Tâm linh hôm nay

Trao đổi về Hiện pháp lạc trú

Người tu học Phật luôn ý thức được rằng “chư hành vô thường, chư pháp vô ngã”, hay nói cụ thể như kinh Bát Đại Nhân Giác là: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ”

Có ý kiến cho rằng phương pháp thực hành chánh niệm, hiện pháp lạc trú mà các nhà Phật học trình bày trong nhiều sách báo, tạp chí Phật giáo là không đúng tinh thần Phật dạy, vì những điều này gần giống với chủ trương của triết thuyết Hiện sinh phương Tây (Existentialism) hơn là tư tưởng Phật giáo. Các luận điểm nói:


1.Tại sao lại chủ trương an trú tâm vào hiện tại, không nghĩ về quá khứ, không nghĩ đến tương lai? Chính Đức Phật cũng đã từng nhiều lần nhớ lại những kiếp quá khứ của mình và chúng đệ tử, thuật lại những chuyện tiền thân. Chính Đức Phật đã từng thọ ký cho Bồ tát Di Lặc sẽ thành Phật trong tương lai, Đức Phật đã từng dự báo những vị nào trong hàng Thánh chúng sẽ thành tựu Phật quả và giáo hóa chúng sinh như thế nào ở các đời vị lai. Và nếu không nghĩ nhớ quá khứ thì làm sao các vị đệ tử Phật có thể trùng tuyên lại giáo pháp Đức Phật, những gì Đức Phật đã thuyết giảng để kết tập lại thành Tam tạng Thánh giáo?


2.Có lý nào Đức Phật dạy chúng ta dính mắc vào các trạng thái hỷ lạc của tâm hiện tại? Phương pháp thư giãn, quán niệm hơi thở vào, hơi thở ra, quán niệm các cảm thọ không thể xem là pháp đưa đến Định và Tuệ, đưa đến an lạc, giác ngộ, giải thóat.


Các luận điểm trên đúng hay sai, cần phải được làm rõ.


Cần hiểu phương pháp chánh niệm, hiện pháp lạc trú mà bài kinh Người biết sống một mình hay Nhất dạ hiền giả, A nan nhất dạ hiền thuộc Trung Bộ kinh III, A nan đà thuyết kinh thuộc Trung A hàm số 167 đề cập là phương pháp dứt trừ vọng tưởng, làm chủ tâm ý (không để cho tư tưởng đi hoang: không mơ ước, tưởng tượng viễn vông, không ưu tư, lo lắng vu vơ, thái quá; không nuối tiếc, sầu muộn, bận lòng bởi những gì đã qua.

Ảnh minh họa

Trong khi đó tuệ giác của Phật giáo thấy rằng “chư pháp vô ngã” (tất cả sự vật, hiện tượng hữu hình hay vô hình, vật chất hay tinh thần, từ vật lý cho đến tâm lý đều không có tự thể, tự tính, tất cả chỉ là duyên sinh).

Trong Tương Ưng Bộ kinh II, Đức Phật dạy chúng ta không nên chấp thủ, không nên nghĩ bất cứ cái gì là tự ngã của mình, và khi khổ (hoặc lạc) sinh thì xem là sinh, khi khổ (hoặc lạc) diệt thì xem là diệt mà không xem có tôi khổ (hoặc lạc) hay tôi hết khổ (hoặc lạc). Sách Thanh Tịnh Đạo (Visudhi Magga) cũng nhắc lại điều này như sau: “Chỉ có trạng thái khổ, không có người khổ. Cũng không có người hành động, không ai hết, chỉ có sự hành động…”


Trong kinh Kim cương Bát nhã ba la mật đa (Ngài Cưu Ma La Thập dịch) hay Năng đoạn Kim cương Bát nhã ba la mật đa (Ngài Huyền Trang dịch), Đức Phật dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”(Đừng nên trụ vào đâu cả mà sinh tâm, có nghĩa là đừng để tâm bám víu, dính mắc vào đối tượng nào cả). Trong kinh Pháp Cú, câu 348, Đức Phật dạy: “Bỏ quá khứ, hiện tại, vị lai mà vượt qua bờ kia; tâm giải thóat hết thảy, không còn bị sinh già”.

Trong kinh Năm Vị (Anatta Lakkhana sutta) thuộc Tương Ưng Bộ kinh III, tức kinh Vô ngã tướng, Đức Phật dạy: “Phàm sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, trong hay ngòai, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: “Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi. Phàm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì, quá khư, hiện tại, vị lai, trong hay ngòai, thô hay tế, thắng hay liệt, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: “Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”.

Thật vậy, đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, do nhàm chán, vị ấy ly tham, do ly tham vị ấy giải thóat”. Kinh Đại Bát nhã nói: “Không trụ vào tất cả pháp, gọi là trụ Bát nhã” (Bất trụ nhất thiết pháp danh trụ Bát nhã). Theo những lời dạy đó thì không phải là chúng ta bịt tai bịt mắt, đóng tất cả các giác quan, biến mình trở thành người vô tri vô giác như cỏ cây sắt đá.


Chính Đức Phật đã từng nhận định các pháp thiền Vô sở hữu xứ (ở trong trạng thái không có gì hết, như là hư không) và Phi tưởng phi phi tưởng xứ (không có tri giác, cũng không phải không có tri giác) của Alàràma Kàlàma và Uddaka Ràmaputta không đưa đến cứu cánh giác ngộ, giải thóat, Niết bàn.

Trong Vạn pháp quy tâm lục, thiền sư Tổ Nguyên có nói: “Đạo nhơn (người hành đạo) vô tâm chẳng đồng với cây đá. Vô tâm là không tâm phân biệt, không tâm yêu ghét, không tâm thủ xả, không tâm thị phi, không tâm thiện ác, không tâm có không, không tâm ở giữa hay một bên, không tâm trong ngòai, không tâm chấp trước, chứ chẳng phải không chơn tâm linh tri tịch chiếu”(Vạn pháp quy tâm lục, chương V Giáo thừa sai biệt).

Vô tâm như lời dạy của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông trong bài phú Cư trần lạc đạo cũng đồng nghĩa đó, ở đây Tổ nói cụ thể trong đời sống hàng ngày: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Đối cảnh vô tâm, hỏi chi thiền?”. Tổ dạy rằng tính giác, Phật tính có sẵn nơi mỗi người, đừng hướng tâm tìm cầu đâu chi nữa, tự mình trở về với tính giác, với Phật tính đó, đừng xem Phật tính là đối tượng tìm cầu. Không truy tầm, tìm cầu, không vướng mắc (vô tâm) chính là yếu lĩnh của sự tu tập.


Trong kinh Thủ lăng nghiêm, bảy lần Đức Phật gạn hỏi về tâm, Tôn giả Anan đều không đáp đúng, bởi vì Tôn giả chưa chứng ngộ. Trong kinh Kim cương Bát nhã ba la mật, Đức Phật dạy Trưởng lão Tu Bồ Đề: “Này Tu Bồ Đề, Như Lai nói tâm, không phải thật có tâm, chỉ giả gọi là “tâm”. Vì sao vậy? Vì tâm quá khứ tìm không được, tâm hiện tại tìm không được, tâm vị lai cũng tìm không được (qúa khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc)”, Đức Phật dạy: “Các vị Bồ tát phải giữ tâm thanh tịnh, chớ nên sinh vọng tâm trụ chấp nơi sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần.

Tóm lại, Bồ tát đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả (ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm)”. Tuy nhiên để có thể “bỏ quá khứ, hiện tại, vị lai mà vượt qua bờ kia, tâm giải thoát hết thảy” (Pháp cú 348) thì cần phải tu tập để chứng ngộ, chứ không phải cứ nhận thức, hiểu biết, tư duy, suy luận hay nói suông là có thể “vô trụ”, “vô tâm”, “vô niệm”.


Sau đây xin nhắc lại lời Đức Phật dạy trong các kinh, khẳng định giá trị lợi ích của pháp tu chánh niệm, hiện pháp lạc trú, Tứ niệm xứ quán:

- "Định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú” (Trung Bộ kinh I)

- “Để đoạn trừ ba lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu), Tứ niệm xứ cần được tu tập” (Trung Bộ kinh I)

- "Thế Tôn trong mùa mưa đã an trú vào định niệm hơi thở vô, hơi thở ra. Các Tỳ kheo hữu học tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra để đoạn tận lậu hoặc, các bậc A la hán làm cho sung mãn niệm hơi thở vô, hơi thở ra để được hiện tại lạc trú”(Tương Ưng Bộ kinh V)

- "Cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trợ không bằng không quên chánh niệm. Người không quên chánh niệm, các giặc phiền não không làm gì được. Nếu niệm lực vững chắc, tuy vào trong ngũ dục cũng không bị chúng làm hại, ví như mặc áo giáp vào trận thì không còn phải lo sợ điều gì” (Kinh Di Giáo).


Phan Minh Đức/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2014

NCPH

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/trao-doi-ve-hien-phap-lac-tru-d15869.html)
Từ khóa: trao đổi

Chủ đề liên quan:

trao đổi

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY