Dân Việt Nam là fan bóng đá hiếm có trên thế giới. Trận đấu đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam gặp U23 Bahrain, với chiến thắng ghi dấu ấn Việt Nam góp mặt ở tứ kết ASIAD, xem truyền hình thấy cổ động viên đến sân chỉ vài chục.
Nhưng ngay sau tiếng còi kết thúc trận đấu, dân ta đổ ra đường hò reo, nhảy múa. Bờ Hồ đông nghẹt tưởng như nước mình vào chung kết thế giới.
Dân ta ăn mừng vì U23 đi tiếp, lại còn rất vui vì trận đấu được truyền hình trực tiếp trên VTC, được tiếp sóng bởi VTV.
Khi tôi đưa tin "Cuối cùng được xem trực tiếp" lên Facebook, một bạn đọc ở Sài Gòn đã viết đùa "Trực tiếp 1 trận" ý nói, nếu Việt Nam thua Bahrain thì việc VTC mua bản quyền truyền hình để phát ASIAD là rất phí vì dân ta chỉ xem bóng đá.
Cả tuần nay dân ghiền bóng đá lên án VTV không chịu mua bản quyền phát ASIAD trong khi một nhóm tự phát lấy tên Xôi Lạc TV "tiếp sóng" qua YouTube và Facebook dân ta sướng rên, dù chất lượng hình ảnh và tính chuyên nghiệp còn xa mới được như tivi.
Nhưng cơn khát của người hâm mộ U23 Việt Nam đã vượt qua mọi rào cản, kể cả việc bảo nhau xem kênh "lậu".
Việc xem tivi "lậu" cũng như dùng phần mềm "lậu" hay vi phạm bản quyền trí tuệ được coi là bình thường ở xứ này do luật lệ không chặt chẽ và nghiêm minh.
Thói quen không tôn trọng pháp luật hay hiểu pháp luật quốc tế kiểu "lũy tre làng" mới sinh ra kiểu tivi Xôi Lạc mang tên món ăn bình dân của nông dân xứ ta.
Tôi tới Mỹ thấy rất chán vì tivi không có kênh bóng đá. Có những trận đấu bốc nổi tiếng thế giới nhưng tìm mãi không có kênh nào phát.
Hóa ra muốn xem phải bỏ tiền, có mua, có bán tín hiệu tivi là chuyện bình thường ở một xã hội tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đó là chìa khóa cho phát triển.
Có luật truyền hình cáp còn chặt chẽ hơn. Cho dù đã mua dịch vụ truyền hình cáp nhưng trong qui định còn nói rõ, người mua không được phát lại với mục đích thương mại tại nơi công cộng.
Một nhà hàng có diện tích nhỏ hơn 350m2 thì được lắp tivi thoải mái, nhưng nếu rộng hơn chỉ được dùng không quá 4 cái mà mỗi màn hình phải nhỏ hơn 55 inches, do nhà hàng dùng tivi để câu khách, theo một nghĩa nào đó là "bán lại" tín hiệu.
Quán bar bán đồ uống cho bợm bia rượu hò hét xem thể thao, ca nhạc hay đấm box phải rất cẩn thận xem hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
Nếu bị phát hiện làm sai dễ bị kiện, mất tiền, ra tòa thì thôi rồi "lượm ơi", hàng chục năm tiết kiệm không bằng một lần sai luật.
Người xem bình dân đâu có phân biệt VTV hay VTC mà chỉ thấy U23 đá là OK rồi, kể cả xem Xôi Lạc TV như thời phim hề Sác Lô tốc độ giật cục.
Tối qua người xem được một phen sốc: Đang xem bóng đá trực tiếp trên tivi, những phút gay cấn, thì VTV6 mất tín hiệu. Trong khi đó, các kênh khác vẫn phát ào ào, hàng xóm reo hò ầm ĩ.
Sáng nay mới biết, VTV bị "cắt sóng" do gặp vấn đề bản quyền: Chưa ký xong thỏa thuận, và còn chèn nội dung vào chương trình tiếp sóng của VTC.
Trên mặt bằng thị trường, đài truyền hình quốc gia cũng không có quyền ưu tiên gì hơn truyền hình khác. Không có bản quyền ASIAD, chuyện VTV xin tiếp sóng VTC cũng khá là bình thường, không có gì "xấu" như nhiều người nghĩ.
Nhưng đã tiếp sóng thì VTV phải tiếp nguyên vẹn chương trình do VTC sản xuất. Tức là VTV sẽ phải giữ nguyên phần bình luận, quảng cáo và logo của VTC.
Không làm được điều này mới chính là bước tụt lùi đáng kể của VTV, chứ không phải chuyện không mua bản quyền.
Còn hân hoan với tín hiệu tivi trôi nổi, còn tiếp sóng mà không tôn trọng người cho phép, chứng tỏ dân ta vẫn còn muốn chỉ quanh quẩn sau lũy tre làng với món xôi lạc.
Mấy chục năm trước người viết bài này từng gặp anh Hà Thân, chủ công ty máy tính Seatic đình đám thời đó.
Ngồi trong văn phòng ở đường Thái Văn Lung nhìn ra dinh Thống Nhất và công viên đẹp mê mẩn, anh Hà Thân nói với tôi về giấc mơ làm phần mềm như Bill Gates và bắt đầu là Lạc Việt từ điển.
Tiền lãi bán phần cứng công ty đầu tư vào phần mềm nhưng càng làm càng lỗ do có sản phẩm hay phiên bản ứng dụng mới ra, chưa kịp đưa vào thị trường đã bị sao chép lậu, bán lậu, dùng lậu, khóa kiểu gì cũng không qua được mấy tay hackers.
Tại Việt Nam, bản quyền phần mềm hay xa hơn là quyền sở hữu trí tuệ không được tôn trọng đã làm thui chột ngành công nghệ thông tin vốn dựa vào bán phần mềm lãi hơn nhiều so với phần cứng.
Kỹ sư giỏi phần mềm phải lang bạt khắp nơi để kiếm sống, kể cả chạy sang Silicon Valley, vào Google hay Apple để lập trình mà không lo sản phẩm mình làm ra bị ăn cắp hay sao chép lậu.
Ước tính thời điểm này Bill Gates có khoảng 90 tỷ đô la so với GDP 2017 của Việt Nam là 220 tỷ. Ông kiếm khoảng 7 triệu đô la mỗi ngày, mỗi giờ hơn 300.000 đô la và mỗi phút khoảng 5000 đô la.
Lúc 17 tuổi, Bill Gates bán bộ chương trình đầu tiên và được hơn 4000 đô la, rồi từ đó tiếp tục đầu tư cho phần mềm và sau 14 năm Bill Gates thành tỷ phú ở tuổi 31.
Năm 2004, tôi sang Mỹ dù làm ở World Bank nhưng vẫn chưa hiểu hết những lưu ý Copyright được luật pháp Mỹ bảo trợ vì ở Việt Nam quen dùng phần mềm trôi nổi.
Khi đọc tin trên tờ Express miễn phí trên metro về một sinh viên Trung Quốc đã dùng Windows và bộ Office lậu do bẻ khóa bị FBI bắt được. Cô bị phạt tù 5 năm và đền 200.000USD. Khi đó tôi mới thực sự tỉnh đòn thế nào là sở hữu trí tuệ và luật Mỹ.
Nếu luật sở hữu trí tuệ được thực hiện triệt để thì có lẽ anh Hà Thân đã thực hiện giấc mơ thành Bill Gates khác bởi tuổi trẻ Việt Nam thừa tài năng, thừa cần cù, không thiếu nhanh nhạy để giúp cho nền công nghiệp phần mềm xứ ta.
Nhưng tin từ VCCI hồi tháng 4-2018 cho hay, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam đang ở mức cao lên tới 78%, mặc dù tỷ lệ này đã được giảm đi đáng kể so với tỷ lệ 98% cách đây 10 năm.
Hiệp định CPTPP được Việt Nam ký kết tháng 3/2018, tham gia sâu rộng hơn và vấn đề sở hữu trí tuệ sẽ được các quốc gia bàn rất kỹ.
Muốn giúp những người có giấc mơ như anh Hà Thân trở thành Bill Gates của xứ Việt thì dân ta đừng quá vui với món xôi lạc sau lũy tre, vi phạm đủ thứ cứ nghĩ không ai biết.
Dùng Windows cọp thoải mái đi, cánh bán máy cài vô tội cốt thu tiền, nhưng vác cái máy đó sang Mỹ đang online ở sân bay mà có FBI vỗ vai thì quá muộn.
Chủ đề liên quan:
đội tuyển bóng đá fan bóng đá Hiệu Minh truyền hình trực tiếp u23 việt nam vấn đề bản quyền xem bóng đá xôi lạc Xúc động khoảnh khắc đoàn viên