Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Bác sĩ phản bác thông tin Whitmore là vi khuẩn ăn thịt người

Căn bệnh vốn dĩ được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước nay bỗng trở thành bệnh rất hot khiến người dân lo sợ với cái tên Whitmore - vi khuẩn ăn thịt người. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, đây là thông tin không đúng và bệnh Whitmore không đáng sợ như mọi người lầm tưởng.

Bệnh khó lây từ người sang người

BSCKI. Đào Quang Trung - Phụ trách khoa Vi sinh, BVĐK Đức Giang cho biết, các bác sĩ của khoa Vi sinh đã nhiều lần nuôi cấy phân lập và định danh được vi khuẩn B. pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Melioidosis hay bệnh Whitmore). Điển hình là ca bệnh mới đây, bệnh nhân sinh năm 1939 vào viện ngày thứ 10 của bệnh với biểu hiện sốt cao 38-39 độ C, liên tục, có cơn rét run, đau đầu, mệt mỏi. Qua thăm khám toàn thân, các bác sĩ không phát hiện các ổ nhiễm khuẩn hay ổ áp xe. Xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn với bạch cầu máu ngoại vi tăng cao.

Bệnh nhân được điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm. Kết quả cấy máu dương tính sau 2 ngày nuôi cấy sau đó khoa Vi sinh đã tiến hành định danh bằng hệ thống máy tự động kết quả cho ra dương tính với Burkholderia Pseudomallei.

Theo BS. Trung, loại vi khuẩn này được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Tuy nhiên, bệnh rất khó lây từ người sang người.

"Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da"- BS. Trung cho hay.

Bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore "ăn" cánh mũi.

Biều hiện lâm sàng của bệnh Melioidosis rất đa dạng. Mỗi thể bệnh có các triệu chứng lâm sàng khác nhau và do vậy có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh Lao và các bệnh lý viêm phổi thông thường. Các thể bệnh thường gặp của Melioidosis là: Viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng tản mạn, nhiễm trung khu trú (áp xe cơ, áp xe phần mềm, viêm hạch, viêm xương,…).

Để chẩn đoán xác định bệnh Whitmore, cần nuôi cấy phân lập được vi khuẩn từ máu hoặc các dịch của cơ thể hoặc xác định được sự hiện diện của kháng nguyên hoặc kháng thể trong máu hoặc dịch của cơ thể. Có nhiều các test dùng để các định kháng nguyên, kháng thể như các test ELISA, phản ứng khuếch đại chuỗi gen (PCR) .

Không phải "vi khuẩn ăn thịt người"

PGS.TS Bùi Vũ Huy - Giảng viên Cao cấp Bộ môn Truyền nhiễm, Đại Học Y Hà Nội – Cố vấn Khoa nhi, BV Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, nơi đã từng tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm Whitmore khẳng định: “Bệnh Whitmore không phải là bệnh “ăn thịt người” như dư luận đồn thổi trong thời gian vừa qua”.

Vi khuẩn Whitmore là một loại vi khuẩn gram âm, yếu, tồn tại trong bùn, đất và chỉ lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Và vi khuẩn này chỉ có nguy cơ xâm nhập cao vào cơ thể có đề kháng kém như các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính. Trong trường hợp, bệnh nhân không được điều trị kịp thời bằng Thu*c kháng sinh sẽ gây ra hoại tử các tổ chức. Trong đó các tổ chức mà vi khuẩn hay tấn công như xương cánh mũi, xương hàm, các tổ chức cơ tay và chân, do đó sẽ có nguy cơ tổn thương hơn cả khi vi khuẩn xâm nhập.

Trong trường hợp bệnh nặng mới gây hoại tử, còn vi khuẩn Whitmore không có khả năng "ăn" các tế bào nên không thể gọi là vi khuẩn “ăn thịt người” như một số thông tin lan truyền. Điều này, sẽ gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Hạn chế tiếp xúc bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm để phòng bệnh Whitmore. Ảnh minh hoạ.

Lý giải nguyên nhân gia tăng số bệnh nhân mắc căn bệnh này trong thời gian gần đây, PGS. Huy cho rằng, nước ta là nước nhiệt đới, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bùn đất, nơi vi khuẩn Whitmore cư trú nên việc nhiễm vi khuẩn Whitmore là điều khó tránh khỏi.

Đặc biệt, đối với những người có cơ địa yếu, sức đề kháng kém, thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao. Có thể kể đến như bệnh HIV, mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm gan mạn tính, những người nghiện rượu lâu năm các tế bào gan đã bị tổn thương, người có các bệnh mạn tính về phổi và thận. Đây là những đối tượng cần cảnh báo cao nguy cơ nhiễm vi khuẩn Whitmore. Đối với những bệnh nhân này, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bởi sức đề kháng của họ đã suy giảm nên khó có khả năng phản ứng tốt với vi khuẩn.

“Chỉ cần bác sĩ xác định đúng bệnh nhiễm khuẩn Whitmore và điều trị theo phác đồ thì sẽ khỏi hoàn toàn. Bệnh không dễ dàng lây lan, không trực tiếp lây từ người qua người, người dân không nên lo lắng”- PGS. Huy nói.

Để phòng bệnh Whitmore, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên giữ gìn vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khỏe. Nếu cơ thể bị trầy xước, cần xử lý cẩn thận vết thương tốt. Ở những người già yếu, có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch cần tránh tiếp xúc với môi trường mất vệ sinh, hạn chế tiếp xúc bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm thì bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng ngừa, và không đáng sợ như người dân đang nghĩ.

Dương Hải

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/bac-si-phan-bac-thong-tin-whitmore-la-vi-khuan-an-thit-nguoi-n163478.html)

Tin cùng nội dung

  • Chào Mangyte! Em là sinh viên ở Quận 5. Bác sĩ cho em hỏi là xét nghiệm HIV ở Viện Pasteur giá khoảng bao nhiêu và bao lâu có kết quả? Đi đến đó thì mình có được đảm bảo kết quả và giữ bí mật thông tin người bệnh? Mong nhận được câu trả lời sớm nhất của Mangyte ạ! Em chân thành cám ơn! (Châu Nguyễn - Quận 5 - TPHCM)
  • Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là danh từ dùng để chỉ một nhóm các bệnh lý ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng đường trong máu, thường đặc trưng bởi tăng đường máu.
  • Động kinh là bệnh của hệ thần kinh trung ương trong đó hoạt động của tế bào thần kinh bị rối loạn, biểu hiện bởi những cơn co giật (cơn động kinh) với những hành vi, triệu chứng, và cảm giác bất thường, bao gồm cả mất ý thức khi lên cơn.
  • Bệnh sarcoidosis (sarcoidosis) là hậu quả sự phát triển các ổ viêm nhỏ tại nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể - thường nhất ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da.
  • Sau đây, kênh Mạng Y Tế xin giới thiệu: Thông tin về Bệnh xơ cứng bì. Xin mời các bạn cùng tham khảo.
  • Hen phế quản (bệnh hen hay hen suyễn) là tình trạng đường dẫn khí bị hẹp và phù nề cũng như tăng tiết đàm nhầy. Điều này làm việc thở khó khăn và dễ gây ho, khò khè và thở hụt hơi.
  • Huyết áp thấp có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt và ngất xỉu. Trong những ca bệnh nặng, huyết áp thấp có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Bệnh ung thư, bạn đang muốn tìm hiểu để biết rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng và điều trị ung thư
  • Thực tế có không ít trường hợp bị đột quỵ, ch*t trên bàn game vì chơi quá nhiều. Điều đáng quan tâm là hiện nay số ca bệnh liên quan tới nghiện game ngày một tăng và trẻ hóa.
  • Là một nhân viên y tế, bạn có thể phải tiếp xúc với nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau. Sự lây nhiễm có thể xảy ra qua máu, không khí, dịch tiết từ miệng hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các vật liệu truyền nhiễm. Hãy tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm trùng bằng cách làm theo các hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm tại nơi làm việc.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY