khác nhau hay không.
Kết quả đăng trên Tạp chí Ung thư lâm sàng của Mỹ cho thấy, những ai đáp ứng hoặc vượt quá các mục tiêu tập luyện đề xuất đều mắc 7 trong số 15 bệnh ung thư. Cụ thể, nguy cơ mắc ung thư thận ở nam lẫn nữ giảm 17%, ung thư gan giảm 27% và u tủy giảm 19%. Trong khi đó ở nam giới, tập luyện làm giảm 14% nguy cơ mắc ung thư ruột kết. Còn ở phụ nữ, hoạt động thể chất làm giảm 10% nguy cơ mắc ung thư vú, 18% nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung lẫn ung thư hạch bạch huyết.
Phát hiện trên củng cố kết luận của nghiên cứu trước đó của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho thấy, những người tập thể dục nhiều giảm tỷ lệ mắc các bệnh ung thư như bàng quang, thực quản, phổi, trực tràng và dạ dày. Một số nghiên cứu khác còn phát hiện, vận động giúp chống lại nhiều bệnh tật, như bệnh tim, tiểu đường tuýp 2, cũng như được chứng minh cải thiện tâm trạng và giấc ngủ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để mang lại hiệu quả tối đa, người trưởng thành nên dành từ 2,5 - 5 tiếng/tuần vận động với cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh hoặc làm vườn, cũng như dành tối đa 2,5 tiếng/tuần để tham gia các hoạt động vận động cường độ cao như chạy bộ, bơi lội, nhảy dây hoặc đi bộ đường dài.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác trên người trẻ phát hiện người thường xuyên chơi thể thao có thể thay đổi cách bộ não cảm nhận và phản ứng với thế giới xung quanh, nhờ đó có khả năng lọc tiếng ồn hiệu quả.
Nina Kraus, giáo sư kiêm giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học thần kinh thính giác tại Đại học Northwestern (Mỹ) cùng cộng sự đã nghiên cứu xem liệu não bộ có thể thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn việc nghe và xử lý âm thanh thông thường hay không. Các chuyên gia đã tiến hành theo dõi khả năng xử lý âm thanh của 495 vận động viên nam và nữ ở trường Northwestern tham gia thi đấu các môn thể thao như bóng đá, điền kinh, cũng như 500 sinh viên khác không phải là vận động viên, từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc giải đấu. Họ nhận thấy các vận động viên đã nghe và cảm nhận âm thanh khác với những người bình thường.
Cụ thể, kết quả đo điện não đồ của những người tham gia cho thấy, hầu hết các sinh viên là vận động viên đều nhận ra các âm thanh đặc trưng tốt hơn. Chẳng hạn khi âm thanh đặc trưng vang lên, sóng não của họ mạnh hơn sóng não những sinh viên khác. Đối với âm thanh hỗn độn liên tục phát ra xung quanh, phản ứng sóng não của các vận động viên yếu hơn những người không chơi thể thao. Cơ chế này cho phép thính giác của các vận động viên khuếch đại và xác định đúng loại âm thanh họ muốn nghe - chứng tỏ thính giác của người chơi thể thao lọc tiếng ồn xung quanh tốt hơn.