Hiện nay, thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang trong thời điểm chính vụ, tuy nhiên sức mua thanh long tại các nhà vườn có xu hướng giảm mạnh. Dịch bệnh COVID-19 đã khiến việc xuất khẩu thanh long qua Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam bị ảnh hưởng. Thanh long hiện đang rớt giá mạnh, tiêu thụ khó khăn.
Theo nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, hiện giá thanh long trên địa bàn chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Với giá này nông dân thu hoạch thua lỗ nặng. Mới tuần trước giá còn dao động mức 7.000 - 8.000 đồng/kg, đến hôm nay giá đã giảm mạnh 4.000 đồng/kg thanh long (loại 1).
Cũng theo người trồng, mặc dù thanh long hiện rẻ bèo nhưng việc tiêu thụ diễn ra rất chậm. Nếu để thanh long chín thì quá sẽ bị nứt trái nên phải đem đi bỏ. Bây giờ bà con đành chấp nhận bán thanh long với giá rẻ như hiện nay, chỉ mong gỡ gạc một ít vốn đầu tư.
Trao đổi với Một Thế Giới về diễn biến tình hình tiêu thụ thanh long, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết giá thanh long đang giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến thanh long rớt giá thê thảm là do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thanh long ở cửa khẩu khiến hàng tồn đọng nhiều. Trong khi đó, đây lại là thời điểm chính vụ, nông dân không kiểm soát được số lượng.
"Giá thanh long xuống thấp khiến người nông dân gặp khó khăn vô cùng giai đoạn này. Hàng đến cửa khẩu gặp khó khăn vì dịch bệnh nên tồn đọng lại. Các doanh nghiệp trong nước vẫn mua nhưng rất chậm", ông Tấn cho hay.
Theo ông Tấn, hiện nay thị trường tiêu thụ thanh long chính của Bình Thuận vẫn là Trung Quốc, chiếm 70 - 80% sản lượng xuất khẩu. Sau đó là một số nước khác như: Ấn Độ, Thái Lan, Đức, Mỹ, Canada, Dubai, Nhật Bản...
Trước tình hình trên, để gỡ khó cho bà con nông dân trồng thanh long, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết hiện đang khuyến cáo hạn chế bà con để trái, thay vào đó là tập trung chăm sóc, dưỡng dây và theo dõi thị trường thu mua để nuôi trái.
UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân, các cơ sở trồng, sản xuất thanh long có kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ trong thời gian tới; xử lý bằng kỹ thuật chăm sóc thanh long phù hợp với sản lượng gần tới kỳ thu hoạch.
Tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ truyền thống khác hiện có ngoài Trung Quốc;
Tăng cường liên kết doanh nghiệp với nhau nhằm tạo được các chuỗi giá trị quy mô lớn đủ sức cạnh tranh và tiêu thụ ổn định; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ thanh long nhằm phát huy hết công suất nhà xưởng như bồn chứa, công nghệ, mở rộng nhà xưởng, đồng thời giảm áp lực tiêu thụ trái tươi.
Bình Thuận là “thủ phủ” thanh long của cả nước, với diện tích lên đến gần 30.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 600.000 tấn/năm. Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 170 doanh nghiệp và cơ sở thu mua thanh long với 120 kho lạnh có sức chứa khoảng 7.000 tấn.