Phóng sự hôm nay

Trăn trở đô thị du lịch

Cùng với sự phát triển của du lịch thì việc xây dựng, đô thị hóa để phát triển du lịch đã sinh ra rất nhiều hệ lụy.

Đặc biệt là những đô thị như Sa Pa, Phú Quốc, Đà Lạt, Tam Đảo… đang dần đánh mất vẻ hoang sơ, giản dị, bình thản của những đô thị trong rừng, trong hoang hoải sương khói. Những địa danh này đã và đang biến thành những đại công trường xây dựng.

Nói đến Sa Pa cách đây 20 năm là một sự ao ước của nhiều người. Bởi khi đó cảnh rừng núi còn hoang sơ, đường sá đi lại chưa tiện. Sa Pa trở thành điểm đến lý tưởng cho rất nhiều khách nước ngoài. Còn với khách trong nước coi nơi đây như một địa chỉ xa xỉ. 20 năm sau, cái được nhiều và cái mất cũng rất đau. Giờ đây, nhiều người dân không mặn mà đến với Sa Pa, bởi theo họ nơi đây chẳng còn những nếp nhà xám cổ lúp xúp dưới bóng thông cổ thụ, dưới dáng cây pơ mu kiêu hùng nữa. Sa Pa đã mất phiên chợ tình truyền thống, còn những gương mặt thiếu nữ hồn nhiên thêu thổ cẩm. Sa Pa bây giờ có cáp treo, bụi mù mịt, đường sá bị cày nát, hàng chục khách sạn lớn nhỏ được xây mới, trong đó có cả hạng 5 sao. Sa Pa đã phát triển thành du lịch, sắp sửa chính thức trở thành thị xã của Lào Cai. Cái được nữa là đã dung chứa được nhiều người dân. Rất nhiều người dân dưới xuôi lên lập nghiệp, làm du lịch, kinh doanh và đã giàu có, thậm chí mua được đất, xây được nhà, làm được cả khách sạn mini. Sa Pa có nhiều cái được và cái mất.Thị trấn Sa Pa hẹp. Dân bản địa chỉ hơn 11 nghìn người nhưng từ năm 2016, mỗi năm đón xấp xỉ 2 triệu du khách. Đô thị trĩu nặng nỗi lo “bội thực” du khách, quá tải người lao động đến làm việc... dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái, cảnh quan môi trường và khả năng cung cấp dịch vụ điện, nước, giao thông, an ninh trật tự...

Đảo ngọc Phú Quốc bị băm nát.

Đã có vị khách yêu Sa Pa và năm nào cũng trở về để ngắm hoa trên núi Hàm Rồng, tâm sự: “Không còn là dự báo, “cái hồn của Sa Pa” thật sự đã bay theo sương khói. Tôi đến đây và tôi không còn tìm được cảnh tĩnh lặng, với những bước đi chầm chậm nữa. Thành quá vãng mất rồi”.

Tôi từng tìm hiểu và được biết, tại Sa Pa từng có sự hiện diện của khoảng 240 căn biệt thự cổ nằm dưới những tán cây lãng mạn. Từ năm 1990, Sa Pa phát triển du lịch. Từ năm 2010 phát triển mạnh và mấy năm nay phát triển nhanh khủng khiếp. “Nàng công chúa” đã không được cưng chiều như trước, mà thay vào đó là sự khai thác triệt để. Nhà cũ bị đập đi. Các đại gia địa ốc đầu tư mua đất san đồi xây nhà nghỉ khách sạn. Những quả đồi xanh bị băm nát, được xây dựng những khối nhà tuy đẹp nhưng lại kém duyên nơi núi rừng.

Chung tình trạng như vậy, Phú Quốc (Kiên Giang) cũng đang bị băm nát bởi đô thị, quá tải, xây dựng tràn lan, trái phép. Năm 2002, khi chưa có những con tàu cao tốc, hành khách ra Phú Quốc phải đi tàu gỗ, lênh đênh cả ngày mới đến được đảo Ngọc. Biển Bãi Trường xanh ngắt, sóng vỗ rì rào. Mảng xanh hàng chục km từ xã Dương Tơ đến thị trấn An Thới với những rừng cây tràm, hàng dừa trĩu quả. Ngư dân sống ven biển, chân chất trong những mái nhà tranh. Trong khi đó, Bãi Dài còn được ví là vùng hoang của đảo. Trước đây, Phú Quốc dân số chỉ khoảng 80 nghìn người, nay con số đã lên gần gấp ba. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, đến nay địa phương đã thu hút 280 dự án đầu tư với diện tích 10.754ha vào đảo Phú Quốc; trong đó, có 250 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, tổng diện tích hơn 9.000ha. Ước tính đến cuối năm 2018, huyện có 500 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 15.000 phòng. Đó cái tự hào, cái được, song cái mất cũng chẳng nhỏ hơn. Khi có càng nhiều hấp lực, làn sóng di dân ra đảo ngày càng nhiều, hòn đảo vốn yên bình bỗng náo nhiệt hẳn lên. Trong sự phát triển “nóng” ấy, đảo Ngọc đã phải chịu nhiều tổn thương.

Cũng trong tình trạng quá tải, quy hoạch chưa đến nơi đến chốn, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cũng trở nên nhếch nhác. Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng đang oằn mình bởi hậu quả từ việc phát triển “nóng” khiến người dân cả nước vô cùng lo lắng cho tương lai của hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chính sách nhằm khai thác lợi thế ở hòn đảo này. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa song hành với bảo tồn nên nhiều giá trị về văn hóa phi vật thể, di tích, lịch sử, di sản... đang đứng trước nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng. Mặc dù giới khoa học đã nhiều lần đưa ra cảnh báo, song dòng dự án đổ lên đảo Lý Sơn vẫn chưa dừng lại. Trong năm 2018, nhiều dự án thương mại, dịch vụ “khủng” đã được cấp phép hoặc đang thăm dò để đầu tư tại hòn đảo này. Mới đây, một khu đô thị với số vốn 1.700 tỷ đồng, dự kiến lấn 51ha biển, nằm chồng lấn lên khu bảo tồn biển. Dư luận đang phản đối dự án này bởi nhiều lý do đe dọa đến văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.

Đại công trường ở Sa Pa.

Cách đây ít ngày, một tấm ảnh chụp thành phố du lịch Đà Lạt được đưa lên mạng. Bức ảnh cho thấy đô thị Đà Lạt không còn dấu tích của “thành phố trong rừng” nữa. Đà Lạt cũng ngộp thở, quá tải, ô nhiễm, quá nhiều nhà cao tầng, rừng thông bị đốn hạ, bị thu hẹp dần. TS. Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cùng nhiều chuyên gia khác cho hay: Sự bê tông hóa đi kèm với việc triệt hạ những cánh rừng thông, không chỉ phá vỡ không gian thiên nhiên và kiến trúc, mà còn gây nhiều tác động tiêu cực cho khí hậu vốn rất độc đáo ở nơi đây.

Một điều khác, Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng công bố nhưng nhiều ý kiến về vấn đề quy hoạch và kiến trúc vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho hay: “Di sản Đà Lạt đã trở thành một biểu tượng, một giá trị thì nó sẽ trở thành một tài sản quý giá. Việc quy hoạch lại khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt, tôi cho rằng chúng ta không nên xóa đi các công trình cũ để làm mới tinh khôi. TP. Đà Lạt cũng nên suy nghĩ lại về vấn đề quy hoạch này”.

Đô thị phát triển theo quy luật khó cưỡng. Nhưng nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển đô thị, trong đó có cả những đô thị du lịch, vùng du lịch một cách bền vững, gắn với bảo tồn thiên nhiên, môi trường văn hóa. Còn ở ta, dường như đang có sự “mạnh ai nấy tiến” mà thiếu tầm nhìn, tầm quy hoạch, đã gây ra nhiều thiệt hại cho những di sản du lịch, khu du lịch biển đảo. Cho đến bây giờ cũng chưa có một đánh giá tổng thể cho việc phát triển du lịch ở Việt Nam, rằng thế nào là đủ và vượt quá ngưỡng. Có hay chăng chỉ là những đánh giá sơ sài của mỗi địa phương, cho một khu vực khác nhau mà thiếu tính liên kết vùng.

Con người đã khai thác quá mức vào tài nguyên thiên nhiên. Cứ mỗi một đô thị du lịch được mở rộng, thu hút người dân, du khách thì cùng với đó hàng trăm ha rừng bị thu hẹp và nhiều di sản khác bị mai một hoặc mất đi. Chắc chắn, dù thu được lợi nhuận, thì chúng ta đã mất quá nhiều. Con người hôm nay cần phải mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ những di sản ấy.

Hải Miên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/tran-tro-do-thi-du-lich-n157269.html)
Từ khóa: du lịch

Chủ đề liên quan:

đô thị du lịch

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY