Dinh dưỡng hôm nay

Cho con bú sữa mẹ ở ngày đầu chào đời

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất lại dễ tiêu hóa, dễ hấp thu giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất lại dễ tiêu hóa, dễ hấp thu giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần và trí tuệ. Vì vậy, việc hướng dẫn cho bé bú mẹ ngày từ giờ đầu sau sinh sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bé.

Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng và kháng thể mà bé cần. Sữa mẹ làm giảm nguy cơ bị bệnh đái tháo đường và bệnh bạch cầu ở trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi sự nhiễm trùng hô hấp, tai và một số bệnh dị ứng như hen suyễn, chàm. Sữa mẹ còn có vai trò giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của bé bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, giúp diệt trừ các vi khuẩn có hại từ đó đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật… Trẻ sinh thiếu tháng, được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn những trẻ được nuôi bằng sữa ngoài. Ngoài ra, trẻ nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn.

Sữa non bắt đầu được tiết ra từ khoảng tuần thứ 28 của thai kỳ.

Khi bé ra đời, sữa non đã có sẵn trong bầu vú mẹ để cho bé bú.

Thời điểm cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất sữa chuyển tiếp phụ thuộc vào sự thay đổi nồng độ các nội tiết tố. Sau khi nhau thai đã được đẩy ra khỏi cơ thể mẹ, nồng độ estrogen và progestogen sẽ giảm nồng độ prolactin tăng lên, kích thích cơ thể mẹ tiết sữa nhiều hơn bắt đầu từ ngày thứ 3 - 4. Sau 3 - 4 ngày, cơ thể mẹ sẽ tiếp tục sản xuất sữa tùy thuộc vào lượng sữa bé bú và lượng sữa được vắt ra.

Các thành phần trong sữa mẹ thường không giống nhau, nó thay đổi theo tuổi của trẻ và thay đổi trong suốt một lần bú. Sữa non có từ các ngày đầu sau sinh, có lượng ít, đặc và sáng màu. Sau vài ngày, sữa non chuyển thành sữa chuyển tiếp, lượng sữa nhiều hơn. Sữa đầu có màu hơi xanh được sản xuất vào đầu bữa bú, sữa cuối có màu trắng hơn được sản xuất vào cuối bữa bú. Sữa cuối chứa nhiều chất béo, cung cấp nhiều năng lượng và hàm lượng chất béo tăng dần vào cuối bữa bú. Sữa đầu được sản xuất với một lượng lớn, cung cấp nhiều protein, lactose và các chất dinh dưỡng khác và bởi vì trẻ bú một lượng lớn sữa đầu nên trẻ đã nhận được một lượng lớn nước, do đó khi bú mẹ trẻ không cần phải cho trẻ uống thêm nước.

Sữa non tuy ít nhưng rất quan trọng. Sữa non cung cấp cho trẻ nhiều kháng thể và các protein kháng khuẩn giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng - đây chính là những nguy cơ đối với trẻ sơ sinh - như: tiêu chảy nhiễm trùng, các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp. Sữa non dễ tiêu hóa giúp trẻ phòng chống các bệnh dị ứng tiến triển và bất dung nạp với các loại thức ăn khác. Sữa non có tác dụng xổ nhẹ, giúp tống phân su đồng thời giàu vitamin A hơn sữa chuyển tiếp.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp bà mẹ tiêu thụ tích cực nguồn năng lượng dự trữ trong lúc mang thai, do đó dễ dàng duy trì cân nặng bình thường sau sinh. Cho trẻ bú sữa mẹ, giúp tử cung người mẹ dễ co lại đúng kích thước và giảm chảy máu sau sinh. Cho con bú sữa mẹ còn có tác dụng trì hoãn thời điểm rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt. Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng và có thể làm giảm nguy cơ loãng xương khi đến thời kỳ mãn kinh.

Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, người mẹ có thể cho con bú bất cứ lúc nào trẻ đói, thỏa mãn được nhu cầu của trẻ. Hơn nữa, sự tiếp xúc giữa 2 cơ thể khi người mẹ bồng con giúp trẻ tự tin hơn, có cảm giác an toàn hơn, ấm áp hơn.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe. Kinh phí cho y tế của một đất nước mà trẻ được bú mẹ hoàn toàn thấp hơn những nước mà trẻ không được bú mẹ hoàn toàn, vì phải tốn chi phí cho khám chữa bệnh.

Sau khi sinh một giờ sau đó, mẹ có thể cho bé bú được ngay, trừ trường hợp mẹ mệt hay có ý kiến của bác sĩ. Người nhà hoặc nhân viên y tế hỗ trợ giúp cho bé bú mẹ, bằng cách đặt mẹ nằm nghiêng một bên mà cần cho bú, hay mẹ nằm ngửa bế bé áp sáp bụng mẹ và bụng bé với nhau, mặt bé quay về vú mẹ, giúp bé há miệng to để bé ngậm trọn núm vú mẹ, cằm bé áp sát vào bầu vú mẹ, chú ý, trước khi cho bé bú, cần lau sạch bầu vú mẹ bằng khăn ướt sạch và nặn bỏ giọt sữa đầu.

Để đảm bảo duy trì nguồn sữa mẹ, nên cho bé bú “theo nhu cầu” hay cho bé bú “không hạn chế”. Cho bé bú khi trẻ có các biểu hiệu đòi bú (cựa quậy, há miệng), không nên đợi đến khi bé khóc mới cho bú. Số lần cho trẻ bú mẹ có thể từ 8 - 12 lần/ngày hoặc thậm chí nhiều hơn. Không cần hạn chế số lần bú của bé. Mỗi lần cho bé bú, hãy để bé bú theo nhu cầu cho đến khi bé thấy đủ và tự nhả vú. Sau đó, cho bé bú nốt bên vú còn lại, bé có thể bú tiếp hoặc không - mỗi lần bé bú một hoặc hai bên đều được.

Vắt sữa là cách làm tốt nhất khi mẹ không thể cho bé bú. Cách này có thể giúp mẹ nghỉ ngơi, ăn uống hoặc khi mẹ không ở gần bé nhưng vẫn muốn bé có đủ các chất dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ. Việc làm này đồng thời cũng là một yếu tố đảm bảo cho sự tiết sữa mẹ một cách đều đặn.

Chuẩn bị dụng cụ: ly hoặc bình sữa đã được rửa sạch, tráng nước sôi và để ráo nước, thìa sạch (nếu vắt sữa ra ly và đút sữa cho bé ngay sau khi vắt), túi đựng sữa chuyên dụng (nếu bảo quản trong ngăn đá hay tủ đông). Thực hiện vắt sữa: người mẹ cần rửa sạch tay và dùng khăn mềm, sạch lau qua bầu vú. Người mẹ nên ngồi (hoặc đứng) một cách thoải mái và để ly (bình sữa) ở gần vú.Trước tiên, đặt ngón tay trỏ phía bên dưới bầu vú, gần về phía quầng vú; còn ngón tay cái ở trên bầu vú, đối diện với ngón trỏ. Ở tư thế này, người mẹ có thể cảm nhận thấy các túi sữa như những hạt đậu nhỏ nằm ở dưới da. Sữa được chứa trong những túi này và khi kích thích vào đây, sẽ vắt được sữa. Mỗi bên vú được chia làm khoảng 15 phần (tuyến sữa), mỗi một tuyến có một túi sữa riêng. Nếu quầng vú rộng, có thể đặt các ngón tay lùi vào bên trong quầng vú một chút. Ngược lại, nếu quầng vú hẹp, có thể đặt các ngón tay lui ra bên ngoài. Các ngón tay còn lại được đặt để đỡ ngực. Giữ các ngón tay ở nguyên vị trí trên ngực, nhẹ nhàng ấn các ngón tay về phía sau. Tiếp tục giữ lực, ép về phía sau. Đồng thời, dùng ngón trỏ và ngón út cùng lúc ép xuôi nhẹ về phía trước, làm sữa chảy ra khỏi các túi sữa, tràn ra đầu vú. Nới lỏng lực ép để các tuyến sữa đầy lại rồi lặp lại thao tác trên.

Rất cần thiết cho bé bú ngay sau 1 giờ sinh, để tận dụng nguồn sữa non, mặc dù sữa non rất ít, khoảng 3 - 5ml sữa, nhưng đó là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời mà bé bú được.

Lúc mới sinh ngày đầu tiên, dạ dày của bé giống như trái táo nhỏ, có dung tích khoảng 5 - 6ml, nên các bà mẹ yên tâm khi bé bú mẹ là đầy đủ rồi, không sợ bé đói mà bú thêm sữa nhân tạo nữa, sang ngày hôm sau và những ngày kế tiếp, dạ dày của bé sẽ dãn nở khi đó lượng sữa sẽ tăng, đồng thời sữa mẹ cũng về đủ để bé bú.

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-cho-con-bu-sua-me-o-ngay-dau-chao-doi-11403.html)

Tin cùng nội dung

  • Những nhà nghiên cứu y học đang tìm hiểu hậu quả của chế độ ăn uống đối với tâm trạng cũng như sức khoẻ tinh thần. Hiện tượng này đôi lúc được gọi là mối quan hệ giữa thức ăn và tâm trạng. Có rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Ví dụ như việc thiếu vitamin có làm cho con người dễ bị trầm cảm hơn không? Có phải thực phẩm chức năng chỉ giúp cải thiện sức khoẻ tinh thần của người bị suy dinh dưỡng? Cần cung cấp bao nhiêu thực phẩm chức năng là đủ để cải thiện sức khoẻ tinh thần của môt người
  • Suy dinh dưỡng là khi cơ thể bạn không nhận được đủ chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm bạn ăn để hoạt động tốt. Chất dinh dưỡng bao gồm chất béo, tinh bột, chất đạm, vitamin và các khoáng chất. Những chất này cung cấp năng lượng cho cơ thể của bạn. Chúng giúp cơ thể phát triển, sửa chữa mô và điều hòa các quá trình sống.
  • Dây rốn và bánh nhau thường bị bỏ đi sau khi em bé ra đời. Tuy nhiên, một số cha mẹ quyết định trữ máu cuống rốn vì việc này có thể giúp ích khi trẻ bị bênh hiểm nghèo trong tương lai.
  • Các thông tin cần thiết giúp thai phụ lập một chế độ dinh dưỡng lành mạnh trong quá trình mang thai.
  • Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí.
  • Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch, dù dị ứng nặng hay nhẹ, có nhiều cách để có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các dạng dị ứng
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu.
  • Ung thư tuyến giáp ở trẻ em là bướu nội tiết ác tính dạng đặc thường gặp thứ 3 và phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm một phức hợp các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, tăng động (hiếu động thái quá) và có hành vi bốc đồng.