Bác sĩ Phạm Đoàn Tấn Tài, Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 12/4 cho biết bé vào viện cấp cứu với nước bọt chảy nhiều. Phim chụp X-quang ngực ghi nhận dị vật là mảnh kim loại hình dấu cộng, nằm ở thực quản.
Hình ảnh mặt dây chuyền kim loại trên phim X-quang ngực bệnh nhi. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp này phức tạp và nguy hiểm vì dị vật có hình dáng góc cạnh, sắc, dễ gây tổn thương thành thực quản. Mảnh kim loại có thể đâm thủng vào trung thất, tổn thương mạch máu và các cơ quan lân cận, nguy hiểm tính mạng bé.
Sau hơn 45 phút nội soi thực quản có gây mê, các bác sĩ gắp thành công dị vật ra ngoài qua đường miệng. "Lòng thực quản bé có vài điểm trầy xước, ứ máu nhưng may mắn không thủng, chưa có tai biến, biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Tài chia sẻ.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh trông trẻ cẩn thận, tránh để những vật nhỏ, gọn trong tầm tay trẻ. Ở độ tuổi khám phá thế giới xung quanh, trẻ có thể nuốt hay sặc vào đường thở, đường tiêu hóa bất cứ dị vật gì. Nhiều bé không qua khỏi vì dị vật chẳng may rơi vào làm tắc nghẽn hô hấp. Các vật tiềm tàng nguy hiểm như đồ sắc nhọn và pin nhỏ có thể làm rách hoặc đốt thực quản nếu trẻ nuốt phải.
Lưu sẵn các số điện thoại khẩn cấp phòng trường hợp cần đến, trang bị các kỹ năng sơ cứu cơ bản. Không tự ý móc họng lấy các dị vật sắc nhọn, dễ vỡ trong tình huống hoảng loạn.