Chiều 15.7, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với tranh chấp dân sự 674 m2 đất giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ. Vụ án gây nhiều tranh cãi quanh bản án phúc thẩm chiều 1.7 và sau khi TAND TP.HCM tuyên án phúc thẩm thì vợ của ông Lê Văn Dư định nhảy lầu tại trụ sở TAND TP.HCM thì được người nhà và bảo vệ can ngăn kịp thời.
Quyết định kháng nghị nêu "TAND TP.HCM xác định quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất là không đúng"; đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án (sơ thẩm của TAND Q.Gò Vấp, phúc thẩm của TAND TP.HCM), trả hồ sơ cho TAND Q.Gò Vấp xét xử lại theo hướng: áp dụng khoản 2 Điều 129 BLDS 2015 - công nhận hợp đồng mua bán giữa ông Phan Quý và các bị đơn.
Khoản 2 Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực. |
Theo diễn biến vụ án, trong các giai đoạn 2002 và 2009, vợ chồng ông Quý bán 674 m2 đất (bằng giấy tay) cho 3 bị đơn. Năm 2017, cho rằng việc mua bán chỉ bằng giấy tay, chưa công chứng, chứng thực, sang tên nhưng các bị đơn lại thỏa thuận chuyển nhượng qua lại với nhau, xây nhà trái phép trên đất nên nguyên đơn kiện ra TAND Q.Gò Vấp yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng đất chưa có hiệu lực. Không đồng ý, bị đơn phản tố, yêu cầu nguyên đơn hoàn tất việc chuyển nhượng, theo khoản 2 Điều 129 bộ luật dân sự năm 2015 - BLDS năm 2015
Tháng 11.2019, TAND Q.Gò Vấp xét xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp hợp đồng dân sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa các bên.
Theo đó, tòa này tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng 500 m2 đất giữa vợ chồng ông Quý và ông Khâu Văn Sĩ, do thời điểm chuyển nhượng ông Quý chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện giao kết hợp đồng.
Song, với 2 hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Quý và ông Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, theo tòa, thời điểm chuyển nhượng có vi phạm về hình thức và trái quy định pháp luật (không đủ điều kiện tách thửa) nhưng xét thực tế bị đơn đã và đang cư trú lâu dài trên phần đất nhận chuyển nhượng nên HĐXX công nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ liên quan.
Từ đó, ông Dư có quyền liên hệ cơ quan chức năng tách thửa, đăng ký QSDĐ đối với 174 m2/674 m2 đang tranh chấp.
Bản án phúc thẩm gây bức xúc cho bị đơn ngay sau khi TAND TP.HCM tuyên án, sau đó vợ bị đơn đòi nhảy lầu
CẮT TỪ CLIP |
Tuy nhiên, ngày 1.7, xét xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định tranh chấp giữa các bên là “tranh chấp QSDĐ”, từ đó sửa bản án sơ thẩm, không công nhận việc chuyển QSDĐ giữa vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn; công nhận 674 m2 đất thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn. Khi nhận lại đất, nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán cho ông Sĩ hơn 1,32 tỉ đồng; ông Dư và ông Thắng gần 836 triệu đồng/người.
Trường hợp có tranh chấp về các khoản tiền các đương sự đã thanh toán cho nhau khi nhận chuyển nhượng đất và các thiệt hại phát sinh từ giao dịch chuyển nhượng, các đương sự có quyền khởi kiện.
Sau khi nghe HĐXX phúc thẩm tuyên án, cho rằng bản án “bất công”, vợ ông Dư đòi nhảy lầu Tu tu tại trụ sở TAND TP.HCM nhưng được bảo vệ cùng những người tham dự phiên tòa ngăn cản kịp thời.