Sức khỏe hôm nay

Trữ máu cuống rốn của trẻ sơ sinh

Dây rốn và bánh nhau thường bị bỏ đi sau khi em bé ra đời. Tuy nhiên, một số cha mẹ quyết định trữ máu cuống rốn vì việc này có thể giúp ích khi trẻ bị bênh hiểm nghèo trong tương lai.

Vào ngày bạn sinh em bé, có thể bạn sẽ hình dung trước mọi điều về tương lai của con mình - nụ cười và những bước đi đầu tiên, tiệc sinh nhật và các sự kiện thể thao, các ngày lễ và các sự kiện quan trọng cuộc sống. Việc đứa con bé bỏng của bạn bị bệnh nặng có lẽ sẽ là điều cuối cùng mà bạn nghĩ đến hoặc thậm chí không bao giờ nghĩ đến.

Tuy nhiên, một số phụ huynh đã xem xét khả năng rằng một ngày nào đó con họ có thể bị một bệnh nghiêm trọng. Vì vậy họ đã thực hiện một quyết định vào ngày sinh con mà quyết định này có thể có ích cho sức khỏe tương lai của đứa con đó hoặc cả những đứa con khác. Họ quyết định trữ máu cuống rốn cho trẻ sơ sinh của họ. trữ máu cuống rốn là gì, và nó có cần thiết cho bạn không?

trữ máu cuống rốn

Sau khi em bé được sinh ra, cơ thể mẹ tống xuất bánh nhau, là cơ quan trung chuyển oxy và chất dinh dưỡng tạm thời cho em bé khi còn trong tử cung của mẹ. Cho đến thời điểm hiện tại, trong hầu hết các trường hợp, dây rốn và bánh nhau bị bỏ đi sau khi sinh mà không cần đắn đo suy nghĩ. Tuy nhiên, trong những năm 1970, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng máu cuống rốn có thể cung cấp các tế bào gốc cùng loại có thể tạo máu giống như một người hiến tặng tủy xương. Vì vậy, máu cuống rốn đã bắt đầu được thu thập và lưu trữ.
Ca cấy ghép tế bào gốc thành công đầu tiên là vào năm 1988, khi các nhà nghiên cứu người Pháp lấy máu cuống rốn của một trẻ sơ sinh và cấy cho người anh ruột 5 tuổi bị bệnh thiếu máu Fanconi’s, một loại thiếu máu nặng gây ra những bất thường ở xương.

Tế bào gốc tạo máu là gì?

Đó là những tế bào nguyên thủy (sớm) được tìm thấy chủ yếu trong tủy xương có khả năng phát triển thành ba loại tế bào máu trưởng thành hiện diện trong máu của chúng ta - hồng cầu, bạch cầu, và tiểu cầu. Tế bào gốc trong máu cuống rốn cũng có thể có khả năng phát triển thành các loại tế bào khác trong cơ thể.

Một số bệnh nghiêm trọng (chẳng hạn như một số loại ung thư ở trẻ em, các bệnh về máu và rối loạn hệ thống miễn dịch) cần phải xạ trị và hóa trị để tiêu diệt các tế bào bị bệnh trong cơ thể. Thật không may, các phương pháp điều trị này cũng giết ch*t nhiều tế bào "tốt" cùng với tế bào xấu, bao gồm các tế bào gốc khỏe mạnh trong tủy xương.

Tùy thuộc vào loại bệnh và cách điều trị, một số trẻ em cần được ghép tủy xương (từ một người hiến tặng có các tế bào tủy phù hợp nhất với cơ thể trẻ). Tế bào gốc tạo máu từ người hiến tặng được cấy vào các trẻ em bị bệnh, và những tế bào này sẽ sản xuất ra các tế bào máu khỏe mạnh mới và tăng cường khả năng tạo máu và miễn dịch của trẻ.

Việc trữ máu cuống rốn được thực hiện như thế nào?

Việc thu thập máu cuống rốn được thực hiện ngay sau khi sinh thường hoặc sinh mổ. Nó được thực hiện bằng cách sử dụng một bộ dụng cụ chuyên dụng của ngân hàng máu cuống rốn mà cha mẹ phải đặt trước.

Sau khi sinh ngả *m đ*o, dây rốn được kẹp ở hai đầu và cắt. Trong hầu hết các trường hợp, một bác sĩ sản khoa hoặc y tá có kinh nghiệm sẽ lấy máu cuống rốn trước khi nhau sổ. Một đầu của dây rốn được mở kẹp, và một ống nhỏ được luồn vào tĩnh mạch rốn để lấy máu. Sau khi lấy máu từ dây rốn xong, kim tiêm được đặt trên bề mặt của bánh nhau ở mặt nối với thai nhi để lấy thêm nhiều máu và tế bào hơn từ các mạch máu lớn cung cấp máu cho thai nhi.

Trong quá trình mổ lấy thai, việc lấy máu cuống rốn phức tạp hơn bởi vì những quan tâm chính của bác sĩ sản khoa trong phòng phẫu thuật chủ yếu tập trung vào việc phẫu thuật cho mẹ. Sau khi bé đã được sinh ra an toàn và tử cung của người mẹ đã được khâu, máu dây rốn có thể được thu thập. Tuy nhiên, máu được thu thập từ dây rốn thường ít hơn trong mổ lấy thai. Số lượng máu thu được là rất quan trọng bởi vì càng nhiều máu được lấy, càng có nhiều tế bào gốc được thu thập. Khi cần sử dụng các tế bào gốc, có nhiều tế bào để cấy ghép sẽ làm tăng cơ hội cấy ghép thành công.

Sau khi đã lấy máu cuống rốn xong, máu được đặt vào túi hoặc ống tiêm và thường được chuyển đến ngân hàng máu cuống rốn. Ở đó, mẫu máu cuống rốn được cấp một mã đánh dấu. Sau đó, các tế bào gốc được tách ra khỏi phần còn lại của máu và được đông lạnh để lưu trữ (đông lạnh trong nitơ lỏng) tại một đơn vị lưu trữ, được gọi là ngân hàng máu cuống rốn. Sau đó, nếu cần thiết, các tế bào gốc tạo máu có thể được rã đông và được sử dụng trong một trong hai tình huống là tự ghép (khi một người được cấy ghép chính máu cuống rốn của mình) hoặc dị ghép (khi một người được cấy ghép máu cuống rốn từ một người khác - anh, chị, em ruột, người thân, hoặc người cho giấu tên).

Các tế bào gốc tạo máu tồn tại được trong bao lâu khi được lưu trữ đúng cách? Về mặt lý thuyết, các tế bào gốc sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng nghiên cứu máu cuống rốn chỉ bắt đầu vào những năm 1970, do đó, thời gian tối đa cho việc lưu trữ và có thể sử dụng vẫn đang được xác định. Tế bào gốc tạo máu được lưu trữ trong hơn một thập kỷ đã được sử dụng để cấy ghép thành công.

Những ý kiến ủng hộ và phản đối về trữ máu cuống rốn

trữ máu cuống rốn không được thực hiện thường quy khi sinh trong bệnh viện hay sinh tại nhà - đây là một quy trình bạn phải lựa chọn và lập kế hoạch trước đó, vì vậy hãy chắc chắn là bạn đã xem xét kỹ càng việc này trước ngày sinh nở.

Lý do chính mà các bậc cha mẹ nghĩ đến việc trữ máu cuống rốn cho con của họ là bởi vì họ có một đứa con hoặc người thân hoặc gia đình có tiền sử bị những bệnh có thể được điều trị bằng cấy ghép tủy xương. Một số bệnh thường liên quan đến cấy ghép tủy xương là một số loại bệnh bạch cầu hoặc ung thư lympho, thiếu máu bất sản, thiếu máu tế bào hình liềm nặng, và suy giảm miễn dịch nặng kết hợp.

Với một đứa trẻ thông thường không có yếu tố nguy cơ nào thì khả năng sử dụng máu cuống rốn của chúng rất thấp; tuy nhiên, hiện chưa có một con số ước tính chính xác vào thời điểm này.

Các chi phí của việc thu thập và lưu trữ máu cuống rốn có thể là một yếu tố quyết định cho nhiều gia đình. Tại một ngân hàng máu cuống rốn tư nhân, bạn sẽ phải trả khoảng $ 1.000 - $ 2.000 để lưu trữ một mẫu máu cuống rốn, cùng với một khoản phí để duy trì hàng năm khoảng $ 100. Bạn cũng có thể phải trả một khoản phí bổ sung vài trăm đô la cho một bộ dụng cụ thu thập máu cuống rốn, dịch vụ chuyển đến ngân hàng máu cuống rốn, và quy trình xử lý ban đầu.

Trong hầu hết các trường hợp, cấy ghép tế bào gốc chỉ được thực hiện trên trẻ em hoặc người trưởng thành trẻ tuổi. Cơ thể của người được ghép càng lớn bao nhiêu, số lượng tế bào gốc tạo máu cần thiết càng nhiều bấy nhiêu để có thể cấy ghép thành công. Tế bào gốc máu cuống rốn không đủ số lượng để thực hiện cấy ghép cho người lớn.

Ngoài ra, vẫn chưa xác định được liệu các tế bào gốc lấy từ người thân có cơ hội thành công cao hơn so với những người nhận từ người ngoài hay không. Các tế bào gốc từ máu cuống rốn của những người hiến tặng là người thân lẫn người ngoài đều đã thành công trong nhiều ca cấy ghép. Đó là bởi vì các tế bào gốc tạo máu được lấy từ máu dây rốn là tinh khiết (một thuật ngữ y khoa dùng để chỉ các tế bào mới hình thành có khả năng thích ứng cao và ít có khả năng bị hệ miễn dịch của người nhận đào thải). Do đó, tế bào gốc máu cuống rốn của người cho không cần phải hoàn toàn phù hợp với người nhận để có thể cấy ghép tủy xương thành công.

Hiện có rất ít kinh nghiệm với cấy tế bào tự thân. Một số chuyên gia lo ngại rằng một em bé bị bệnh được cấy ghép các tế bào gốc của chính mình sẽ dễ bị lại loại bệnh đó. Hầu hết các ca cấy ghép tủy xương sử dụng tế bào gốc tạo máu đã được thực hiện cho người thân của đứa trẻ tặng, chứ không cấy ghép cho chính đứa trẻ được trữ máu cuống rốn.

Những nguy cơ đối với sức khỏe của mẹ và bé tại thời điểm thu thập máu là thấp, nhưng vẫn có thể có. Kẹp dây rốn quá sớm sau khi sinh có thể làm tăng lượng máu thu thập được, nhưng nó có thể làm cho trẻ sơ sinh bị giảm thể tích máu và có thể thiếu máu ngay sau khi sinh.

trữ máu cuống rốn có cần thiết cho bạn không?

Có rất nhiều cân nhắc và thận trọng cần lưu ý khi các bậc cha mẹ xem xét các lý do của mình trong việc trữ máu cuống rốn của con và tìm hiểu về các ngân hàng máu cuống rốn.

Một số bác sĩ và tổ chức, chẳng hạn như Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), đã bày tỏ lo ngại rằng ngân hàng máu cuống rốn có thể lạm dụng nỗi lo sợ của những người mới làm cha mẹ bằng cách cung cấp thông tin sai lệch về số liệu thống kê của cấy ghép tủy xương. Phụ huynh của các trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em được nhận làm con nuôi, hoặc trẻ em được hình thành thông qua thụ tinh trong ống nghiệm có thể được đặc biệt khuyến khích lưu giữ máu cuống rốn bởi vì theo thống kê thì rất khó khăn để tìm một người phù hợp trong những trường hợp này.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) không khuyến khích lưu giữ máu cuống rốn cho những gia đình không có tiền sử bệnh. Đó là bởi vì nghiên cứu vẫn chưa xác định được khả năng rằng một đứa trẻ sẽ cần các tế bào gốc của chính mình khi nào, cũng không khẳng định việc cấy ghép bằng cách sử dụng tế bào tự thân hay sử dụng tế bào từ một người thân hay người ngoài là an toàn hơn hoặc hiệu quả hơn. Theo AAP, "việc lưu trữ máu cuống rốn của mình như một phương pháp "bảo hiểm sinh học" là không khôn ngoan”. Tuy nhiên, việc lưu giữ cần được xem xét nếu có một thành viên trong gia đình đang có nhu cầu hoặc có nhiều khả năng phải thực hiện việc cấy ghép tế bào gốc."

Các bác sĩ và các nhà nghiên cứu khác ủng hộ việc lưu trữ máu cuống rốn để tạo một nguồn tế bào máu gốc trong mỗi cuộc sinh- chủ yếu là vì triển vọng cho nghiên cứu tế bào gốc cho tương lai. Hiện nay hầu hết mọi người ít sử dụng tế bào gốc, nhưng nghiên cứu việc sử dụng các tế bào gốc để điều trị bệnh đang được tiến hành và tương lai thì có vẻ đầy hứa hẹn.

Nếu bạn quyết định lưu giữ máu cuống rốn của trẻ sơ sinh của bạn, hãy chắc chắn bạn đã thảo luận về các lựa chọn với bác sĩ sản khoa của bạn. Dưới đây là một vài câu hỏi để xem xét trước khi lựa chọn một ngân hàng máu cuống rốn:

    Ngân hàng máu cuống rốn có ổn định về tài chính không? (Sự ổn định tài chính đồng nghĩa với giảm khả năng mà bạn sẽ phải chuyển mẫu của bạn nếu cơ sở đóng cửa)
Giống như ngân hàng máu của cộng đồng hoặc bệnh viện, ngân hàng máu cuống rốn được quản lý bởi Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA), là tổ chức đã lập nên các tiêu chuẩn quy định thu thập và lưu trữ máu cuống rốn trong tương lai.

Hiến máu cuống rốn của bé

Bạn có thể quyết định rằng thay vì lưu giữ máu cuống rốn của trẻ sơ sinh của bạn, bạn muốn tặng nó cho một ngân hàng máu cuống rốn phi lợi nhuận để nghiên cứu hoặc để cứu sống một đứa trẻ khác. Với sự lựa chọn này, máu cuống rốn vẫn sẽ được thu thập sau khi con của bạn ra đời, nhưng nó sẽ được đánh dấu vô danh và gửi cho một ngân hàng công. Tuy nhiên, nếu con của bạn hoặc một thành viên trong gia đình sau này bị một căn bệnh đòi hỏi phải cấy ghép tủy xương để điều trị, bạn sẽ không thể lấy lại được mẫu bạn đã tặng cho ngân hàng.

Nếu bạn muốn tặng máu cuống rốn của con bạn, hãy liên hệ với chương trình tại địa phương của Hội Chữ thập đỏ Mỹ hoặc một bệnh viện đại học địa phương, hoặc kiểm tra danh sách các ngân hàng được phép nhận mẫu của tổ chức Chương trình Hiến tặng tủy xương Quốc gia. Bạn cần viết bản cam kết trước khi bạn tặng máu cuống rốn của con bạn, việc này không tốn phí và quá trình này là hoàn toàn bí mật.

Tại Việt Nam, bạn có thể tìm hiểu thông tin về trữ máu cuống rốn bằng cách hỏi bác sĩ sản khoa hoặc bệnh viện mà bạn đang đến khám thai. Họ có thể cho bạn những lời khuyên về việc có cần trữ máu cuống rốn hay không và sẽ cung cấp cho bạn thông tin về các ngân hàng máu cuống rốn khác nhau để bạn có thể lựa chọn.

Tài liệu tham khảo
http://familydoctor.org/familydoctor/en/pregnancy-newborns/labor-childbirth/banking-your-newborns-cord-blood.html

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tru-mau-cuong-ron-cua-tre-so-sinh-76.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY