Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Áp lực ở phòng cấp cứu Covid-19

Hà Nội-Khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị 21 bệnh nhân Covid-19, là những người bệnh nặng hôn mê và nửa tỉnh nửa mê, số ít còn tỉnh táo và tiên lượng nặng.

Điều dưỡng Đỗ Thị Hồng An, 40 tuổi, khoa Cấp cứu, mô tả công việc của điều dưỡng như một người thợ, luôn chân luôn tay ngay khi vào ca. Nếu người bệnh thở nhanh bất thường hoặc sốt, điều dưỡng sẽ chườm và truyền hạ sốt. Khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, thở gắng sức hơn hoặc có dấu hiệu phổi kém hoặc có đờm nhiều, họ sẽ vỗ rung hai bên phổi cho người bệnh nhiều hơn. Các điều dưỡng còn phải chú ý việc ăn uống của bệnh nhân để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với khả năng tiêu hóa.

Theo chị An, công việc của điều dưỡng vốn nặng nhọc. Với bệnh nhân Covid-19, khối lượng và áp lực tăng lên, do điều dưỡng đảm nhận hoàn toàn phần việc chăm sóc. Nhiều người bệnh không phối hợp tốt với nhân viên y tế.

Ví dụ, người bệnh không tỉnh táo, cần đặt ống sone dạ dày để cho ăn. Song, những người bệnh này thường rút các ống cắm vào cơ thể, ví dụ sone, đường truyền, bỉm, làm bẩn giường, đất. Chị phải tìm cách để người bệnh không rút các ống truyền, sone.

Một số người bệnh tỉnh táo hơn có thể tự phục vụ song vì sức khỏe yếu nên thường làm đổ nước tiểu ra sàn nhà, chị An và các đồng nghiệp phải thu dọn, xịt khử khuẩn. Một số người bệnh khác ỷ lại người phục vụ, khi khỏe hơn vẫn bầy bừa.

"Lúc đó, tôi phải nói với các bệnh nhân rằng họ bây giờ đã khỏe mạnh, nên vận động để cho sức khỏe nhanh hồi phục hơn. Chỉ có một số ít bệnh nhân tế nhị và thông cảm cho chúng tôi", chị An nói.

Điều dưỡng khoa Cấp cứu bóp bóng hỗ trợ thở cho người bệnh Covid-19. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Chị An bày tỏ đôi khi cảm thấy khó chịu khi người bệnh có thái độ không tốt nhưng không vì thế mà chán nản. Chị sẽ tâm sự với đồng nghiệp nỗi khó chịu, sau đó quên đi để tiếp tục làm việc.

Nếu bệnh nhân quá khó tính, chị sẽ nhờ một điều dưỡng khác phù hợp hơn giúp đỡ chăm sóc. Đôi khi, các điều dưỡng miệt mài vỗ rung cho bệnh nhân đến hoa cả mắt, chia sẻ đồ ăn của mình cho người bệnh khó khăn để họ không bị đứt bữa.

Theo chị, các điều dưỡng chia sẻ với hoàn cảnh của người bệnh. Ví dụ, có người không vợ, con và còn bị hen suyễn, phải thuê bình oxy về nhà để thở. Khi đó, điều dưỡng sẽ động viên, thuyết phục bệnh nhân phối hợp ăn uống và điều trị.

Điều dưỡng Hồng An nhận định bệnh nhân của đợt dịch thứ tư nặng và nguy hiểm hơn tất cả đợt dịch trước. Thời gian ủ bệnh lâu hơn và diễn biến bệnh nhanh hơn. Có người tỉnh táo vào ngày hôm trước, suy yếu vào ngày hôm sau, có người trở nặng chỉ trong một buổi trưa.

"Có bệnh nhân nằm lâu, ngay cả y bác sĩ cũng cảm thấy thời gian điều trị kéo dài quá. Bác sĩ và điều dưỡng phải thực sự kiên nhẫn để ứng phó khi bệnh không tiến triển, không khả quan hơn", chị An cho biết.

Nữ điều dưỡng ví 48 ngày chống dịch lần thứ tư là "những ngày nóng". Ngoài áp lực trong chăm sóc người bệnh, nhân viên y tế còn phải chịu nóng, chịu khát. Trời nắng nóng liên tục khi miền Bắc vào hè, khiến nữ điều dưỡng nhanh mất sức. Trong khi đó, bộ bảo hộ kín mít khiến mồ hôi chảy ướt đẫm như tắm song vì quy trình tháo, mặc phức tạp, nên chị An thường xuyên hạn chế uống nước trong ca làm việc.

"Đôi lúc tôi chỉ muốn tháo ngay cái khẩu trang để uống một ngụm nước trong khi rót nước cho bệnh nhân. Vừa hết ca, tôi sẽ nhắn tin ngay cho đồng nghiệp nhờ mang cho một chai nước. Có nhân viên bị ngứa và mẩn đỏ khắp người sau 8 tiếng mặc bảo hộ", chị kể.

Đợt trước, bệnh viện thử nghiệm lắp hai chiếc quạt nhỏ bên trong lớp áo bảo hộ. Theo chị An, hai chiếc quạt giúp phần nào xua đi cái nóng song gây vướng víu và đôi khi làm rách bộ bảo hộ trong khi chăm sóc cho người bệnh. Vì vậy, chị An hạn chế sử dụng, chấp nhận nóng nực để hoàn thành công việc và đảm bảo an toàn cho bản thân.

Nơi tuyến đầu chống dịch chỉ dịu đi một phần khi có người bệnh ra viện. Chị An cùng các đồng nghiệp háo hức kể từ khi người bệnh có kết quả âm tính nCoV lần thứ ba liên tiếp. Lúc đó, họ sẽ dặn nhau chụp ảnh làm kỷ niệm với người bệnh.

"Vui lắm, mọi người cứ khoe mãi sau khi tan ca. Thêm một bệnh nhân được ra viện tức là ngày trở về của y bác sĩ cũng gần hơn", chị An nói. Theo chị, niềm vui chiến thắng kẻ thù quái ác sẽ là động lực để họ vượt qua vất vả, tiếp tục chống Covid-19.

Điều dưỡng Hồng An (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng nghiệp tại khoa Cấp cứu chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Chi Lê

Những biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/ap-luc-o-phong-cap-cuu-covid-19-4297524.html)

Tin cùng nội dung

  • Trong các cơ sở khám chữa bệnh, việc sử dụng kháng sinh vẫn còn bị lạm dụng hoặc dùng chưa hợp lý,
  • Thuốc được dùng để phòng và điều trị bệnh, nhưng Thuốc cũng là tác nhân gây dị ứng (dị ứng nguyên) và được gọi là dị ứng Thuốc.
  • Tôi bị tăng huyết áp, được bác sĩ chỉ định dùng Thuốc hạ huyết áp coversyl. Uống Thuốc được hai tuần thì tôi bị ho liên tục và dai dẳng.
  • Aspirin (acid acetylsalicylic) là một trong những Thuốc có trong Danh mục Thuốc thiết yếu và Danh mục Thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh ở nước ta.
  • Hydrocortison là một trong những Thu*c thiết yếu được dùng trong các cơ sở khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở và cũng là Thu*c được bán khá phổ biến trong các nhà Thu*c, hiệu Thu*c.
  • Trong nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu những phương cách giúp chăm sóc sức khỏe S*nh l*, sinh sản nam giới, lịch sử ngành nam học Việt Nam và thế giới đã gặp nhau ở luận điểm quan trọng, đó là về Testosterone nội sinh.
  • Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất lại dễ tiêu hóa, dễ hấp thu giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần và trí tuệ.
  • Bác có thể tặng anh ấy... số điện thoại của cháu được không?
  • Táo Quân cuối năm sắp đến, và một câu hỏi đang đặt ra cho tất cả chúng ta là: Táo Y tế sẽ nói gì trong một năm đầy biến động? Để cung cấp một cái nhìn khách quan, tôi xin góp vài dòng phân tích những nội dung nên và không nên châm biếm.
  • Ngày nay, chúng ta rất dễ dàng tìm kiếm trên mạng, những thông tin và lời khuyên về sức khỏe, và cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi nhiều người mắc phải “căn bệnh” có tên là cyberchondria, thuật ngữ mô tả, khi ai đó tự nghiên cứu các triệu chứng sức khỏe của mình trên mạng, tự cho rằng tình trạng của mình rất nguy kịch, sau đó tự chẩn đoán bệnh cho mình và thường là chẩn đoán sai.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY