Tâm sự hôm nay

Tôi kiếm tiền khá mà luôn bị vợ dọa ly dị

Giờ tôi vẫn làm ra tiền thì còn được cô ấy nể sợ chút, tới lúc tôi sa cơ thất thế sẽ thành ôsin của cô ấy ngay.

Tôi là thu nhập chính của gia đình, một tháng trừ hết chi phí có thể dư được mấy chục triệu. Hiện tại vợ chồng nợ người thân khoảng một tỷ tiền mua nhà ở Sài Gòn. Lương vợ khoảng 6 triệu chỉ đủ để mua đồ dùng lặt vặt và ăn uống. Một tháng tôi đưa cho vợ 20 triệu. Vợ chồng tôi có một bé trai 4 tuổi, bé gái 3 tuổi.

Tính vợ tôi còn thua đứa trẻ con, cố chấp bảo thủ, không bao giờ biết mình sai, luôn cho mình đúng. Chuyện nhỏ nhặt cho tới chuyện lớn cô ấy đều giận hờn, rất mệt mỏi, nhẹ thì chốt cửa phòng không cho tôi vào, nặng thì cho quần áo vào vali đòi bỏ đi. Điệp khúc "ly hôn đi" cô ấy nói thường xuyên, hầu như lần nào cãi nhau cô ấy cũng đòi ly hôn.

Tôi nhớ có lần hồi mới yêu, dưới chung cư nhà tôi có bàn bida, tôi xin phép cô ấy đi chơi với đứa em (ở chung nhà với tôi). Lúc chơi xong đi lên thì cô ấy chốt cửa không cho vào. Tôi đập gần nát cánh cửa mà vẫn không chịu mở. Cuối cùng cánh cửa cũng nát bấy và một vụ cãi nhau to lại tới. Thế là cô ấy xuống dưới nhà, đòi bỏ đi, lý do rất đơn giản là tôi đi chơi về trễ.

Cô ấy nói chuyện với tôi hoặc một người nào đó bên nhà ngoại với thái độ rất bề trên (kể cả bố mẹ đẻ). Có lần bố cô ấy từ quê vào Sài Gòn chơi, giúp đỡ việc nhà và nấu ăn. Tôi thấy bố vợ nấu ăn rất ngon, thế mà cô ấy đi làm về thấy bố làm gì không vừa ý là hét ầm lên. Người ngoài mà nghe thấy thì còn gì là thể diện cho bố nữa. Cô ấy bảo từ nhỏ đã có cái tính như vậy. Kể cả mẹ đẻ cũng bị cô ấy nạt, la hét tới tấp. Tôi cảm thấy rất khó chịu và có lúc không thể nhịn được nữa.

Có lần vợ chồng về ăn cơm bên họ nhà tôi. Tôi kể chuyện bố vợ nấu ăn ngon, hay uống rượu, đầu óc thi thoảng không minh mẫn. Thế mà vợ nói tôi không tôn trọng bố vợ, cho rằng tôi là đồ mất dạy. Thử hỏi có ai chịu được không? Tính khí vợ hay tự ái, không chịu thua thiệt hay nhường nhịn ai bao giờ. Cô ấy nói người khác thì không sao, còn lỡ động chạm tới lòng tự ái của cô ấy thì coi như có chuyện lớn.

Rồi hôm về quê vợ ăn cỗ, mấy người anh em nhà vợ ép tôi uống vài ly, vợ làm ầm lên, dọn đồ và bế con ra đầu đường đòi bắt taxi bỏ đi. Chị gái phải khóc lóc van xin thì cô ấy mới vào lại nhà. Tối hôm đó tôi không thể nhịn được nữa nhưng vẫn phải cố kìm nén. Hôm sau vợ lại cho tôi uống rượu thoải mái. Tôi không thể nào hiểu được tính tình của vợ, quá mệt mỏi.

Mỗi lần vợ chồng nói chuyện để phân giải đúng sai, tôi có góp ý hay giải thích chỗ sai của vợ là cô ấy lại nói: "thích vậy á, làm gì nhau. sao không ly hôn đi. ly hôn mà lấy mấy con bida". hồi chưa lấy vợ tôi hay đi chơi bida rất lành mạnh, nhưng cho dù có gì đi nữa thì đó vẫn là chuyện quá khứ, sao không tập trung cho hiện tại và tương lai, sao cô ấy suốt ngày cứ lôi chuyện quá khứ của tôi ra để nói?

Vợ chồng tôi hay cãi nhau to nhưng làm lành cũng rất nhanh, rồi quên chuyện cũ. Có điều sau nhiều lần như vậy tôi cảm thấy cuộc sống vợ chồng sẽ không thể cải thiện nếu tính vợ cứ mãi như thế này. Tôi biết vợ sẽ không thể nào thay đổi được nữa. Mọi người thường nói "một nhịn chín lành", tôi biết điều đó nhưng không lẽ cứ nhịn mãi. Cứ như thế này vợ leo lên đầu tôi ngay. Giờ cô ấy chưa làm ra tiền đã muốn leo lên đầu người khác ngồi rồi. Mong mọi người cho tôi lời khuyên để có thể thay đổi được con người vợ tôi. Tôi thật sự quá chán ngán và mệt mỏi rồi.

Hòa

Chuyên gia tham vấn tâm lý Nguyễn Thùy Trang gợi ý:

Chào Hòa!

Đọc thư này tôi cảm thấy bạn đang rơi vào vòng luẩn quẩn mà chưa biết cách thoát ra trong mối quan hệ vợ chồng. Có thể vì rơi vào tình trạng các vấn đề tương tự xảy ra thường xuyên, lặp lại nhiều lần với diễn biến không thay đổi khiến bạn bế tắc, đầy mâu thuẫn khi một mặt bạn cần hỗ trợ từ chuyên gia, mặt khác bạn lại nói vợ không thể nào thay đổi được nữa.

Đúng như bạn nói, vợ bạn có những hành vi và tính cách như vậy nhưng trong suốt 4-5 năm qua các bạn vẫn chung sống được, những trận cãi nhau chỉ xảy ra chớp nhoáng. Điều này cho thấy bạn hiểu vợ, rất yêu vợ, biết nghĩ sâu xa và vẫn mong muốn có thể xây dựng gia đình hạnh phúc. Chỉ có điều, vợ bạn cá tính mạnh mẽ, đằng nhà vợ cũng chưa có cách xử lý/phản ứng với những nét tính cách của con gái họ. Cưới bạn xong, việc xử lý của bạn trước mỗi vấn đề của vợ cũng chưa thực sự đúng cách, do vậy cô ấy chưa nhận thức được bản thân có những suy nghĩ chưa thấu đáo, hoặc có những điểm cần thay đổi để cuộc sống vợ chồng ít xung đột và hạnh phúc hơn.

Ví dụ khi bạn kể về việc cô ấy quát mắng bố mẹ, chuyện này xảy ra từ lâu trong gia đình mà không có ai phản ứng đến mức giúp cô ấy hiểu được hành vi, thái độ đó đã vượt ngưỡng hành xử của con đối với cha mẹ (hoặc có thể chán quá mà gia đình không phản ứng nữa). Vì thế cô ấy cho rằng đó là bình thường. Tuy nhiên, vì là người có cá tính và tự ái cao nên khi chồng nói về bố mình, lại nói về điểm yếu lớn nhất của ông là nghiện/say rượu, rồi nói trong bối cảnh bên nhà chồng, vì vậy cô ấy có thái độ gay gắt.

Do đó, để giúp vợ thay đổi, ban nên là người đầu tiên cần thay đổi cách xử lý trước mỗi cơn giận dữ của vợ. thay vì nóng nảy và buông những lời nặng nề với nhau, bạn có thể chọn cách im lặng, tạm thời lánh ra chỗ khác với thái độ điềm tĩnh nhất có thể. nếu vợ tiếp tục bài ca đòi ly hôn, trước thì bạn xuống nước hay bỏ qua, làm hòa, giờ bạn giả vờ phản ứng ngược lại với thái độ nghiêm túc, đồng ý việc ly hôn và có thể chọn cách im lặng, chờ những phản ứng tiếp theo của cô ấy. sau khi đã qua những phút cáu giận và thời gian im lặng, vợ đủ thời gian để tĩnh tâm, trở lại thái độ bình thường thì yêu cầu cô ấy có một cuộc nói chuyện thẳng thắn. bạn nên bắt đầu bằng việc nói về những điểm tốt của vợ, sau đó góp ý những điểm vợ cần sửa đổi, sẽ giúp cô ấy xây dựng mối quan hệ tốt hơn với bạn và mọi người.

Bạn cũng nên chia sẻ về việc cảm xúc và suy nghĩ của mình luôn bị căng thẳng trước những hành động thái quá, thiếu tích cực của vợ. Khi bạn còn có những trao đổi như thế này nghĩa là bạn còn yêu và mong muốn tiếp tục cuộc hôn nhân với cô ấy. Bạn cũng nên lựa những lúc vui vẻ, chỉ có hai vợ chồng để góp ý, tuyệt đối không mang chuyện gia đình bên ngoại để nói khi ở gia đình bên nội. Ví dụ bạn có thể khéo léo nói với vợ: "Ông ngoại nấu ăn rất ngon, các con đều thích nhưng ông uống hơi nhiều rượu, giá ông uống ít hơn sẽ có sức khỏe hơn, có thể chơi với cháu vui hơn. Em nên khuyên ông không mua nhiều rượu uống nữa nhưng đừng la ông, vì ông cũng có tự ái. Con cái la ông như thế chắc ông cũng khó chịu, như anh mà la em om xòm chắc em cũng không vui"...

Bạn cũng có thể trao đổi về việc các con sẽ học theo hình mẫu của bố mẹ. Nếu mẹ luôn có phản ứng nóng nảy, tiêu cực, các con cũng có thể như vậy. Điều này sẽ không tốt cho sự phát triển của con, không đúng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Như vậy, vợ bạn sẽ thấy được cách hành xử đúng đắn, bao dung và nghiêm túc của bạn, cô ấy cũng có thể được phản chiếu vào bản thân để thay đổi suy nghĩ và hành vi. 

Chúc các bạn sớm giải quyết được những khúc mắc và cùng nhau vun đắp hôn nhân hạnh phúc.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/tam-su/toi-kiem-tien-kha-ma-luon-bi-vo-doa-ly-di-3990186.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY