Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Xét nghiệm sàng lọc phát hiện viêm gan do virút

Cho tới nay, kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc đã giúp phát hiện được 8 loại viêm gan do virút gồm: viêm gan A, B, C, D, E, G, TT và loại mới nhất là SEN-V.
Việc xét nghiệm sàng lọc để phát hiện, giúp cho việc chẩn đoán, tiên lượng bệnh và điều trị rất cần thiết. Nên xem xét việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc này khi có điều kiện.

Đặc điểm xét nghiệm sàng lọc

xét nghiệm sàng lọc có các đặc điểm như: có độ chính xác, độ nhạy và độ đặc hiệu càng cao càng tốt để có thể chẩn đoán đúng được bệnh; kỹ thuật thực hiện phải đơn giản, dễ làm và cho kết quả nhanh chóng khoảng 5 - 10 phút.

Cho tới nay, kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc đã giúp phát hiện được 8 loại viêm gan do virút gồm: viêm gan A, B, C, D, E, G, TT và loại mới nhất là SEN-V. Hai loại virút viêm gan A và viêm gan E được truyền qua đường tiêu hóa, các loại virút viêm gan khác được truyền qua đường máu. Hiện tại, hai loại virút viêm gan B và C đang là mối lo ngại của các quốc gia trên thế giới vì chúng có thể phát triển thành ung thư gan. Các kỹ thuật hóa sinh, sinh học phân tử, miễn dịch đã có vai trò quan trọng trong việc sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi điều trị các trường hợp viêm gan A, B, C và bắt đầu triển khai cho các trường hợp viêm gan D, E. Kỹ thuật hiện đang ứng dụng là kỹ thuật sinh học phân tử PCR (polymerase chain reaction) còn gọi là phản ứng polymerase dây chuyền được các nhà khoa học thực hiện năm 2001 có thể phát hiện cả 3 loại virút HIV, viêm gan B và viêm gan C trong cùng một lần xét nghiệm máu.

Hiện nay, trên thế giới đã xét nghiệm phát hiện được virút viêm gan D, viêm gan E mà trước đó chưa được nghiên cứu. Cũng vào năm 2001, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra công nghệ phát hiện kháng nguyên nhân virút viêm gan C đầu tiên trên thế giới bằng kỹ thuật Elisa (enzyme linked immunosorbent assay) cho kết quả xét nghiệm trong thời gian chưa tới 3 giờ, phát hiện sớm hơn 49 ngày so với các kỹ thuật đang ứng dụng chỉ dùng để xét nghiệm được kháng thể kháng virút viêm gan C. Ở Việt Nam đang thực hiện thông dụng các xét nghiệm hóa sinh và miễn dịch chẩn đoán 3 loại virút viêm gan A HAV (hepatitis A virus), virút viêm gan b HBV (hepatitis B virus) và virút viêm gan C HCV (hepatitis C virus).

Sàng lọc viêm gan A (HAV)

Việc xét nghiệm sàng lọc để phát hiện virút viêm gan A (HAV) được thực hiện bằng hai loại kỹ thuật phổ biến là định lượng transaminase trong máu và xét nghiệm miễn dịch virút viêm gan A. Đối với xét nghiệm miễn dịch phát hiện virút viêm gan A có 4 loại khác nhau.

Hai loại ít thực hiện hoặc không thực hiện rộng rãi gồm: HAV ARN theo kỹ thuật sinh học phân tử. HA - Ag theo kỹ thuật tìm kháng nguyên virút viêm gan A trong phân.

Hai loại thông dụng gồm: Anti - HAV IgM theo kỹ thuật phát hiện tìm kháng thể loại IgM kháng HAV, đây là bằng chứng tốt nhất chứng tỏ đang bị viêm gan virút A cấp tính. Anti - HAV toàn phần theo kỹ thuật phát hiện kháng thể toàn phần kháng HAV, nếu xét nghiệm này dương tính chứng tỏ là đã bị nhiễm bệnh nhưng không chứng tỏ đang bị cấp tính; ngoài ra có có ý nghĩa xác định cơ thể đã có miễn dịch đối với HAV.

Nói chung, khi nghi ngờ người bị viêm gan do nhiễm virút viêm gan A qua đường tiêu hóa, cần thực hiện hai xét nghiệm máu là transaminase và anti - HAV IgM.

Sàng lọc viêm gan B (HBV)

Việc xét nghiệm sàng lọc để phát hiện virút viêm gan B cần được xét nghiệm máu bước đầu để đánh giá tình trạng bệnh và tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B.

Xét nghiệm máu bước đầu giúp định lượng transaminase, nhất là GPT (glutamat pyruvat transaminase), phát hiện HBsAg là kháng nguyên bề mặt. Đây là hai xét nghiệm tối thiểu. Nếu cơ sở y tế có điều kiện thì thực hiện thêm các xét nghiệm khác như: xét nghiệm kháng thể IgM kháng kháng nguyên nhân (Anti - HBc IgM), xét nghiệm kháng thể kháng HCV (Anti - HCV) để phân biệt với viêm gan virút C, xét nghiệm kháng thể kháng HAV (Anti - HAV) để phân biệt với viêm gan virút A.

Đánh giá tình trạng bệnh là căn cứ để xác định các yếu tố liên quan. Người xét nghiệm có HBsAg là người có khả năng lây truyền bệnh, nếu có thêm kháng nguyên vỏ của viêm gan B (HBeAg) thì càng rất dễ lây nhiễm bệnh. Do đó trên thực tế, phụ nữ mang thai mà có HBsAg dương tính thì cần xét nghiệm thêm HBeAg, nếu có kết quả cũng dương tính rất dễ có nguy cơ truyền bệnh viêm gan B cho thai nhi. Nếu HBsAg tồn tại trong cơ thể quá 6 tháng được xác định là người mang kháng nguyên mạn tính. Nếu xét nghiệm kháng thể kháng lại kháng nguyên bề mặt (Anti -HBs) dương tính, còn các kháng nguyên đều âm tính thì trường hợp này không lây bệnh. Ngoài ra, cũng có các trường hợp được xác định không lây bệnh khi xét nghiệm phát hiện thấy các kháng thể Anti - HBc, Anti - HBe là kháng thể kháng kháng nguyên vỏ âm tính và các kháng nguyên đều âm tính. Như vậy, nếu xét nghiệm phát hiện thấy có kháng nguyên là có khả năng lây bệnh, nếu phát hiện thấy chỉ có kháng thể mà không thấy có kháng nguyên thì thì không có khả năng truyền bệnh. Đối với các trường hợp viêm gan mạn tính, việc đánh giá được căn cứ vào xét nghiệm thấy transaminase cao, HBsAg dương tính, Anti - HBc IgM dương tính; thực tế ghi nhận nếu kết quả dương tính càng mạnh thì mức độ phá hủy tế bào gan càng nhiều. Cần thực hiện thêm xét nghiệm khác để giúp cho việc đánh giá, nếu phát hiện thấy HBeAg dương tính có nghĩa là tình trạng viêm gan mạn tính đã chuyển sang thể hoạt động, phải được xử trí can thiệp ngay vì HBeAg phản ánh mức độ kháng nguyên có ở trong máu.

Việc tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh viêm gan B trong một số trường hợp cần căn cứ vào kết quả xét nghiệm để chỉ định phù hợp. Trước khi tiêm, nên thực hiện xét nghiệm HBsAg; nếu kết quả dương tính thì không cần tiêm chủng. Nếu cơ sở có điều kiện, cần xét nghiệm Anti - HBs trước và sau khi tiêm chủng để đánh giá hiệu quả của việc tiêm phòng.

Viêm gan C (HCV)

Việc sàng lọc để phát hiện virút viêm gan C được thực hiện bằng cách lấy máu xét nghiệm transaminase và kháng thể kháng viêm gan C (Anti - HCV); kháng thể này có thể tồn tại tới trên 6 tháng, có nghĩa là bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Cần xét nghiệm định lượng thêm - 2 microglobulin, nếu thấy cao có nghĩa là bệnh đã thành mạn tính và càng cao khi ở thể bệnh viêm gan mạn tính hoạt động. Nếu có điều kiện, có thể xét nghiệm HCV - ARN, khi thấy kết quả dương tính là tiên lượng xấu.

Viêm gan D (HDV)

Việc sàng lọc để phát hiện virút viêm gan D được thực hiện bằng cách lấy máu xét nghiệm tìm kháng nguyên HDV Ag, kháng thể Anti - HD IgG, kháng thể Anti - HD IgM. Hai loại xét nghiệm đầu đều dương tính, loại xét nghiệm thứ ba có thể dương tính hoặc âm tính có khả năng xác định viêm gan D. Nếu máu chỉ có kháng thể Anti - HD IgG dương tính có nghĩa là bệnh nhân đã bị nhiễm bệnh trong quá khứ.

Các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện các loại virút viêm gan thường có tính chất định tính hoặc bán định lượng nhằm giúp định hướng trong việc chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, chúng có khả năng giúp xác định, kết luận được một cách chắc chắn tình trạng bị nhiễm bệnh viêm gan do virút như: xét nghiệm HBsAg, HBeAg... Trên thực tế, việc xét nghiệm sàng lọc để phát hiện bệnh viêm gan do virút rất cần thiết; nếu có điều kiện nên thực hiện nhằm xem xét, đánh giá.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (http://suckhoedoisong.vn/xet-nghiem-sang-loc-phat-hien-viem-gan-do-virut-n86740.html)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Có khoảng 200 triệu người nhiễm virut viêm gan C (HCV) trên thế giới và mỗi năm có thêm 3 - 4 triệu người mắc mới.
  • Người bị bệnh viêm gan dùng các Thuốc chữa bệnh khác rất khó, nếu tự ý dùng sẽ bị sai sót, dẫn đến tai biến.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
  • Bộ ba sàng lọc (Triple test) là xét nghiệm máu xác định nồng độ alpha-fetoprotein, human chorionic gonadotropin (hCG) và estriol trong máu mẹ. Kết quả xét nghiệm giúp cho bác sĩ tìm ra những trường hợp em bé có nguy cơ cao hơn bị những dị tật bẩm sinh như hội chứng Down và dị tật ống thần kinh.
  • Viêm gan được gây ra bởi nhiều nguyên nhân mà phổ biến nhất là một trong 5 loại virus (A, B, C, D hoặc E). Tất cả những loại virus này gây nên phản ứng viêm ở gan và cản trở chức năng S*nh l* của gan. Bài viết này cung cấp kiến thức cơ bản về viêm gan A và cách phòng tránh.
  • Viêm gan B là tình trạng viêm gan rất nghiêm trọng, thường lây lan qua sự tiếp xúc với máu và/hoặc dịch cơ thể của người đã nhiễm bệnh. Bài viết này cung cấp những thông tin cơ bản về căn bệnh này.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY