Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra đã buộc đại đa số sự kiện ngoại giao vốn luôn trực tiếp giờ trở thành trực tuyến. Đối với EU cũng vậy. Cuộc gặp cấp cao vừa rồi của EU là lần đầu tiên kể từ khi châu Âu bị dịch bệnh lây lan được tổ chức trực tiếp.
EU phải làm vậy bất chấp không ít rủi ro về lây nhiễm dịch bệnh bởi chỉ như thế mới có thể có được quyết định cuối cùng về những chuyện cần phải quyết định, bởi nếu trao đổi trực tuyến thì chắc chắn không thể khắc phục được bất đồng quan điểm hiện tại rất sâu sắc giữa các thành viên về nhiều chuyện khác nhau.
Hiện tại, tức là hơn nửa năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và lây lan sang châu Âu, nhiều thành viên EU vẫn chưa kiềm chế được dịch bệnh và châu Âu nói chung vẫn là một trong những tâm điểm chính của diễn biến của dịch bệnh trên thế giới.
Đối phó dịch bệnh này vì thế là một trong những chủ đề nội dung chính trên chương trình nghị sự của sự kiện lớn vừa rồi của EU. Mỗi thành viên có cách ứng phó khác nhau và EU chỉ có đối sách chung là dành khoản tiền rất lớn là 750 tỷ Euro cho việc phát triển kinh tế xã hội và 540 tỷ Euro cho việc đối phó dịch bệnh.
Ngoài ra, cuộc gặp cấp cao này của EU còn phải bàn thảo về việc phân bổ tài chính ngân sách 1074 tỷ Euro cho thời gian 2021 - 2027. Có thể thấy EU cần đạt được thoả thuận với nhau về sử dụng những nguồn tiền nói trên như thế nào.
Nhưng việc đạt được thoả hiệp với nhau hiện rất khó khăn trong EU bởi nội bộ EU bị phân bè chia phái. Những thành viên EU vốn luôn tuân thủ nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định chung của EU về tiết kiệm chi tiêu ngân sách và kỷ cương tài chính như Hà Lan, Áo, Thuỵ Điển..,. không muốn EU vay nợ chung để cho một số thành viên chi tiêu riêng. Pháp và Đức hô hào đoàn kết, thống nhất nội bộ và đưa ra tầm nhìn lớn cho tương lai chung của EU nhưng chẳng còn được mấy thành viên nào nghe.
Hungari, Ba Lan, Séc và Slovakia đã tự tụ tập và cấu kết nhau lại thành bộ tứ khác bất chấp EU và đối đầu công khai với EU trên phương diện dân chủ và nhà nước pháp quyền. EU đã doạ sẽ trừng phạt những thành viên này và vì thế họ dùng chính quyền phủ quyết mọi quyết sách mới chung của EU để ngăn cản EU trừng phạt họ.
Ngoài ra, viêc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) cũng chưa hoàn toàn thật sự xong xuôi bởi quá trình đàm phán giữa EU và chính phủ Anh về xử lý những thủ tục, quy trình còn lại tiến triển rất chậm chạp và khả năng không đạt được thoả thuận trong thời gian dự định rất tiềm tàng.
Cả trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và Nga hiện tại cũng đang tồn tại nhiều khó khăn và khó xử đối với EU do bế tắc ý tưởng chính sách và không có được sự phối hợp hành động giữa các thành viên. Trong khó yên thì ngoài làm sao có thể ổn được đối với EU. Tình cảnh hiện tại của EU là như thế.
Thảo Nguyên / Pháp luật 4 Phương