Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Việt Nam có triển vọng công bố hết dịch?

Điều kiện để công bố hết dịch là phải không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh Covid-19 là 28 ngày.

Sáng 3/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Đặc biệt, ca mắc trong cộng đồng cuối cùng được công bố hôm 16/4 sau khi đã được cách ly, điều trị từ ngày 8/4.

Chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay điều kiện để công bố hết dịch theo quy định là không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh Covid-19 là 28 ngày, được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế.

Theo Quy định số 2 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khi xác định dịch hết nguy cơ và phải đưa ra được các biện pháp triển khai tiếp việc phòng, chống, bảo đảm không còn lây lan mới được công bố hết dịch.

Việt Nam đã trải qua 17 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Trả lời về việc đã nhiều ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19, liệu có triển vọng tiến tới công bố hết dịch, PGS Phu cho hay: “Trong bối cảnh người nhập cảnh vẫn còn về Việt Nam thời gian tới, nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nên chưa thể xác định được điều gì. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia - cũng cho biết Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia vẫn chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch vì không thể chủ quan trong khi số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao.

PGS Phu phân tích hiện nay, dịch bệnh ở nước ngoài còn phức tạp, có những nơi trên thế giới còn căng, xác định dịch kéo dài 18-24 tháng. Do đó, Việt Nam phải tiếp tục làm tốt việc cách ly những công dân Việt Nam từ nước ngoài về hoặc khi mở cửa hơn nữa cũng phải tiếp tục ngăn chặn những ca nhập cảnh để phòng, chống.

Thứ hai, phải thực hiện tốt việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, phát hiện được ngay ca đầu tiên càng sớm càng tốt.

“Chúng ta không để như Singapore, làm tốt các vùng khác nhưng lại bỏ qua vùng dân nhập cư lao động nên đến giờ chưa khắc phục được. Chúng ta mong rằng Việt Nam sẽ chỉ có những ổ dịch rất nhỏ, như các đốm cháy nhỏ, dập tắt được ngay không để thành đám lửa”, PGS Phu nói.

Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều nước đánh giá cao Việt Nam dù có nguồn lực hạn chế nhưng khống chế tốt dịch. Ảnh: Việt Hùng.

Chung sống an toàn với dịch Covid-19

Theo cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều nước đánh giá cao Việt Nam có nguồn lực hạn chế nhưng khống chế tốt dịch. Đến thời điểm này, số mắc ít, số Tu vong không có, khống chế tốt hơn nhiều quốc gia nguồn lực tốt hơn.

“Tôi nghĩ tới đây Việt Nam cũng ổn, nhưng chúng ta phải đề phòng, không chủ quan. Nếu có ca mắc sẽ là người nhập cảnh, mình tiếp tục cách ly, khống chế không để lây lan. Còn hiện tại, chúng ta đang thực hiện giãn cách cộng đồng tốt nhưng chưa thể dứt điểm 100% ca mắc”, PGS Phu nhận định.

Theo chuyên gia này, Việt Nam rất may chỉ làm giãn cách xã hội, chưa phải phong tỏa cả đất nước như cách nhiều nước đang phải thực hiện. Theo đó, nước ta vẫn duy trì các hoạt động thiết yếu, công nhân vẫn đi làm… Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta xác định sống chung với dịch an toàn, bảo đảm mục tiêu kép, vừa làm kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ sức khỏe.

Ông cho rằng phải đặt sức khỏe lên hàng đầu. Mỗi loại hình, cơ sơ sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ phải thực hiện các điều kiện phòng bệnh cho người dân. Dựa trên hướng dẫn cơ bản của Bộ Y tế, các ngành sẽ xây dựng những quy định riêng.

Bộ Y tế khuyến cáo trước mắt các cơ sở tự kiểm tra, nếu không đủ tiêu chuẩn, phải tự dừng cung cấp dịch vụ. Các ngành, các cấp phải kiểm tra, nếu cơ sở không đủ tiêu chuẩn phải tạm dừng chờ khắc phục mới cho mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện nguyên tắc "5 an toàn": Đeo khẩu trang, không tụ tập đông người; Giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người; Hạn chế ra ngoài, nhất là người có bệnh nền, mạn tính, người già; Vệ sinh khử khuẩn, không chỉ phòng Covid-19 mà còn phòng bệnh cúm, đặc biệt, bệnh tiêu hóa khi vào mùa hè; Tiếp tục khai báo y tế khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở.

"Tôi cũng muốn nhấn mạnh việc đeo khẩu trang rất quan trọng. Việt Nam làm tốt đeo khẩu trang từ sớm nên dịch không lây lan. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận người dân đã chủ quan, đi uống bia, cà phê và không thực hiện giãn cách, bảo đảm an toàn.

Người dân cứ thấy không công bố thêm ca bệnh mới thì coi như an toàn nhưng thực tế không phải vậy. Đây là điều phải cảnh giác. Chính quyền phải tăng cường kiểm tra để người dân phải tuân thủ các quy định đã được khuyến cáo", PGS Phu khuyến cáo.

Tính tới sáng 3/5, Việt Nam ghi nhận 270 ca mắc Covid-19. Kể từ sáng 16/4, đến nay, cả nước không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 219 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh/xuất viện.

51 bệnh nhân còn lại đang được điều trị, theo dõi sức khoẻ tại 8 cơ sở khám, chữa bệnh. Đa số bệnh nhân có sức khoẻ ổn định, 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus này.

Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) cho hay Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vắc xin và tiêm thử nghiệm trên chuột.

Theo Zing.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/viet-nam-co-trien-vong-cong-bo-het-dich-20200503130622627.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY