Tâm linh hôm nay

Vũ trụ quan (P.3)

Đức Phật là đấng Giác ngộ viên mãn, là người đã đạt đến chỗ cao tột của nhân sinh mà Bồ Tát Duyên Giác hay Thanh Văn là những bậc còn phải dõi bước và còn phải tiến nữa, để đến chỗ tuyệt đối như Phật .

* Nhân sinh quan


"Tất cả sự vật dù hữu hình hay vô hình, tâm hoặc cảnh đều do nhân duyên kết hợp và chỉ là những ảnh tượng mê lầm của nghiệp thức biến hiện".


Với "Vấn đề nhận thức" và "Vũ trụ luận" như đã trình bày ở những trên đã giúp bạn có một chính kiến. Theo đạo Phật, vũ trụ vạn hữu biến hóa sinh thành do sự tổ hợp của nhiều nhân duyên…; và đã do nhân duyên tạo thành, tất nhiên đạo Phật phủ nhận những định thuyết dưới đây:


1. Vũ trụ bị chi phối bởi một "đấng sáng tạo", con người cũng do đấng ấy bài định.


2. Hết thảy sự vật đều bởi "Tâm", "Ý" làm chủ.


3. Vạn hữu do "vật chất" sinh thành nên vạn hữu cũng hoàn toàn bị chi phối, thụ động.


Đó là lập luận sự khởi đoan về vũ trụ vạn hữu do các thuyết Duy thần, Duy tâm, Duy vật chủ trương.


Giờ đây ta thử tìm hiểu thuyết lý đạo Phật qua vấn đề Nhân sinh quan.


Xác định minh thuyết, đạo Phật lúc nào cũng lập luận duy nhất: Vũ trụ vạn hữu được thành lập là do sự kết hợp các yếu tố làm căn bản và cùng hỗ tương nhưng tất cả… đều ở trong "Bản Thể" vô cùng tận*. Con người cũng không ngoài định lý ấy. Do đó, đạo Phật đề ra ba điểm chính cương là:


1. Sự cấu tạo sắc thân con người.


2. Giải quyết vấn đề sống, một mục đích…


3. Giá trị con người.


* Sự cấu tạo sắc thân con người


Ngược dòng lịch sử, ta cần xét lại vấn đề con người bởi nguyên nhân nào đã cấu tạo nên? Theo thuyết "vũ trụ vạn hữu sinh khởi" thì con người cũng là một hiện tượng trong các bản thể vô biên diệu dụng kia chuyển biến hình thành mà có. Từ bao lâu nay con người đã quên mình là một "phần tử" trong cái "toàn thể" (bản thể vô biên) và chấp cái "ta nhỏ bé", tự tách mình ra khỏi cái "ta rộng lớn" trong vũ trụ, lại dùng tâm trí nhận thức sai lầm các vật tượng, nhân đó sinh ra mê vọng điên đảo...


Để giải đáp sự sai lầm đó, đạo phật với thuyết Mười hai nhân duyên (dvàdàsãngah pratityasamutp7dah) rất phổ thông và chính xác. Những gì là mười hai nhân duyên? Trong kinh A Hàm (agamas) chép; "cái này có, cho nên cái kia có, cái này sinh cho nên cái kia sinh".


Số là

Vô minh duyên hành

Hành duyên thức

Thức duyên danh sắc

Danh sắc duyên lục nhập

Lục nhập duyên xúc

Xúc duyên thụ

Thụ duyên


Ái duyên thủ

Thủ duyên hữu

Hữu duyên sinh

Sinh duyên lão tử


Rồi khởi phiền muộn, buồn rầu, khóc than, đau đớn… tạo thành đại khổ.


Mười hai nhân duyên tiếp nối với nhau từ đời này qua đời khác như vòng bánh xe nhân quả tương quan (mười hai nhân duyên gồm):


1. Vô minh (Avidyà): mê muội, tối tăm chỉ cho tất cả trạng thái quan niệm sai lầm của chúng sinh, không tự biết "vì sao mà có rồi vì đâu mà mất”. Nói cách khác, tất cả chúng ta đều do vô minh ám phủ cả, ví như tấm gương sáng chỉ một mảy bụi cũng đủ làm giảm ánh sáng không ít.


Nói đến vô minh ta không thể không nói đến chân như, vì hai "cái" là một thể - Vô minh nằm trong chân như - bản thể chân như lúc khởi thuỷ ví như mặt nước phẳng nhưng nay có sóng. Mặt nước đã sóng thì xao động, thế là sóng cũng là nước mà nước cũng là sóng. Cũng như nói không có không gian thì không có hiện tượng. Đó là thuộc về hoặc vì đã có hiện tượng nên phải chuyển biến với công năng, nghiệp lực, tinh thần hay vật chất đều theo một quan động mà ảnh hưởng lẫn nhau. Sự vật biến hoá mãi là liên quan theo luật chuyển dịch cuả hành nghiệp.


2. Hành (samskarah): hành động, tác động có hành động là (bắt nguồn) bởi tư tưởng phát sinh, do đó mỗi con người mang trong mình tự cái "nghiệp" - nghiệp là dữ, mình làm mình chịu - và sự phát nguyên của nghiệp là do "nhất niệm mê mờ" vọng khởi mà có. Ta thấy rõ ràng "nghiệp" như một sợi dây truyền cảm mà nhân quả thì cứ tiếp nối nhau bất tuyệt. Thi hào Nguyễn Du đã cảm thông đựơc chữ (Nghiệp) trong đạo Phật một cách quán triệt. Tiên sinh viết:


"Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa"


Nói cách khác, nghiệp là do thân, khẩu, ý của chúng sinh gây ra để phải nhận lấy quả báo luân hồi.


Ghi chú:

- Chữ "Nghiệp" (Karma) nghĩa là tạo tác, hành động. "Ý" suy nghĩ, "miệng" nói, "thân" hành động,… tức chỉ tất cả hành động cố ý của một sinh vật do ba nghiệp (thân, khẩu, ý) ảnh hưởng lẫn nhau rồi cảm thành vết tích, thành thói quen tạo nên nguồn sống dục vọng di truyền, trong kinh thường gọi là "Dẫn Nghiệp" (tức dẫn lực của nghiệp) hay "Nghiệp thức". Nói theo từ ngữ bây giờ thì gọi là nguồn sống. Tất cả hiện tượng trong vũ trụ - bao gồm các sinh vật và các cảnh vật thiên nhiên như núi, sông, cây cỏ, đất đai, trăng, sao, nước, lửa, không khí - đều do nghiệp thức tạo tác cả. Nghiệp chia ra "nghiệp chung" (cộng chung) và "Nghiệp riêng" (biệt nghiệp).


Nghiệp chung chỉ các loài sinh vật (trong đó có con người) hiện sống trên địa cầu, đều phải chịu chung các kiếp vận như nhau:


Akasàyah: Mệnh trược = kiếp người đau khổ.


Drstikasayah: Kiến trược = nhận thức sai lầm.


Klésakasàyah: Phiền não trược = tâm địa xấu xa.


Sattvakasàyah: Chúng sinh trược = chúng sinh ác độc.


Kalpakasàyah: Kiếp trược = cuộc sống ngắn ngủi.


Và còn biết bao nỗi khổ triền miên khác như sinh, già, ốm, ch*t. Về thiên tai như nước lụt, động đất, lửa cháy, chiến tranh v.v…


Nghiệp riêng: Mỗi loài có những "tính sống" riêng biệt, hoàn cảnh riêng biệt. Như cá thì bơi dưới nước, chim bay trên không, con người và các loài muông thú sống trên đất cạn và các nơi rừng rú… Tuy nhiên, con người có những ưu điểm đặc biệt hơn các loài khác: con người tự làm chủ mình, làm chủ cuộc sống và hoán cải hoàn cảnh chung quanh, tùy nghiệp lành, nghiệp dữ do con người tự quyết định lấy.


Nhưng nghiệp do đâu mà có? Cái "Ngã" một hòa điệu tinh thần và vật chất do thân "ngũ uẩn” (Pànchaskhandha) tức sự hoạt động của "thân" và "tâm", lĩnh thụ bởi cảm xúc trong tâm và ngoại cảnh, phát sinh những cảm giác; và vì sự mê lầm tiềm tàng tự thân của mỗi vật tự phát động và không cần sự can thiệp của bất cứ năng lực nào.


Nghiệp là chủ động lực của mọi vấn đề. Mọi vấn đề cũng do Nghiệp phát sinh, tồn tại hay tiêu diệt.


"Không phải ở trên không trung, không phải ở giữa đại dương, không phải ở trong thâm sơn, cũng không phải ở một nơi nào người ta có thể tránh được nghiệp báo" - Dhammapada, 127.


Những hiện tượng thế giới đều do Nghiệp phát động mà cảm ứng. Ta có thân thể như bây giờ đều do đời trước tạo nghiệp mà sinh, rồi cứ luân hồi, nhân quả nối tiếp từ quá khứ chạy suốt hiện tại sang vị lai… biến hiện thiên hình vạn trạng, tùy nghiệp thụ báo để phải chịu lấy vô lượng cực khổ, nếu con người mải mê lầm tạo nghiệp. Bởi vậy dưới Hành có Thức.


So với nhân quả trong ba đời thì Vô Minh – Hành là nghiệp nhân quá khứ và làm nhân, làm duyên để kết sinh chịu quả trong đời hiện tại.


3. Thức (Vijnànam): bởi sự mê mờ và hành động kết thành Nghiệp Thức; phân biệt sai lầm mà sinh ra vui buồn, thương tiếc… Nghiệp thức con người khác nào như luồng điện tản mát khắp nơi…; thân "tứ đại"*. Ví như dòng điện khi đủ điều kiện nhân duyên, như, dây, bóng,… ta bật sẽ thấy điện phát ra ánh sáng. Còn ánh sáng ấy mạnh hoặc yếu cũng như màu nó xanh, hoặc đỏ là do bóng đèn to, nhỏ và tùy thuộc ở màu xanh hay màu đỏ; nhưng không ngoài điện tính… Cũng thế, muôn loài vạn vật hiện hữu trong thế gian là do nhân duyên giả hợp mà thành; con người sinh ra đời là bởi tinh huyết của người cha và người mẹ hòa hợp, kết đọng lại mà tạo nên cái "xác thân giả tạm". Nhưng như vậy chưa đủ; con người còn phải có suy nghĩ, cảm giác, lĩnh thụ mới trở thành "con người hoàn toàn" - con người sống động.


Trong cuộc hành trình của con người: khi sống hay lúc ch*t đều do nhân quả hành vi tự thân tạo tác; con người đẹp hay xấu, ngu tối hoặc thông minh, sung sướng hay khổ sở, không do ai cầm đầu dẫn dắt và thường phạt cả! Mà chính là do tự thân gây "Nghiệp" "nhân" và "duyên" để rồi nhận lấy "quả báo" hoặc thiện hoặc ác…


Ta hãy lấy một ví dụ làm chứng minh:


(Nghiệp) – A và B (anh hay chị) cùng là con người. Nhưng con người A khác con người B về tâm trí, về nét mặt, về hình thể, tầm vóc cao, thấp, nam hoặc nữ, đẹp xấu, thiện và ác…


(Nhân) - A rất chăm học, B thì lười, biếng học…


(Duyên) - Cả A và B đều được cha mẹ thương yêu, nuôi nấng, cho ăn học, sắm quần áo, xe cộ và bút, mực, sách vở để không bị thua kém với chúng bạn…


(Quả) - A chịu khó học tập nên kết quả là A biết chữ và thi đậu. Còn B, trái lại… Ta không nên có thành kiến sai lầm cho rằng: Bộ óc là sản phẩm của tư tưởng, cũng đừng bao giờ quan niệm tinh thần (ý thức) có trước vật chất… Theo đạo Phật, những thuyết lý nào thiên một bên đều là sai lầm. Dù tinh thần hay vật chất thì cũng đều do các yếu tố công năng từ Bản Thể sinh, rồi tồn tại và hủy diệt. Con người phải đủ hai phần "tinh thần" (thần thức do Nghiệp của mỗi con người đã tạo) và "vật chất" (thân tứ đại giả hợp), nếu lìa một trong những "chất ấy", con người sẽ ch*t; nhưng không có nghĩa ch*t rồi là hết mà chỉ là thay đổi hình tướng, ví như điện.


Sự thật (như trên) cho ta thấy: khi Hành Nghiệp đã kết quả thì tự thể nó phải ôm mang lấy. Vô minh và hành động (Nghiệp Lực) đi đến một nơi nào đó để nhận chịu một cái thân quả báo hoặc thiện, hoặc ác...


Nhìn chung vào pháp giới thì con người chỉ là một chủng loại đã có một trình độ tiến triển tương đương. Cao hơn con người là Phật, Bồ Tát. Thấp là các loài hạ đẳng động vật. Do đó, đạo Phật chia ra mười pháp giới:


1. Phật (Buddha): đấng Đại trí, Đại đức và Đại hùng. Trong mười phương các quốc độ chỉ có đức Phật là trên hết. Đứng về phương diện con người mà nhận xét, ta thấy: "Trí" Phật là trí bát nhã (prajnã), sáng suốt bao la vô cùng tận. "Đức" của Phật là vô lượng vô biên, cao cả: Vô Thượng. "Hùng" hay là "Lực" của Phật tu chứng đến chỗ Hoàn toàn trong, Hoàn toàn sáng; diệt tận sinh tử, phiền não, nhiễm ô. Đức Phật có đầy đủ ba đặc tính Trí, Đức, Hùng, do đó (muốn cứu độ cho hết thảy chúng sinh trong ba cõi…) nhờ vào ba "đức" ấy, tất cả chúng sinh sẽ chuyển hóa đuợc tâm hồn xấu xa thành tốt đẹp, sáng láng… Đó là chính nghĩa:


- Đại trí


- Đại đức


- Đại hùng


Cho nên cảnh giới của chư Phật là cảnh giới tự tại giải thoát, là chân lý tuyệt đối.


2. Bồ Tát (Boddhisattava): Những vị giác ngộ sắp được như Phật, do tu "Lục Độ, Vạn Hạnh" mà chứng thánh quả.


3. Duyên Giác (Pratyekabuddhi): ngôi vị này hãy còn kém so với Bồ Tát; tu quán pháp "Mười hai nhân duyên" mà được chứng quả.


4. Thanh Văn (Sràvaka): bậc giác ngộ ưa hưởng cảnh giới Niết Bàn (Nirvàna), gần tương đương với Duyên Giác, song trí tuệ có phần kém; tu theo phép "Tứ Diệu Đế". Cùng tột của địa vị này là chứng thánh quả A La Hán (Arahat).


5. Trời (Dévasura): Chư thiên ở các tầng trời trong các cõi Dục Giới người, Sắc Giới và Vô Sắc Giới*.


6. Người (Manusya): Chỉ chung tất cả loài người ở trong một thế giới trung bình, không quá khổ như địa ngục, không vui sướng như ở thiên đường và không ngu si như các loài muông thú…, nên sự tu đạo cũng dễ dàng tiến ích.


7. A Tu La (Asura): Những loài quỉ giống như loài người - con người thoát xác - rất tàn bạo, giận dữ, giết chóc và dâm dục…


8. Địa Ngục (Narskanitaya): chúng sinh ở cõi đầy tội lỗi, tối tăm, đau khổ…


9. Ngã Quỉ (Preta): những loài đói khát đi lang thang khắp "xó chợ đầu đường" kiếm miếng ăn manh áo mặc!


10. Súc Sinh (Tiryagyoni): các loài súc vật v.v...,


Tuy chia ra mười pháp giới chỉ là để đo trình độ tu chứng cao thấp của mỗi giới. Nếu xét theo quan niệm bình đẳng thì "Bản Thể Nhất Như".


Với cặp mắt sáng ngời đượm vẻ từ bi, đức Phật đã nhìn thấy và hiểu rõ chúng sinh từ thuở nào vẫn luân hồi trong sáu ngả (Trời, Người, A Tu La, Địa Ngục, Ngã quỉ, Súc sanh) mà chẳng biết lối thoát! Đức Phật đã lắng nghe và hiểu suốt tâm trạng nỗi vui, buồn, đau khổ của chúng sinh nên Ngài thường khuyên các đệ tử hãy luôn sống bên người, gần vật để san sẻ; ban bố tình thương "cho vui, cứu khổ" đến tất cả muôn loài và hãy sống nhập một (trọn vẹn) với bản thể vô biên tuyệt đích…


Trong mười pháp giới chỉ khác chỗ mê và ngộ.


- Mê là chúng sinh.


- Ngộ là Bồ Tát, Phật.


Nếu đứng về phương diện con người mà xét thì đức Phật cũng là một người nhưng là một siêu nhân đã tu chứng giác ngộ thành Phật, một trong những vị Phật đã thành là đức Thích Ca Mâu Ni, còn chúng sinh thì vẫn cứ là chúng sinh, nếu không chịu tu tiến.


Đức Phật là đấng Giác ngộ viên mãn, là người đã đạt đến chỗ cao tột của nhân sinh mà Bồ Tát Duyên Giác hay Thanh Văn là những bậc còn phải dõi bước và còn phải tiến nữa, để đến chỗ tuyệt đối như Phật .Con người có thể tiến lên địa vị ấy nếu biết hướng theo đường sáng do đức Phật đã vạch ra. Trái lại, không chịu tu hay không chịu làm phúc thì con người sẽ mãi đau khổ u tối, mặc cho nghiệp lực cuốn trôi, triền miên trong vòng mê luân sinh tử xoay vần, chẳng biết đến bao giờ là ngày chung kết!

Thức một chi quả thứ nhất thuộc đời hiện tại.


4. Danh sắc (Nàmarùpam): "Danh" là một danh từ trừu tượng như Thụ, Tưởng, Hành, Thức uẩn không có hình ảnh, chỉ là trạng thái chiều theo cảnh giới mà hiển hiện; "Sắc" tức hình tướng vật thể vô tri có trạng thái tự tiêu hoại do sức lạnh, nóng của thời tiết. Nhưng đây chủ yếu nói về sắc uẩn là do sự phối hợp của bốn đại: Đất (Prthividhàtuh), Nước (Abdhàtuh), Lửa (Tejodhàtuh), Gió (Vàyadhàtuh) tức chỉ cho tổng báo thân của loài hữu tình, từ khi còn trong thai trạng và dần dần sinh trưởng… Vậy có Nghiệp Thức là có sự luân chuyển nên khi Tâm thức chuyển sự sống sang kiếp khác (con mình).


Tâm (Danh) phải nương vào vật (Sắc) là tinh huyết cha mẹ để sự sống được nảy nở, tồn tại.


Con người là loài sinh mệnh có tư tưởng, trí tuệ nhưng do những yếu tố nào kết hợp tạo thành? Đạo Phật quan niệm con người cũng như các loài có cảm giác, thức tính đều do luật tiến hóa của vũ trụ với một trình độ nào…* và do ngũ uẩn kết hợp thành thân.


Đức Phật dạy: "…Này các tỳ kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình. Ở đây cha mẹ có giao hợp và người mẹ không có thể thụ thai và hương ấm (gandhabba)** không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây cha và mẹ có giao hợp và người mẹ trong thời có thể thụ thai nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình.


Và này các tỳ kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp và người mẹ trong thời có thể thụ thai và hương ấm có hiện tiền có ba sự hòa hợp như vậy bào thai mới thành hình. Rồi này các tỳ kheo, người mẹ trong chín hay mười tháng mang bào thai ấy, với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Rồi này các tỳ kheo, sau chín hay mười tháng, người mẹ sinh đẻ với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Khi đã sinh, người mẹ nuôi (hài nhi ấy)với máu của mình.


Này các tỳ kheo, trong luật của bậc thánh, sữa của người mẹ được xem là máu. Này các tỳ kheo, đứa trẻ ấy sau khi lớn lên, sau khi các căn đã thuần thục, chơi với những trò chơi dành cho các trẻ như với cái cày nhỏ, chơi đánh khăng, chơi nhảy lộn nhào, chơi chong chóng, chơi với đồ đong bằng lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ. Này các tỳ kheo, đứa trẻ sau khi lớn lên, sau khi các căn được thuần thục, thụ hưởng đầy đủ năm món dục lạc, các sắc do nhãn nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, khích thích lòng dục, các tiếng do tai nhận thức… các hướng do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân cảm xúc, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, khích thích lòng mẹ.


Khi nó thấy sắc với mắt, nó tham ái đối với hảo sắc, nó ghét bỏ đối với ố sắc, nó sống niệm không an trụ trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Nó không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của nó được trừ diệt một cách hoàn toàn. Như vậy, đối với thân sơ (thuận nghịch) nó cảm thụ nào khởi lên lạc thụ, khổ thụ, hay bất khổ bất lạc thụ, nó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trược thụ ấy. Vì tùy hỷ, hoan nghênh, tham trược, cảm thụ ấy nên hoan hỷ sinh.


Có tâm hoan hỷ đối với những cảm thụ ấy tức là chấp thủ. Do duyên thủ, hữu sinh do duyên hữu, sinh sinh khởi. Do duyên sinh, lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não, sinh. Như thế là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn vậy. Khi nó nghe tiếng với tai...(như trên)… khi nó ngửi hương với mũi… (như trên)… khi nó nếm vị với lưỡi…(như trên), khi nó cảm xúc với thân…(như trên )… khi nó nhận thức pháp với ý, nó tham ái đối với hảo pháp, nó ghét bỏ đối với ố pháp. Nó sống niệm không an trụ trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Nó không như thật biết đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác, bất thiện pháp của nó được trừ diệt một cách hoàn toàn. Như vậy đối diện với thân sơ (thuận, nghịch), nó cảm thụ nào khởi lên lạc thụ, khổ thụ, hay bất khổ lạc thụ, nó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trược cảm thụ ấy nên hoan hỷ sinh. Có tâm hoan hỷ đối với những cảm thụ ấy tức là chấp thủ. Do duyên thủ, hữu sinh. Do duyên hữu, sinh sinh khởi. Do duyên sinh, lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này"*.


Danh sắc một chi quả thứ hai thuộc đời hiện đại.


5. Lục nhập (Sadàyatanam): một khi "sự sống đã được nảy nở tồn tại (kết thai) thì 6 quang năng tức sáu căn thành hình (bào thai)".


Trong khi Danh và Sắc kết hợp tạo nên thân thể con người - một con người hoàn toàn sống động.


6 quan năng là:


1. Mắt (Caksurindriyam): nhãn căn.


2. Tai (Srotrendriyam): nhĩ căn.


3. Mũi (Ghrànendriyam): tỷ căn.


4. Lưỡi (Jihvendriyam): thiệt căn.


5. Thân (Kày yendriyam): thân căn.


6. Ý (Manadriyam): ý căn.


Đối tượng và giao tiếp với 6 trần:


1. Sắc: Rùpam (những hiện tượng có hình sắc).


2. Thanh: Sabdah (các âm thanh).


3. Hương: Gandhah (mùi thơm).


4. Vị: Rusah (chất chua, cay…)


5. Xúc: Sprastavyam (sự va chạm giữa thân thể và vật cảnh).


6. Pháp: Drarmas (những tư tưởng về quá khứ, hiện tại, vị lai).


(…"do duyên thức sinh và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sinh; và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và tiếng, thức sinh; và thức ấy có tên là tỷ thức. Do duyên thân thức. Do duyên ý và pháp, thức sinh; và thức ấy có tên là ý thức") - Mahatanhàsankhàya suttam xxxvììi - A

Thích Đức Nhuận

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/vu-tru-quan-p3-d31786.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY