Các nhà nghiên cứu xã hội học về thể dục thể thao tại Đại học Nam Úc (UniSA) và Trường Y MSH (Đức) trong nghiên cứu mới đây phát hiện, thể thao có thể giúp đẩy lùi các rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.
Các chuyên gia đã đánh giá mức độ lo lắng và trầm cảm của 682 vận động viên thể thao Đức tập luyện trong các điều kiện khác nhau nhưng cùng bài tập và cường độ luyện tập, đồng thời đánh giá lợi ích giữa tập luyện trong nhà so với ngoài trời, giữa các môn thể thao đồng đội so với các môn thể thao cá nhân.
Kết quả cho thấy, những người tuân thủ khuyến cáo tập luyện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - người từ 18-64 vận động thể chất với cường độ vừa phải 150 phút/tuần - được ghi nhận có sức khỏe tinh thần tốt hơn so với những người còn lại. Cụ thể, những vận động viên không tập luyện đủ theo khuyến cáo có điểm số về trầm cảm cao hơn dù là tập luyện trong nhà hay ngoài trời, tập một mình hay tập với nhóm. Đặc biệt, những người tập luyện với cường độ mạnh cũng có điểm số trầm cảm và lo lắng cao tương tự - chứng tỏ đây không phải hình thức vận động tối ưu.
Từ những kết quả trên, Tiến sĩ Thomas Plante, Giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Stanford (Mỹ), cho biết dù tập luyện trong nhà, ngoài trời, theo nhóm hay cá nhân thì tập theo khuyến cáo của WHO vẫn có lợi nhất. Về ưu điểm, tập luyện theo nhóm giúp tăng cường năng lượng, tập một mình giúp giảm căng thẳng. Trong khi đó, tập luyện trong nhà giúp kéo giảm điểm số lo lắng và trầm cảm ở mức thấp nhất, còn tập luyện ngoài trời giúp người tham gia khỏe hơn và tươi tỉnh hơn bởi xung quanh họ đầy ắp cây xanh.
Chủ đề liên quan:
đại học stanford đẩy lùi đẩy lùi trầm cảm lo lắng trầm cảm vận động Vận động 150 phút/tuần