Tiền công tiêm trong tiêm chủng mở rộng thấp dẫn tới việc nhiều cán bộ tuyến xã không muốn làm công tác tiêm chủng do trách nhiệm nặng nề
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/015, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương soạn thảo Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng để trình Chính phủ; phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho cán bộ làm công tác tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và giá vaccine sản xuất trong nước nhằm tiến tới tự chủ vaccine.
Giá vacccine vẫn chưa được tính đúng, tính đủ
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc không tính đúng, tính đủ giá vaccine sản xuất trong nước dẫn tới các cơ sở sản xuất vaccine gặp rất nhiều khó khăn và khó có thể tự chủ vaccine trong tiêm chủng thường xuyên cũng như tiến tới việc xuất khẩu vaccine.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay, các vaccine sản xuất trong nước cung cấp cho Chương trình
tiêm chủng mở rộng được Nhà nước duyệt giá, tuy nhiên từ năm 2010 tới nay có những biến động về giá của một số vật tư, hóa chất, điện, nước, hệ số tiền lương tối thiểu tăng từ 150% đến 250% do biến động giá cả thị trường, tuy nhiên giá vaccine được duyệt năm 2014 không tăng tương ứng so với giá vaccine năm 2010.
Còn vaccine nhập khẩu sử dụng trong chương trình
tiêm chủng mở rộng một phần được viện trợ và một phần mua bằng vốn đối ứng thông qua đấu thầu. Trong khi đó giá vaccine nhập khẩu để sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ do nhà phân phối quy định.
Bên cạnh đó, cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa vấn đề hiện tại kinh phí hỗ trợ cho cán bộ làm công tác tiêm chủng thường xuyên rất thấp. Đối với cán bộ trực tiếp đi tiêm tại tuyến cơ sở cho tiêm chủng đầy đủ (8 mũi) cho 1 trẻ là 6.000 đồng (12.000 đồng đối với các xã đặc biệt khó khăn). Trong khi đó, phí tiêm chủng vaccine dịch vụ hiện nay là từ 7.000 đồng/lần uống đến 17.000 đồng/lần tiêm (theo Thông tư số 08/2014/TT-BTC ngày 15/01/2014 của Bộ Tài chính). “Tiền công tiêm trong
tiêm chủng mở rộng thấp dẫn tới việc nhiều cán bộ tuyến xã không muốn làm công tác tiêm chủng do trách nhiệm nặng nề”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói
Xuất phát từ thực tế trên, Bộ trưởng Y tế đã đề nghị Chính phủ thảo luận và xem xét việc tăng giá vaccine sản xuất trong nước và tăng mức hỗ trợ cho cán bộ làm công tác tiêm vaccine trong chương trình
tiêm chủng mở rộng.
Điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, trong suốt 30 năm thực hiện công tác
tiêm chủng mở rộng, nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao mà hàng trăm ngàn trẻ em và phụ nữ Việt Nam đã được bảo vệ khỏi bệnh tật và tàn phế, hàng chục ngàn trẻ được cứu sống, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và Tu vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi… đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác tiêm chủng cũng đã bộc lộ một số bất cập, đòi hỏi sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phòng chống dịch bệnh chủ động của người dân. Công tác tiêm chủng là một trong những chính sách ưu tiên được Nhà nước đảm bảo, chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng để tạo sự chuyển biến cả về công tác tổ chức, cơ chế tài chính cũng như việc triển khai thực hiện công tác tiêm chủng. Trong đó có 2 vấn đề liên quan đến tăng chi phí hỗ trợ cho cán bộ thực hiện
tiêm chủng mở rộng và điều chỉnh giá vaccine sản xuất trong nước.
Hiện 8 trong số 10 loại vaccine phòng ngừa 12 loại bệnh truyền nhiễm trong
tiêm chủng mở rộng là do Việt Nam tự sản xuất. Một số loại vaccine sản xuất trong nước cũng được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ như vaccine viêm gan A, vacccine viêm não Nhật Bản...
Tất cả các vaccine lưu hành tại Việt Nam bao gồm cả vaccine sản xuất trong nước và vaccine nhập khẩu đều được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát nghiêm ngặt từ quy trình sản xuất đến việc bảo quản, vận chuyển, phân phối tới tận người sử dụng để đảm bảo chất lượng và an toàn.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá và ghi nhận Việt Nam có hệ thống quản lý vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trước mắt, 4 vaccine của Việt Nam là vaccine viêm não Nhật Bản B, sởi, viêm gan A, viêm gan B có thể tham gia tiền thẩm định của WHO để các tổ chức quốc tế mua số lượng lớn cung cấp cho toàn cầu. Điều này khẳng định Việt Nam hoàn toàn có khả năng kiểm soát được chất lượng vaccine.
“Đây được coi là thành công của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ về sản xuất vaccine. Về nguyên tắc, Chính phủ đồng ý để giá vaccine sản xuất trong nước tiến tới giá thị trường, vì khi đã tiếp cận với thông lệ quốc tế, vaccine sản xuất trong nước không chỉ phục vụ đáp ứng nhu cầu người dân trong nước mà còn có thể hướng tới xuất khẩu”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015.
Thái Bình