Theo bác sĩ điều trị, các bệnh nhân tự đi lại bình thường, tinh thần ổn định. Hai bệnh nhân 10075 và 9812 được chuyển khoa để tiếp tục theo dõi cho đến khi đủ điều kiện xuất viện, bệnh nhân 3159 được chuyển tuyến dưới tiếp tục điều trị nâng cao thể trạng.
Trong đó, "bệnh nhân 10075" quê ở bắc ninh, dương tính ncov khi đang mang thai 32 tuần, thai nhi chỉ nặng 1,9 kg. ở bệnh viện tuyến dưới, chị phải thở oxy kính, oxy lưu lượng cao song không đáp ứng, khó thở tăng dần, chuyển tới bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương (nhtd) cấp cứu.
Bác sĩ cho thở máy xâm nhập để đảm bảo tính mạng của mẹ và con, tiếp tục chuyển điều trị hồi sức tích cực. Ngày 13/6, chị được sử dụng Thu*c an thần, thở máy hoàn toàn, nồng độ oxy tối đa 100% do chức năng phổi rất kém. Người bệnh còn bị trụy tim mạch, phải hồi sức nâng huyết áp.
Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân nặng, sốc do độc tố virus, tụt huyết áp, cơ thể một số khu vực bị phù. Chị được lọc máu hấp thụ cytokine và áp dụng các biện pháp điều trị hồi sức tích cực khác, theo dõi sát tình trạng thai nhi. Ngày thứ hai tại khoa Hồi sức tích cực, cơ thể bệnh nhân có nhiều rối loạn như điện giải, đông máu nặng nề, giảm albumin máu. Bác sĩ tiếp tục chỉ định lọc máu lần hai, kết hợp bù điện giải và albumin, chăm sóc tích cực.
Hôm sau, chị tiếp tục bị mất máu nặng, được truyền máu cấp cứu. Tới 22/6, chị đã trải qua 12 ngày thở máy, điều trị tích cực, lọc máu ba lần, sức khỏe tiến triển hơn song còn cần thở máy kéo dài.
Ngày 26/6, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, thai 35 tuần tuổi, vì vậy được phẫu thuật lấy thai. Bé gái chào đời nặng 2,3 kg, được chuyển Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi tiếp.
Sau mổ lấy thai, sức khỏe người bệnh ổn định, không chảy máu, tình trạng phổi tối dần, được bỏ thở máy ngày 28/6. Ngày 1/7, chị xét nghiệm âm tính lần một, đến hôm nay sức khỏe tốt.
"Bệnh nhân 3159" chụp ảnh cùng nhân viên y tế ngày 4/7. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Người thứ hai hồi phục là "bệnh nhân 9812", nam, 59 tuổi, ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông xét nghiệm dương tính nCoV ngày 9/6, điều trị tại bệnh viện địa phương. Bệnh dần tiến triển nặng, người đàn ông khó thở nhiều, được cho thở oxy lưu lượng cao 7 giờ nhưng không cải thiện. Nhóm điều trị đặt ống nội khí quản và chuyển đến NHTD, nhập khoa hồi sức tích cực ngày 19/6. Bác sĩ chỉ định an thần, thở máy thông số kỹ thuật cho bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), lọc máu hấp thụ cytokine ba lần liên tiếp. Sau 8 ngày thở máy và chăm sóc tích cực, người bệnh được rút ống thở vào 26/6.
"Bệnh nhân 3159", nam, 61 tuổi, quê ở Bắc Ninh, là người thứ ba hồi phục. Ông xét nghiệm dương tính nCoV ngày 7/5, từng bị sốt rét, gầy, sút cân cân nhiều. Sau đó, ông được chuyển khoa Hồi sức tích cực, NHTD điều trị ngày 14/5. Bác sĩ đánh giá ông có thể trạng suy kiệt, chức năng phổi suy giảm nặng nề, phải thở máy xâm nhập.
Từ 14/5-29/6, ông thở máy hoàn toàn, lọc máu hấp thụ cytokine ba lần, chăm sóc toàn diện, ăn qua ống xong, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch. Bệnh nhân điều trị hồi sức tích cực tổng cộng 51 ngày, hiện sức khỏe ổn định.
Tính đến 4/7, đã có 26 người bệnh Covid-19 của đợt dịch thứ tư nguy kịch, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, hồi phục. Hiện khoa còn 26 bệnh nhân nặng, trong đó 9 người điều trị ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể) và thở máy.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết đây là số lượng bệnh nhân ECMO cùng thời điểm lớn nhất từ khi dịch bùng phát. Từ đầu đợt dịch thứ tư tới nay, khoa đã tiếp nhận khoảng 15 ca ECMO. Khoa đã bố trí 2 bác sĩ trực đêm, huy động thêm nhân sự trong trường hợp khẩn cấp; còn ca ngày có 8 bác sĩ và một số học viên hoặc bác sĩ ở viện khác tới hỗ trợ, nhằm đảm bảo bệnh nhân được theo dõi sát sao cho đến khi ổn định.
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã lan ra hầu khắp cả nước. Các chiến sĩ áo trắng đang căng mình chống dịch trong mùa hè oi bức. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.
Chủ đề liên quan:
bệnh nhân COVID-19 bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương điều trị covid-19 khám chữa bệnh Phòng chống COVID-19