Tâm linh hôm nay

Truyền thông trong Chánh pháp

Người làm truyền thông nên tránh “vơ đũa cả nắm” dẫn đến định hướng sai cho dư luận, vì tâm lý con người nói chung hay quên những điều tốt đẹp, nhớ rất lâu những điều tiêu cực. Nếu hạy theo cuộc đua “câu like” hay “giật tít” sẽ làm mất đi tâm niệm lành của người khác đối với đạo Phật chân chính

PV: Thượng tọa có ý kiến gì về việc sử dụng hình ảnh Đức Phật để biếm họa trên mặt báo truyền thông?

- Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử và đã góp phần tích cực hình thành nên rất nhiều những giá trị đạo đức tốt đẹp trong văn hóa dân tộc, vì thế, những giá trị đạo đức cốt lõi và chân chính của Phật giáo đối với sự phát triển của xã hội là không thể phủ nhận.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết rằng, trong xã hội luôn có những bộ phận lợi dụng tên tuổi của Phật giáo để làm những điều phi Phật giáo, làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh chân chính của đạo Phật, những vấn đề xã hội này luôn tồn tại bởi lòng tham và tâm không trong sáng nơi con người, để trục lợi cá nhân. Điều này toàn xã hội cần có trách nhiệm cùng chung tay loại bỏ những điều tiêu cực và xiển dương những điều thiện điều lành, góp phần làm cho xã hội được tịnh hóa, phát triển tốt đẹp.

Những “ác nghiệp” của giới truyền thông

Trong đó công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong định hướng dư luận xã hội và góp phần hình thành những trào lưu xã hội. điều quan trọng là người làm truyền thông cần phải phân biệt được đâu là những điều chính quan trọng và đâu là những điều phái sinh tiêu cực từ một số bộ phận cá biệt, tức là phân biệt giữa những giá trị quan trọng cốt lõi có ý nghĩa tích cực cho sự phát triển xã hội và những hiện tượng do con người lợi dụng niềm tin của quần chúng đối với đạo phật 

Những giá trị quan trọng cốt lõi có ý nghĩa tích cực cho sự phát triển xã hội là một hệ thống giáo dục đạo đức của nhà Phật lấy con người làm trung tâm giáo dục và đặt nền tảng trên Luật Nhân Quả – đạo luật vận hành và duy trì sự cân bằng của vũ trụ, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội, giúp từng cá nhân sống có trí tuệ và đạo đức, không còn sợ hãi lệ thuộc thần quyền ban phước giáng họa trong vô minh và kiên quyết từ bỏ những hành vi mê tín dị đoan làm khổ mình khổ người, từ đó sống xứng đáng làm người, có ý thức trách nhiệm trong từng hành vi của bản thân, góp phần giúp cho gia đình và cộng đồng có được bình an và hạnh phúc chân thật.

Vận dụng truyền thông số để hoằng pháp trong thời đại mới

Những hiện tượng do con người lợi dụng niềm tin của quần chúng đối với đạo Phật mà có những việc làm vụ lợi cho bản thân, làm hại cho xã hội, vô hình chung tạo ra sự hiểu lầm, phỉ báng đối với Phật giáo. Điều này chúng ta cần lên tiếng để “tồi tà hiển chánh”.

Những người làm truyền thông nên tránh “vơ đũa cả nắm” dẫn đến định hướng sai cho dư luận, vì tâm lý con người nói chung là hay quên những điều tốt đẹp mà lại nhớ rất lâu những điều tiêu cực, do đó, nếu truyền thông không phân định được chính – phụ mà chạy theo cuộc đua “câu like” hay “giật tít”, làm mất đi tâm niệm lành của người khách đối với đạo phật chân chính thì đó thực sự là một điều đáng tiếc, nói cách khác là đã làm mất phúc thiện của bản thân và xã hội.

Có thể nói, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội là một vai trò quan trọng của công tác truyền thông để thúc đẩy sự phát triển tích cực và bền vững của xã hội, và chính vì thế, việc phê phán cần phải cụ thể, đúng người, đúng việc và quan trọng là đúng cách, mang tính xây dựng và có cân nhắc.

Tiếp cận đạo phật để xử lý khủng hoảng truyền thông trong thời đại ngày nay

PV: Theo Thượng tọa, việc sử dụng hình ảnh Đức Phật để biếm họa có ảnh hưởng thế nào đến hình ảnh Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng?

- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc vĩ nhân – Ngài đã tu tập chuyển hóa tự thân, chứng đạt chân lý, Ngài đã cống hiến cho nhân loại một giá trị sống đạo đức, hướng thượng đem đến giá trị hạnh phúc chân thật.

Phật giáo là tôn giáo của trí tuệ, hiểu biết, từ bi, bình đẳng định hướng con người tới những giá trị cao đẹp trong cuộc sống, hướng tới sự chân thiện mỹ. Phật giáo không phải là tôn giáo của cầu xin, Đức Phật không phải là người ban phúc giáng họa cho bất kỳ ai. Việc gắn hình ảnh Đức Phật với những ngôn từ không phù hợp là hoàn toàn kệch cỡm, xúc phạm tới niềm tin tôn giáo của Đạo Phật. Việc đặt hiện tượng xã hội gắn vào đức tin tâm linh đó là điều không phù hợp.

Việc lễ chùa và cầu nguyện thường ngày đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của nhiều người dân, hằng ngày mỗi chúng ta nên nuôi dưỡng niềm tin ở nơi chính mình để thực hiện những ước nguyện cao đẹp trong cuộc sống, nên việc cầu cho gia đình bình an, mọi người có sức khỏe, đời sống an lạc là việc chính đáng. Khi tới chùa người ta vẫn thể hiện những ước vọng đó nhằm có niềm tin trong cuộc sống.

Gắn việc cầu nguyện với một giá trị bằng tiền đó là sự hạ thấp giá trị cao đẹp của đạo Phật. Điều này chúng tôi hoàn toàn không đồng tình.

Trong những bức tranh và ngôn từ tác giả đã khiên cưỡng ép việc dùng tiền tài để cầu danh cầu lợi đối với Đức Phật. Việc làm này vô tình đã xúc phạm đến niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến giá trị tâm linh cao đẹp của Đạo Phật. Cần phải tôn kính, giữ gìn sự trang nghiêm đối với những hình ảnh của Đức Phật.

Qua đây chúng ta thấy rằng hiểu biết của xã hội đối với những giá trị đạo đức cốt lõi của Phật giáo còn rất ít. Có lẽ chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới công tác hoằng pháp, chia sẻ, phổ biến kiến thức Phật học cho cộng đồng xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm lan tỏa rộng thêm những tri kiến đúng đắn về đạo đức của nhà Phật đến với cộng đồng xã hội.

Mời quý Phật tử xem thêm video "Tu thân theo lời Phật dạy":

Thiện Tâm (Thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/truyen-thong-trong-chanh-phap-d43944.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY