suy dinh dưỡng và béo phì.
Theo tạp chí Anh, toàn cầu có gần 2,3 tỉ trẻ em và người trưởng thành bị thừa cân, hơn 150 triệu trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Đáng chú ý là số lượng ngày càng nhiều các quốc gia thu nhập thấp và trung bình phải đối phó hai vấn đề này cùng lúc. Những nước thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Kết luận được đưa ra sau khi các chuyên gia phân tích dữ liệu khảo sát từ 123 quốc gia thu nhập thấp tới trung bình trong thập niên 1990 và 126 nước vào những năm 2010. Với mốc thời gian như trên, họ phát hiện lần lượt có 45 và 48 quốc gia đối mặt gánh nặng suy dinh dưỡng kép, tức trong dân số có hơn 15% bị gầy còm, hơn 30% trẻ em dưới 4 tuổi bị còi cọc, hơn 20% phụ nữ ốm yếu và trên 20% người bị thừa cân.
Theo Giám đốc Văn phòng Dinh dưỡng vì sức khỏe và phát triển của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Francesco Branca, suy dinh dưỡng và béo phì ảnh hưởng qua nhiều thế hệ do thể trạng cha mẹ kém làm giảm tỷ lệ trẻ nhỏ sinh ra khỏe mạnh. Ngoài ra, thay đổi trong chuỗi cung ứng thức ăn toàn cầu với sự chiếm lĩnh của thực phẩm chế biến cũng tác động tiêu cực đến chế độ ăn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người bị mắc cả hai dạng suy dinh dưỡng, tùy vào từng thời điểm khác nhau trong cuộc sống.
Tiến sĩ Branca cho biết thế giới đang đối mặt thực tế dinh dưỡng mới khi cách mọi người ăn, uống và di chuyển đang thay đổi nhanh chóng. Với số lượng ngày càng nhiều các siêu thị, con người dễ tiếp cận thực phẩm tiện lợi nhưng ít dinh dưỡng. Cùng với lối sống ít vận động, thay đổi này không những ảnh hưởng các nước thu nhập thấp và trung bình mà còn tác động những quốc gia thu nhập cao. Theo đó, khu vực kém phát triển giờ đây không phải chỉ đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, hoặc nước giàu thì mới quan tâm đến béo phì.
Tất cả các dạng suy dinh dưỡng đều có mẫu số chung, đó là sự thất bại của hệ thống thực phẩm toàn cầu khi không cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh, an toàn, giá cả phải chăng và bền vững. Tiến sĩ Branca cho biết cần thay đổi ngay từ khâu sản xuất, chế biến cho tới thương mại, phân phối, giá cả, tiếp thị, ghi nhãn đến tiêu dùng và giải quyết thực phẩm thừa. Trong đó, tất cả chính sách và đầu tư có liên quan phải tái xem xét một cách triệt để nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức.
Để làm được điều này cần hành động chung từ người nông dân đến các khu vực tư nhân, giới học giả, chính phủ thậm chí các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Tiến sĩ Branca cảnh báo nếu không nỗ lực, gánh nặng suy dinh dưỡng kép sẽ tiếp tục đè lên chi phí kinh tế, xã hội và môi trường, làm cản trở sự tăng trưởng và phát triển của cá nhân nói riêng và xã hội nói chung trong nhiều thập kỷ tới.