Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Xuất khẩu gạo tăng mạnh ở nhiều thị trường: Không bất thường

Trong khi các ngành khác lo lắng về tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì xuất khẩu (XK) gạo lại được xem là điểm sáng. Tuy nhiên, việc giữ đà tăng trưởng này cũng không dễ nhất là trong bối cảnh vẫn mạnh ai nấy làm, giá trị XK thấp. Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp (DN) XK gạo cần nắm sát kế hoạch sản xuất nông nghiệp trước khi ký kết các hợp đồng XK, và việc một số thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng cao thời gian gần đây không có gì bất thường.

XK gạo tăng mạnh cả lượng và giá trị

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 2 tháng đầu năm 2020, XK gạo đạt 890.000 tấn, tăng 27%; giá trị XK đạt 410 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo XK của Việt Nam đang tăng trong những ngày qua. Ngày 27/2, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã lên mức 388 - 392 USD/tấn, cao hơn gần 20 USD/tấn so với hồi giữa tháng. Giá gạo hiện tại là mức cao nhất trong hơn 1 năm qua.

Giá gạo XK tăng do các DN ngành gạo vừa nhận thêm nhiều đơn hàng từ Philippines, Malaysia… Đặc biệt, Malaysia vừa đạt thỏa thuận mua 90.000 tấn gạo của Việt Nam và dự kiến sẽ nhập khẩu thêm trong thời gian tới. Philippines vẫn đang mua nhiều kể từ tháng 12/2019 đến nay. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cũng đang tập trung các lô hàng gạo XK sang những thị trường quan trọng khác.

Xuất khẩu gạo có dễ giữ đà tăng trưởng?

Giá gạo của Việt Nam tăng cũng có tác động từ xu hướng tăng chung do ảnh hưởng của hạn hán ở nhiều nước sản xuất và XK gạo, trong đó có Việt Nam, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường gạo thế giới.

Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 mới đây, ông Phạm Xuân Quế - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc - chia sẻ, thông thường diễn biến giá gạo tăng giảm được điều chỉnh theo quý hoặc năm, nhưng mới có 1 tháng giá gạo điều chỉnh tăng vọt, đây là điều hiếm xảy ra, nhất là trong bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long đang vào chính vụ thu hoạch Đông Xuân. Lý do là bởi thị trường thế giới có sự điều chỉnh, các nước nhập khẩu nhập sớm. Trung Quốc trước đó chi phối thị trường châu Phi nhưng do dịch Covid-19 nên không kham nổi, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành lúa gạo giúp tái cơ cấu thị trường XK, giá không phụ thuộc vào một số thị trường. Điều này cho thấy triển vọng khả quan thực hiện mục tiêu XK năm 2020 là 6,7 triệu tấn, với trị giá trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Quế cho rằng, cũng không chủ quan đánh giá sát diễn biến thị trường thế giới và trong nước để đảm bảo cả mục tiêu XK và an ninh lương thực trong nước.

Nhu cầu mua gạo của nhiều thị trường quan trọng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Câu hỏi đang được đặt ra, liệu năm 2020 sẽ là thời cơ để ngành lúa gạo Việt Nam "lột xác", chiếm lĩnh thị trường, vượt được gạo Thái Lan? Liên quan đến vấn đề này, GS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ - nhận định: năm nay XK lúa gạo Việt Nam được đánh giá là có nhiều thuận lợi hơn Thái Lan. Song, để vượt qua Thái Lan trên bản đồ XK gạo thế giới sẽ không hề dễ dàng. Bởi lẽ, trung bình mỗi năm, Thái Lan xuất khoảng 10 triệu tấn, năm nay mất mùa có thể giảm xuống 7 - 8 triệu tấn. Ngay cả khi Thái Lan mất mùa, sản lượng gạo cũng hơn chúng ta. “Mỗi năm, Việt Nam chỉ có thể XK khoảng 6,5 triệu tấn vì sản lượng sản xuất không cho phép. Thái Lan đang có nhiều khách hàng hơn Việt Nam. Đồng thời, hệ thống sản xuất lúa gạo của Thái Lan rất bài bản, chẳng hạn như nhiều DN XK gạo chỉ XK một loại gạo Hom Mali. Trong khi ở Việt Nam, nông dân vẫn mạnh ai nấy trồng, thương lái đi gom lại rồi bán cho DN; DN mua 2 -3 thứ gạo, sau đó trộn lại đem đi XK”, GS Võ Tòng Xuân nói.

DN cần đa dạng hóa thị trường

Khẳng định, với tình hình sản xuất như hiện nay, mục tiêu XK 6,7 triệu tấn gạo là có thể khả thi bởi tổng sản lượng theo kế hoạch đề ra có thể đạt được. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT) – cho rằng, để vượt con số này là không dễ thực hiện bởi lẽ việc đảm bảo cân đối XK và tiêu thụ trong nước là vô cùng quan trọng, để tránh rủi ro. Hiện diện tích sản xuất lúa đã đạt tối đa. Trong khi đó, chỉ tính riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu gạo cho bữa ăn hàng ngày, chế biến, làm giống,... đã lên đến 1 triệu tấn, có nghĩa là cần đến 12 triệu tấn/năm.

Liên quan đến việc Trung Quốc đột nhiên tăng mua gạo từ Việt Nam, ông Lê Thanh Tùng nhận định, việc này không có gì bất thường bởi có thời điểm lượng gạo XK sang Trung Quốc lên đến 3 triệu tấn. Do dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, sản xuất đình trệ, dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng 1,8 triệu tấn, cộng với tâm lý tích trữ của người dân nên nhu cầu mua gạo tăng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các DN cần tìm thêm các thị trường khác để bán được giá cao, nếu quá chú trọng vào thị trường Trung Quốc thì sẽ mất nhiều cơ hội khác. “Các DN XK phải bám sát kế hoạch sản xuất của Bộ NN&PTNT, thời vụ xuống giống của đồng bằng sông Cửu Long, cân đối lượng lúa thu hoạch trước khi đặt bút ký kết hợp đồng với các đối tác. Việc XK cũng không thể thực hiện tập trung tại một thời điểm mà cần chia đều từ nay đến hết năm 2020”, ông Tùng khuyến nghị.

Dự kiến, cuối tháng 3/2020, Bộ NN&PTNT sẽ có khung thời vụ cho vụ Hè Thu và Thu Đông, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó để đàm phán các hợp đồng xuất khẩu.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá, con số XK gạo 2 tháng đầu năm 2020 là không có gì quá đột biến so với 5 năm trước đây. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2009 và 2011, Việt Nam đều XK 1 triệu tấn gạo; 2 tháng đầu năm 2016, Việt Nam XK 929 nghìn tấn gạo và 2 tháng đầu năm 2020 Việt Nam XK khoảng 900 nghìn tấn.

Tuy nhiên, nhu cầu thế giới đang cao, có thể xem xét tăng sản lượng gạo XK, bởi hiện tại, chúng ta đang cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ: chống dịch, chống suy thoái kinh tế, chống thất nghiệp, trong đó chống suy thoái kinh tế là nhiệm vụ khó khăn. Cơ hội thị trường, nếu không nắm được thì nông dân, DN mất thời cơ. “Quan trọng nhất trong kinh doanh nông nghiệp là giữ thị trường. Việt Nam nên XK ở con số khoảng 7 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực và an ninh sức khỏe”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nói.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Hiện, cả nước có khoảng 250 DN xuất gạo, trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ quản lý khoảng 150 DN. Lo ngại nhất là những DN không tham gia hiệp hội đi ký hợp đồng, việc này sẽ dẫn đến việc tranh mua nguyên liệu và người chịu thiệt sẽ là nông dân, bởi lẽ, họ sẽ không có lúa để bán nhưng sẽ phải mua gạo với giá cao.

Nguyễn Hạnh

Mạng Y Tế
Nguồn: Công thương (https://congthuong.vn/xuat-khau-gao-tang-ma-nh-o-nhie-u-thi-truo-ng-khong-ba-t-thuo-ng-134464.html)

Chủ đề liên quan:

CoVid 19 trung quốc xuất khẩu

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY