 năm qua, theo công ty phân tích AppAnnie. Trang DataReportal cho biết TikTok có khoảng 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu, nhiều hơn cả Snap, Pinterest hay Twitter,
Các thuật toán và xu hướng hiển thị video trên TikTok là môi trường lý tưởng cho các nhà quảng cáo tìm cách tiếp cận người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Trong khi Quibi của Jeffrey Katzenberg (doanh nhân, giám đốc xưởng phim và nhà sản xuất điện ảnh người Mỹ) không tiếp cận được lượng lớn khán giả qua video Hollywood dạng ngắn, các video vài chục giây hay vài phút do người dùng TikTok tạo lại lan tỏa toàn cầu.
TikTok đang theo dõi các bước đi tiếp theo của YouTube và Instagram bằng cách thiết lập các lộ trình để thúc đẩy nội dung sáng tạo từ công chúng.
Trước nguy cơ bị cấm ở Mỹ, TikTok đã phá lệ và công bố quỹ trị giá 200 triệu USD nhằm giúp các nhà sáng tạo hàng đầu tại nước này bổ sung thêm thu nhập. TikTok bắt đầu xem xét video của những người sáng tạo ở Mỹ từ tháng 8.2020 và sẽ phân phối tiền trong năm 2021.
Công ty này cũng đang phát triển các nền tảng tự phục vụ và các công cụ quảng cáo khác cho các doanh nghiệp.
Instagram của Facebook hay YouTube của Google hiện được định giá hơn 100 tỉ USD. Sẽ là một bước nhảy vọt nếu TikTok cũng đạt đến mức đó.
Không nghi ngờ gì chuyện nhà đầu tư rất muốn có được càng nhiều cổ phần TikTok càng tốt. Song, TikTok vừa ám chỉ rằng việc bán phần lớn cổ phần của công ty có thể chỉ là suy nghĩ từ các nhà đầu tư và báo chí hơn thực tế.
“Kể từ khi công bố hai tuần trước rằng chúng tôi đang đánh giá các thay đổi với cấu trúc doanh nghiệp của TikTok, đã có rất nhiều gợi ý được đưa ra bởi những người bên ngoài không tham gia vào các cuộc thảo luận nội bộ công ty. Chúng tôi không bình luận về những tin đồn hoặc đầu cơ. Chúng tôi rất tin tưởng vào sự thành công lâu dài của TikTok và sẽ công khai các kế hoạch của mình khi có điều gì đó để thông báo”, đại diện TikTok cho hay.
Người TikTok thừa nhận không đoán biết được những động thái tiếp theo của Chính phủ Hoa Kỳ. Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump từng cấm cửa hai công ty công nghệ Trung Quốc là Huawei và ZTE.
Một câu hỏi được quan tâm là “người dùng có tiếp tục sử dụng TikTok không, nếu Chính phủ Mỹ kêu gọi gỡ nó khỏi điện thoại?”. Nếu bị Mỹ cấm thì sự tăng trưởng của TikTok sẽ bị đình trệ do Apple và Android buộc gỡ ứng dụng này khỏi App Store và Play Store. Dù vậy, giữ cổ phần TikTok với hy vọng kiếm lời trong tương lai vẫn được cho là động thái khôn ngoan.
Việc TikTok có bị cấm vĩnh viễn ở Mỹ không có lẽ còn phụ thuộc vào kết quả tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ - Joe Biden vào tháng 11 tới. Nếu ông Joe Biden giành chiến thắng thì căng thẳng chính trị và thương mại Mỹ - Trung có thể giảm bớt và biết đâu TikTok sẽ thoát nạn.
Theo CNBC, giữ cổ phần TikTok là canh bạc rủi ro đáng thử. Đó cũn là lý do vì sao nhiều người sẵn sàng xếp hàng để đầu tư nếu ByteDance quyết định bán cổ phần TikTok.