Thắp lửa hôn nhân thời Covid-19 |
7 bí quyết giúp hôn nhân bền vững |
Vợ tôi vừa hạ sinh một bé gái và trong giờ phút hạnh phúc ấy, bỗng nhiên tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi sợ rằng tôi sẽ nuôi dạy sai cách và sẽ hủy hoại cuộc sống của con gái.
Tôi nhớ về cha mẹ tôi, họ rất tốt, họ làm việc chăm chỉ để tôi có đủ cơm ăn, áo mặc và khỏe mạnh nên người. Nhưng bù lại, họ luôn nghiêm khắc yêu cầu tôi phải đáp ứng những mong đợi của họ. Tôi đã lớn lên để trở thành người mà họ mong muốn. Và có hàng triệu đứa trẻ khác cũng giống như tôi.
Cha mẹ có lẽ chỉ muốn trở thành tấm gương cho chúng tôi và muốn chúng tôi thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, nên người. Nhưng tôi lại trở thành người không được ngoan ngoãn như họ mong muốn.
Cho tới giờ, có những việc mà tôi ước gì cha mẹ biết và làm khác đi. Có lẽ nhiều bậc phụ huynh khác cũng đang mắc phải những điều này.
Các bậc cha mẹ luôn cố gắng kiểm soát toàn bộ cuộc sống của con cái họ vì họ chỉ muốn điều tốt nhất cho con. Nhất là khi cha mẹ là người thành công và có điều kiện, họ lại càng có kinh nghiệm và hiểu rõ con đường nào tốt cho con cái.
Việc kiểm soát quá mức cuộc sống của con cái khiến chúng ngột ngạt và muốn bứt phá. |
Cha mẹ tôi cũng vây, họ luôn muốn hướng tôi theo chỉ định của họ và kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của tôi, muốn tôi đi theo hướng mà mình vạch ra, thậm chí kiểm soát từng hoạt động nhỏ nhất hàng ngày tôi bằng việc lắp camera khắp nhà.
Điều này vô tình lại tạo ra một cái khung sắt vô hình bó chặt con cái, khiến nhiều đứa trẻ có cảm giác nhà chúng như nhà tù. Chúng luôn cảm thấy ngột ngạt và muốn bứt phá, thậm chí trở nên bất cần đời, nghịch ngợm, phá phách và không biết trân trọng giá trị cuộc sống.
Nếu là bậc cha mẹ thông minh, tốt hơn hết hãy để cho con cái được tự do tìm hiểu và lựa chọn những thứ mà chúng yêu thích, nơi có thể phát huy khả năng của chúng một cách tốt nhất. Dĩ nhiên điều đó cũng phải nằm trong khuôn khổ dưới sự dẫn dắt ân cần, khéo léo của cha mẹ.
Các bậc cha mẹ cũng nên tôn trọng sự riêng tư của con cái, đó là quyền tối thiểu mà mỗi con người cần có được. Hãy coi con cái như những người bạn của mình, đừng biến chúng thành những sản phẩm dập khuôn.
Tôi luôn mơ ước được học võ, nhưng cha mẹ lại cho tôi đi trượt tuyết từ năm 4 tuổi. Khi tôi nộp đơn vào trường âm nhạc, tôi muốn chơi violin, nhưng bố mẹ tôi nghĩ rằng tôi nên trở thành một nghệ sĩ piano jazz. Và thế là chẳng bao lâu sau, tôi đã bỏ trường âm nhạc đó.
Các bậc cha mẹ luôn yêu thương và quan tâm con cái, muốn chúng được hạnh phúc theo cách mà họ hướng tới. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng sẽ đi theo con đường mà bạn vạch ra.
Ông bà ta có câu ‘cha sinh con trời sinh tính’, thực tế con cái của doanh nhân thành đạt biết đâu lại chỉ thích chơi nhạc, nhảy hip hop, hay thích nấu ăn, trồng cây, thích làm thợ cắt tóc,… Điều đó phụ thuộc vào khả năng của mỗi người.
Cha mẹ không bao giờ khen ngợi tôi. Họ không bao giờ sử dụng các cụm từ như: “Làm tốt lắm!, Con tuyệt lắm! Tốt lắm, hãy phát huy nhé!”. Thay vào đó, họ luôn nhìn ra điểm chưa tốt của tôi và nói “Con làm được, nhưng vẫn còn chỗ sai. Tốt hơn con có thể làm theo cách này….”.
Hãy trở thành những người bạn của con cái để cùng chúng lớn lên. |
Họ cho rằng lời khen không mang lại hiệu quả bằng thái độ nghiêm khắc mang tính xây dựng. Họ muốn chỉ ra những sai lầm và cho một số lời khuyên về cách sửa chữa. Họ không quan tâm rằng nhiều khi tôi chỉ muốn nghe một câu khích lệ rằng tôi đã làm tốt. Bởi vậy mà sau đó tôi cảm thấy nản và không muốn làm gì nữa. Tôi đã nghĩ "Cần gì phải làm khi chẳng bao giờ có được một món quà khích lệ đúng lúc".
Khoa học đã chứng minh những đứa trẻ có cha mẹ nghiêm khắc như vậy sẽ gặp vấn đề với việc hòa hợp và tận hưởng cuộc sống. Những đứa trẻ phải đối phó với áp lực quá mức từ chính gia đình của chúng sẽ dễ tự làm hại mình hơn.
Nhiều cha mẹ thường nghĩ rằng nếu một đứa trẻ chưa đạt được sự mong đợi của họ thì chúng sẽ cần thêm động lực. Vì vậy, họ bắt đầu sử dụng các cụm từ như: “Con sẽ không có đồ chơi mới nếu cứ để phòng bừa bộn”, hay “Con sẽ không được đi xem phim nếu không nhận được điểm A trong bài kiểm tra”.
Cha mẹ tôi cũng bị ám ảnh bởi điểm số của tôi. Họ nói nếu tôi có điểm D hay F thì sẽ không có món quà sinh nhật nào hết. Và tôi đã luôn phải đối mặt với sự la hét, giận dữ, thất vọng trên khuôn mặt họ. Hồi đó, tôi đã nghĩ rằng mọi thứ thật sự quá tồi tệ. Cho tới khi lớn lên tôi mới biết mình đã sai.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng các bậc cha mẹ quá nghiêm khắc và hay trừng phạt con cái có thể gây ra vấn đề về sự phát triển khả năng ngôn ngữ ở trẻ. Và khi một đứa trẻ tìm cách đối phó với sự cấm đoán của cha mẹ, họ sẽ khó mà tiếp tục kiểm soát con mình. Nhiều đứa trẻ trở thành dối trá, đối phó cũng một phần do cha mẹ chúng.
Một thực tế đau lòng là cha mẹ nghiêm khắc lại nuôi dạy nên những đứa trẻ lén lút. Cha mẹ cấm tôi yêu đương trước tuổi 18 nhưng tôi lại có người yêu từ khi 14 tuổi. Bạn bè của tôi theo đạo Hồi nhưng vẫn giấu diếm cha mẹ mặc quần jean rách và áo croptop mỗi khi ra ngoài.
Việc cấm đoán tuyệt đối không phải cách hay để chỉ con. |
Nhiều bậc cha mẹ vẫn áp dụng cách giáo dục đòn roi, la hét con cái. Một đứa trẻ muốn xem cha mẹ là người mà chúng muốn chia sẻ những bí mật. Nhưng rồi chúng lại không thể vì chúng sợ những trận đòn roi, trừng phạt không đáng có.
Cha mẹ tôi cũng từng áp dụng điều đó với tôi khi tôi học trung học. Và thành thật mà nói, tôi đã từng gặp vấn đề nặng nề với điều đó.
Con cái là bản sao hoàn hảo của cha mẹ, vì vậy cha mẹ bạo lực cũng sẽ tạo ra những đứa trẻ bạo lực. Ngay cả sau này, có thể chính cha mẹ là người chịu sự bạo lực từ con cái.
Chắc hẳn sẽ có những bậc cha mẹ cho tiền con cái khi chúng được điểm cao, hay khi chúng làm việc nhà. Điều đó sẽ khiến lũ trẻ bắt đầu tìm kiếm lợi ích trong mọi tình huống và dễ dàng trở nên hư hỏng.
Cha tôi thường cho tôi tiền để giúp ông ấy vứt rác hay dọn nhà. Nhưng khi lớn hơn một chút, thì ông ấy không làm vậy nữa và nói tôi đã lớn rồi. Lúc đó tôi đã vô cùng giận dữ và sốc vô cùng vì tôi nghĩ đó là một sự trừng phạt không đáng có trong khi tôi không làm gì sai.
Hãy để một đứa trẻ biết trách nhiệm với công việc trong gia đình và giúp đỡ cha mẹ. Đừng vô tình biến chúng thành người thực dụng.
Cha mẹ tôi từng cho phép tôi làm một việc, rồi hôm sau lại cấm, hôm sau nữa lại phớt lờ việc tôi vẫn làm, cho tới một ngày họ lại la hét vào mặt tôi khi tôi làm điều đó. Tôi thực sự không hiểu được điều đó.
Hãy xây dựng những quy tắc kỷ luật chặt chẽ để giúp con có hướng đi đúng đắn. |
Các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa kỷ luật không nhất quán và nguy cơ phát triển bệnh tâm thần ở trẻ em.
Bởi vậy, bây giờ khi lớn lên, tôi quyết định lập ra danh sách về những điều tôi cho phép hay không cho phép con mình làm. Nó tạo ra một quy tắc nhất quán trong việc nuôi dạy con và giúp chúng có thái độ tôn trọng hơn.
Tôi đã phải chiến đấu với vấn đề này rất nhiều lần. Cha mẹ tôi luôn đưa ra ý kiến về mọi thứ và nhất nhất nghĩ rằng chỉ có họ mới đúng, kể cả cho tới tận bây giờ khi tôi 30 tuổi và đã có gia đình. Và kết quả là tôi lười về nhà thăm họ hơn để tránh những lời khuyên làm lung lay cuộc sống của mình.
Tôi đồng ý với tất cả những gì họ nói trước khi tôi 14 tuổi, nhưng sau đó tôi quyết định đứng vững lập trường của mình và tự lựa chọn con đường cho bản thân. Họ đã từng thất vọng và phẫn nộ với tôi vì điều đó. Còn với tôi, tôi sẽ không để việc tương tự như cha mẹ tôi lặp lại với con mình.
Cha mẹ tôi luôn muốn kiểm soát tôi dù tôi đã có gia đình, con cái, họ vẫn muốn họp gia đình vào mỗi cuối tuần. Nhiều khi tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi với công việc, không có năng lượng để duy trì thói quen ấy. Tôi thậm chí phải nói dối rằng mình bị ốm và không thể đến gặp họ. Nó khiến tôi cảm thấy tội lỗi. Nhưng tôi hiểu và nhất định sau này tôi sẽ không cần thiết phải làm vậy với con cái mình nữa.
Cha mẹ không bao giờ muốn con cái lớn lên và ra khỏi nhà. Họ luôn đối xử với chúng như những đứa trẻ. Vô hình chung họ khiến cho con cái bị nhút nhát, thiếu kỹ năng khi vào đời. Thay vào đó, các bậc cha mẹ hãy làm những người bạn, khuyên dăn và tập cho trẻ những thói quen trước bất kỳ vạch mốc nào của cuộc sống.
Tôi yêu cha mẹ rất nhiều nhưng tôi vẫn nhìn ra những sai lầm mà họ mắc phải. Tôi hy vọng các bạn không gặp phải nhiều vấn đề với gia đình mình. Nhưng nếu có, hãy cứ chia sẻ và cố gắng phân tích để nhận được sự đồng thuận từ cha mẹ, và rút kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con cái của chính mình.