Nhập viện trong tình trạng khối bìu trái to, bóng, sờ nắn xẹp, bé trai 3 tháng tuổi ngụ tại TP HCM được chẩn đoán thoát vị bẹn. Các bác sĩ khoa Niệu, BV Nhi đồng 2 chỉ định phẫu thuật nhằm tránh biến chứng nguy cơ hoại tử ruột do nghẹt qua lỗ thoát vị.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện đây là trường hợp tràn dịch khổng lồ màng tinh hoàn và cả bụng hiếm gặp ở trẻ trai. Sau khi mổ lấy hết túi nước ở xung quanh tinh hoàn và khối nước trong bụng ra, tình trạng bìu bẹn và bụng của bé xẹp hẳn so với trước mổ, bé phục hồi tốt, bú khỏe.
Quá trình phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn và bụng rất phức tạp, nếu làm tổn thương ống dẫn tinh, trẻ dễ có nguy cơ vô sinh về sau. Ảnh: L.P. |
Thạc sĩ, bác sĩ Ngọc Thạch, Phó khoa Niệu BV Nhi đồng 2 cho biết, trường hợp bé trai này rất đặc biệt. Đây là một thể của bệnh lý ống bẹn ở bé trai. Trong 100 trẻ sinh ra có khoảng 3 bé bị bệnh lý liên quan đến ống bẹn như thoát vị bẹn (tức là ruột hay các thành phần trong bụng có thể chạy xuống bìu bẹn); tràn dịch màng tinh hoàn hay kén thừng tinh (tức nước trong ổ bụng xuống). Đây là bệnh lý gặp nhiều nhất trong các khoa phẫu thuật nhi. Tuy nhiên với trường hợp của bé trai này, tràn dịch màng tinh hoàn thay vì chỉ khu trú ở vùng bìu lại lan rộng ra khắp bụng. Hiện chỉ có vài báo cáo trên y văn tương tự, song chưa thấy thống kê trường hợp nào tại Việt Nam.
Bệnh cảnh này gọi là tràn dịch màng tinh hoàn và bụng. Bệnh được miêu tả lần đầu tiên trên thế giới năm 1834 bởi tác giả Dupuytren, đến năm 1919, tác giả Bickle mới thực sự miêu tả về cơ chế bệnh sinh và cách xử lý. Bệnh có tần suất khoảng 1,25% trong các trường hợp bé trai bị tràn dịch màng tinh hoàn.
Theo bác sĩ Thạch, bệnh gây ra bởi sự mất cân bằng giữa hấp thu và tiết dịch của bao phúc tinh mạc bất thường bao phủ quanh tinh hoàn, dẫn tới thay vì dịch chỉ khu trú ở vùng bìu sẽ lan rộng qua ống bẹn và bao chứa dịch này sẽ phình to vào ổ bụng. Do thông thương của túi chứa dịch vùng bìu và bụng, do đó khi thăm khám có thể làm xẹp nước vùng bìu chạy lên bụng, bệnh dễ nhầm lẫn với thoát vị bẹn. Khối dịch không thông thương với ổ bụng nhưng kích thước to lớn này sẽ chèn ép vào các tạng trong bụng, tăng áp suất trong bụng gây khó khăn cho bé trong vấn đề hô hấp, ăn uống. Khối dịch chèn ép bó mạch máu tinh hoàn làm giảm tưới máu tinh hoàn gây teo tinh hoàn về sau.
Bệnh thường phát triển nhanh trong năm đầu của bé, tỷ lệ tự khỏi thấp và chỉ ở phần bìu, phần dịch ở bụng thường không tự khỏi. Trong khi phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn đơn thuần rất đơn giản thì kỹ thuật mổ trong trường hợp này phức tạp hơn nhiều. Các bác sĩ sẽ lấy hết khối dịch vùng bìu, bẹn và bụng ra khỏi cơ thể bé, điều quan trọng nhất trong phẫu thuật là tránh làm tổn thương ống dẫn tinh nguy cơ vô sinh về sau. Khi có chẩn đoán nên mổ sớm tránh những biến chứng về sau.
Bác sĩ Thạch khuyến cáo, phụ huynh khi thấy con có bệnh lý ống bẹn, siêu âm tiền sản hay sau sinh có hình ảnh nang nước bất thường trong ổ bụng... cần cho trẻ khám ở các bệnh viện có chuyên khoa ngoại nhi để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chủ đề liên quan:
bé trai cảnh giác bệnh vùng sinh dục trẻ em đầu tiên hiếm gặp kén thừng tinh màng tinh hoàn thoát vị bẹn tinh hoàn tràn dịch tràn dịch màn tinh hoàn