Khoa học hôm nay

Bão ở Trung Quốc: Ít bão nhất trong hơn 70 năm, vì sao giới khí tượng lại đứng ngồi không yên?

Sự thiếu hụt bão ở Trung Quốc đang khiến các nhà khí tượng học nước này lo lắng.

Ngày 4/8, một cơn bão tên Hagupit đã đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang và Thượng Hải, Trung Quốc, gây mưa lớn cũng như giải nhiệt cho mùa hè nóng bức.

Theo các chuyên gia khí tượng Trung Quốc, bão Hagupit xuất hiện muộn hơn thông thường. Hagupit là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào lục địa Trung Quốc trong vòng hơn một tháng. Đây là điều rất bất thường vì thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm là cao điểm mùa bão ở Trung Quốc, các nhà khí tượng học Trung Quốc cho biết.

Các nhà khí tượng học nói thêm đây là lần đầu tiên kể từ năm 1949, Trung Quốc không ghi nhận một cơn bão nào trong tháng 7.

Trong khi đó, mưa lớn lịch sử từ tháng 6 đã tàn phá 27/31 tỉnh của Trung Quốc, gây lũ lụt diện rộng và thiệt hại kinh tế 179 tỷ Nhân dân tệ, hơn 63,46 triệu người bị ảnh hưởng, theo số liệu mới nhất do Bắc Kinh công bố tuần trước.

Mưa lũ bất thường xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó các nhà khoa học nghi ngờ El Nino và ấm lên toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về biến đổi khí hậu.

Phó Giám đốc Cơ quan Khí tượng Trung Quốc, ông Yu Yong, nhận định về tình hình thời tiết bất thường tại một cuộc họp báo thứ 5 tuần trước. Theo đó, ông cho biết mùa mưa năm nay rất "phức tạp" với "lượng mưa rất không đồng đều".

Mưa lũ lịch sử gây ngập lụt ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày 13/7 (Nguồn ảnh: AFP)

Ông nói khu vực phía nam Trung Quốc, đặc biệt là dọc sông Dương Tử, đã trải qua một mùa mưa dài hơn bình thường. Nơi đây nhận lượng mưa 753,9 mm tính từ đầu năm, cao nhất kể từ năm 1961.

"Nhiều khu vực phía bắc Trung Quốc cũng đang có mùa mưa đến muộn, với lượng mưa nhiều hơn bình thường", ông Yu cho biết. Ông cũng nói rằng tháng 7 năm nay rất đặc biệt vì không xuất hiện bất cứ cơn bão nào.

Vì sao giới khí tượng Trung Quốc lại 'đứng ngồi không yên'?

Sự thiếu vắng bão ở Trung Quốc vào tháng 7 - tháng nóng nhất lịch sử nước này - đã khiến nhiều nơi chịu cảnh nóng bức đáng sợ. Nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C ở các tỉnh phía nam như Quảng Đông và Phúc Kiến, Trung Quốc.

Bão đóng vai trò quan trọng trong việc giải nhiệt mùa hè, đồng thời cung cấp lượng mưa cần thiết để giảm bớt hạn hán. (Nguồn ảnh: EPA)

Trong một báo cáo tháng trước, Đài quan sát khí tượng Trung Quốc cho biết bão đóng vai trò quan trọng trong việc giải nhiệt mùa hè, đồng thời cung cấp lượng mưa cần thiết để giảm bớt hạn hán.

"Xét trên góc nhìn toàn cầu, nếu không có bão, ven biển của Trung Quốc, ven biển Nhật Bản, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và đông nam nước Mỹ sẽ mất 1/4 lượng mưa và có thể thiếu nước ngọt", trích báo cáo của Đài quan sát khí tượng Trung Quốc.

Theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, lũ lụt trên diện rộng và nắng nóng cực đoan có thể trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc khi khí hậu thay đổi. Họ cảnh báo nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng nguy hiểm ảnh hưởng đến 10 đến 45 triệu người vào năm 2030, đặc biệt ở các tỉnh phía đông Trung Quốc.

"Ngoài ra, dự báo khả năng xảy ra mưa cực lớn ở Trung Quốc cũng cao hơn", McKinsey viết trong một báo cáo, nhấn mạnh số người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ven sông dự kiến tăng từ 67,5 triệu người trong năm nay lên 83 triệu người vào năm 2050.

Cảnh ngập úng ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 13/7 (Nguồn ảnh: AFP)

    'Mưu kế ngầm' trong cuộc đua sống ngoài hành tinh: Mỹ-Trung bước vào trận đấu độc nhất vô nhị

Chưa hết, thời tiết khắc nghiệt cũng là mối đe dọa với an ninh lương thực của Trung Quốc, tác động mạnh đến năng suất cây trồng.

Phó giáo sư Zhang Junjie, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường của Đại học Duke Kunshan, nói với tờ Straits Times rằng sản lượng gạo, lúa mì và ngô ở Trung Quốc có thể giảm lần lượt 36,25%, 18,26% và 45,1% do biến đổi khí hậu.

Giáo sư Zhang thêm rằng Bắc Kinh đang tìm cách giảm thiểu mối đe dọa đến từ khí hậu. "Cụ thể, sự tập trung gần đây vào việc phục hồi các hệ sinh thái sẽ làm tăng sức mạnh của nền kinh tế nông nghiệp Trung Quốc trong việc đối phó với thời tiết bất ổn trong tương lai", ông Zhang nói.

(Dịch từ Straits Times)

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/nguoc-doi-it-bao-nhat-trong-71-nam-vi-sao-gioi-khi-tuong-trung-quoc-lai-dung-ngoi-khong-yen-20200818162304372.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY