Tâm sự hôm nay

Y đức, đạo lý và lý trí

Vụ bác sĩ thẩm mĩ phi tang thi thể nạn nhân lại dấy lên một làn sóng phê phán ngành y. Tuy nhiên, có một sự ngộ nhận về kĩ nghệ làm đẹp và y khoa, cũng như giữa y đức và đạo lí.
LTS: Mang trên mình nghĩa vụ cao cả nhưng cũng hết sức nặng nề, ngành y tế Việt Nam luôn nỗ lực đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về đội ngũ y bác sĩ và những vấn đề nóng bỏng của ngành y, Báo Sức khỏe & Đời sống bắt đầu triển khai Diễn đàn "Y đức - đạo lý". Đây là diễn đàn mở, tòa soạn khuyến khích độc giả chia sẻ quan điểm cá nhân để có cái nhìn đa chiều về một nghề cao quý nhưng cũng lắm gian truân. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn, xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Trân trọng cảm ơn độc giả. Mở đầu diễn đàn "Y đức - đạo lý", Báo Sức khỏe & Đời sống xin gửi tới độc giả bài viết "Y đức, đạo lý và lý trí" của độc giả Nguyễn Văn Tuấn. Y đức, đạo lý và lý trí Vụ bác sĩ thẩm mĩ phi tang thi thể nạn nhân lại dấy lên một làn sóng phê phán ngành y. Tuy nhiên, đọc qua những bàn luận và phản ứng của giới báo chí cũng như một số người trong y giới, tôi nghĩ có một sự ngộ nhận về kĩ nghệ làm đẹp và y khoa, cũng như giữa y đức và đạo lí. Từ ngộ nhận này, có vài phản ứng lệch lạc, và có thể nói là mang màu sắc… cải lương. Rất nhiều người lầm tưởng rằng giải phẫu thẩm mĩ (GPTM) là y khoa. Xin mở ngoặc ở đây tôi chỉ nói giải phẫu thẩm mĩ (cosmetic surgery), chứ không phải giải phẫu chỉnh hình (constructive surgery) vốn là lĩnh vực của y khoa. Theo tôi thấy, GPTM không thuộc ngành y, ít ra là trên phương diện đối tượng phục vụ và mục tiêu. Đối tượng của y khoa là những người mắc bệnh. Còn “khách hàng” của GPTM không phải là bệnh nhân mà là những người bình thường và khoẻ mạnh. Ngành y có thiên chức cứu người, chữa bệnh, và phòng bệnh. GPTM chỉ có mục tiêu làm đẹp trên người không phải là bệnh nhân. Có thể xem GPTM như là một doanh nghiệp làm đẹp và bán cái đẹp. Cần lưu ý rằng trong khi ngành GPTM được phép quảng cáo, còn y khoa thì không. Giải phẫu thẩm mĩ quảng cáo dịch vụ làm đẹp cũng có nghĩa là một hình thức quảng bá những hình ảnh quyến rũ, và trong nhiều trường hợp, nuôi dưỡng những kì vọng về cái đẹp một cách thiếu thực tế (và bỏ qua những rủi ro). Ngược lại với GPTM, theo truyền thống và y đức, bác sĩ không thích/không được quảng cáo. Giới bác sĩ quan niệm rằng quảng cáo dịch vụ y khoa là tự hạ mình ngang hàng với thợ. Bác sĩ là "thầy" (thầy Thu*c) chứ không phải thợ. Vì những khác biệt rất căn bản giữa GPTM và y khoa, nên những tiêu chuẩn y đức phổ quát dành cho bác sĩ rất khó áp dụng cho GPTM. Do đó, khi các quan chức và báo chí nói đến y đức của vị bác sĩ phi tang thi thể khách hàng theo tôi là có phần lệch hướng. Ngành y có những điều lệ y đức, và những điều lệ này kiểm soát hành vi của bác sĩ trong việc điều trị bệnh nhân, và mối liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ngành GPTM có điều lệ đạo đức riêng vì đối tượng của GPTM khác với ngành y. Tôi không rõ ở Việt Nam người ta có những chuẩn mực đạo đức hành nghề (codes of conduct) cho ngành giải phẫu thẩm mĩ, nhưng ở nước ngoài thì ngành GPTM có chuẩn mực đạo đức riêng cho người trong ngành. Chẳng hạn như ở Úc Hội giải phẫu thẩm mĩ đề ra những chuẩn mực đạo đức như xuất sắc trong phẫu thuật, thành thật và tôn kính, tình thương, có trách nhiệm, và học thức và tình đồng nghiệp. Những chuẩn mực này giống như đạo đức doanh nghiệp, rất khác với y đức. Hành động của anh bác sĩ đó phải được xét trong cái khung đạo đức ngành của anh ấy. Hành động của anh bác sĩ đó vượt ra ngoài phạm vi y đức (medical ethics), mà thuộc vào phạm trù đạo lí làm người (morality). Đạo lí làm người cho phép chúng ta phân biệt được cái đúng, cái sai, và “hướng dẫn” cách hành xử. Trên xe điện khi thấy người già yếu mình nhường ghế; trên đường phố khi thấy đám tang người ta cúi đầu; khi thấy người ta mắc nạn mình phải ra tay cứu, v.v. là những chuẩn mực đạo lí được hình thành từ những tương tác với xã hội theo thời gian. Có thể trong cơn hoảng loạn anh ta đánh mất đạo lí và hành xử phi chuẩn mực. Thực ra, tôi thấy anh bác sĩ ấy là một nạn nhân đáng thương hơn là đáng ghét. Dù muốn hay không, sự việc xảy ra và hành động của anh ấy cũng chịu sự chi phối của cái môi trường xã hội mà anh tương tác. Có lẽ việc làm có ích hơn chỉ trích và phê phán là nên tìm hiểu tại sao anh ấy là hành xử “hơn cả xã hội đen”. Có phải vì anh ấy sợ vướng vòng lao lí, và nếu sợ lao lí thì phải xem thể chế đã làm gì để người ta sợ đến như thế. Cái lí do sâu xa có lẽ còn thú vị và có thể cho chúng ta nhiều thông tin hơn là nhắm vào cá nhân anh bác sĩ đang rất đau khổ. Những phản ứng của một số người trong ngành y có vẻ quá cảm tính. Có lẽ vì đọc trên báo thấy người ta phê bình, chỉ trích, sỉ vả ngành y thái quá, nên có người đâm ra chán chường và thất vọng. Có người tự vấn tại sao ngành y bạc bẽo thế?! Theo tôi, không có lí do gì phải tự ti hay phản ứng buồn rầu như thế cả. Không nên quá quan tâm đến báo chí, nhất là báo chí chạy theo những cái tít giật gân và gây cấn. Những người trong giới báo chí đang lớn tiếng phê phán về y đức chưa chắc họ hiểu y đức là gì. Thật ra, có thể chính giới báo chí đang vi phạm chính đạo đức nghề báo (như về tận làng quê của anh bác sĩ và khai thác thông tin mẹ anh ấy). Phản ứng cảm tính theo báo chí là dễ bị mất định hướng lí trí. Những ai chỉ vì một trường hợp cá biệt mà chỉ trích cả ngành y thì chỉ họ chỉ thể hiện sự thấp kém của họ mà thôi. Ở Úc, có một bác sĩ gốc Ấn Độ từng gây ra cái ch*t cho hàng chục bệnh nhân, ông trốn về Mĩ, và sau này bị truy bắt về Úc. Báo chí Úc cũng có dịp gây ồn ào, nhưng không có bác sĩ Úc nào cảm thấy xấu hổ hay thấy ngành y bạc bẽo cả. Ở Argentina có bác sĩ kia nghe nói "giết" cả vài trăm bệnh nhân, nhưng ngành y đâu có ảnh hưởng gì. Ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm, chứ không thể vì một cá nhân mà gán ghép cho cả ngành. Tôi e rằng những người nhân danh ngành nghề "cao quí" của mình để cảm thấy xúc phạm đang mang trên vai con chip quá nặng. Đó cũng là một phản ứng theo tôi là có màu sắc cải lương. Xin nói thêm rằng hai chữ "cải lương" ở đây chỉ để nói tình trạng "thương vay khóc mướn" chứ chẳng phải nói xách mé. Ngành nghề nào cũng có những con “cừu đen” (và “cừu trắng”), và những con cừu này không đại diện cho một quần thể. Bên cạnh những điểm sáng, ngành y ở Việt Nam vẫn còn những điểm chưa sáng, kể cả những vấn đề liên quan đến y đức. Thay vì than vãn một cách cải lương, tôi nghĩ các bạn ấy nên bình tĩnh nhìn vào sự việc để phân tích. Than vãn chẳng giải quyết được điều gì. Vả lại, giải phẫu thẩm mĩ và y khoa khác nhau, và bác sĩ không có lí do gì thấy “xấu hổ” khi có người bên ngành GPTM làm sai. Cho dù nếu ai đó xem GPTM là ngành y, thì một việc làm phi đạo lí của anh bác sĩ kia chưa đủ lí do để các bác sĩ cảm thấy chao đảo. Phản ứng của một số người trong y tế và báo chí làm lu mờ lằn ranh giữa giải phẫu thẩm mĩ và y khoa. Đó là một điều đáng tiếc, vì sự đánh đồng một vấn đề thuộc phạm trù của đạo lí thành vấn đề y đức. Y đức chỉ là một thành tố trong hệ thống đạo lí, và đạo lí mới là điều đáng quan tâm trong trường hợp của người bác sĩ đang đau khổ với hành động điên rồ của mình. Nguyễn Văn Tuấn
Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-y-duc-dao-ly-va-ly-triy-te-8340.html)

Chủ đề liên quan:

đạo lý lý trí y đức

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY