Bị cáo Minh khai nhiều chủ trương chung về bán nhà đất công sản, giao đất, cho chuyển đổi tên người sử dụng đất, cho giảm tiền sử dụng đất mà bị cáo ký ban hành dù không phù hợp với pháp luật nhưng đây là sự sáng tạo, mang lại hiệu quả, góp phần vào sự phát triển cho thành phố. Tuy nhiên, VKS khẳng định luận điểm này hoàn toàn không có cơ sở.
Trong phần tranh luận trước đó, các luật sư bào chữa cho 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng cần làm rõ sai phạm thì sai ở khâu nào, từ đó mới dẫn tới trách nhiệm hình sự, mới có căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội và hành vi như thế vi phạm điều nào, có xử lý được không?
Về việc giảm giá 10% tiền sử dụng đất, theo luật sư phân tích, tuy chưa được quy định trong các quy định của pháp luật, nhưng nếu tính bài toán kinh tế của Đà Nẵng thời điểm đó, doanh nghiệp nộp tiền, thành phố có dòng tiền dùng để phát triển thì việc giảm giá 10% này là sự của Đà Nẵng. Dù chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng làm lợi cho thành phố. Việc giảm giá 10% này áp dụng với tất cả các tổ chức, cá nhân chứ không riêng gì Phan Văn Anh Vũ.
Về cách tính thiệt hại, luật sư cho rằng thiệt hại phải được tính ở thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Cần xác định mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả. Hành vi có thể trái pháp luật nhưng không gây hậu quả thì không truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xác định hậu quả đó phải tuân theo một quy trình tố tụng nhất định. Còn thu thập chứng cứ không theo quy trình tố tụng nhất định thì không thể coi là chứng cứ.
Trong những ngày phiên tòa diễn ra, bị cáo Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận có quan hệ với bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng), khi thành phố chủ trương bán nhà đất thì Vũ xin mua nên có sai thì do bên bán.
Theo đó, VKS nêu quan điểm là pháp luật đòi hỏi các cơ quan tổ chức và công dân đều phải tuân thủ trong công tác điều hành, gương mẫu chấp hành pháp luật. Bị cáo Vũ lập ra nhiều công ty kinh doanh bất động sản, mọi việc trong công ty đều được bàn bạc thống nhất giao cho người đại diện pháp nhân ký.
Đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư, theo VKS, vì biết rõ công ty của mình không được mua nhà công sản nên bị cáo đã trực tiếp liên hệ với lãnh đạo thành phố và liên hệ với các công ty khác để được mua nhà trái pháp luật. Trong những trường hợp khó mua, Vũ đã lợi dụng các văn bản trái pháp luật của Bộ Công an. Bởi thế mà bị cáo đã bị xử lý trước pháp luật về tội “Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ”.
Trình bày ý kiến tại tòa, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ bị cáo Phan Văn Anh Vũ) cho biết tất cả những tài sản liên quan đến bị cáo Phan Văn Anh Vũ đang bị kê biên trong vụ án đều có sự đóng góp của bà. Do đó, bà Hiền mong HĐXX xem xét và cân nhắc đến những tài sản đã bị kê biên, trong đó có quyền lợi của cá nhân bà, cụ thể là nhà đất tại số 22 Cô Giang (quận Hải Châu).
Quá trình giải quyết vụ án liên quan đến 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng cùng các đồng phạm “tiếp tay” cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất công tại Đà Nẵng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSNDTC đã kê biên 42 tài sản, bất động sản.
Trong cáo trạng nêu rõ, trong số 42 tài sản, bất động sản đã kê biên có 10 tài sản, bất động sản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ trong vụ án được kê biên để thu hồi tài sản. 32 tài sản, bất động sản khác đứng tên Phan Văn Anh Vũ và Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ Phan Văn Anh Vũ) được kê biên qua xác minh để đảm bảo thi hành án.
Căn cứ kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương kết luận: Tổng giá trị của 42 tài sản, bất động sản nêu trên có giá trị hơn 3.519 tỉ đồng.
Chủ đề liên quan:
chủ tịch chủ tịch đà nẵng cựu chủ tịch đà nẵng đà nẵng đất công quan điểm sáng tạo tài sản nhà nước trần văn minh văn hữu chiến Vũ nhôm