Ngày 8/7, tại hội nghị cung cấp thông tin bhyt, ông lê văn phúc, trưởng ban thực hiện chính sách bhyt (bảo hiểm xã hội việt nam), cho biết hiện chưa có quy định về thanh toán bhyt khi người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế do bệnh viện hết thuốc vì chậm đấu thầu. tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ rõ cơ sở khám chữa bệnh (kcb) phải có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế nên để thiếu là trách nhiệm của các cơ sở này.
Việc có được hoàn trả thanh toán hay không và nếu có thì tính cho bệnh viện hay cho người bệnh đều phải chờ ý kiến của các cấp có thẩm quyền. Luật Bảo hiểm y tế quy định bộ trưởng y tế được quyết định trong một số trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp.
"Trước tiên, cần xác định đây có phải là trường hợp đặc biệt hay không. Chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế để triển khai việc thanh toán này", ông Phúc nói và gợi mở có hai hình thức thanh toán. Hoặc cơ sở KCB thanh toán lại cho người bệnh sau đó Bảo hiểm xã hội sẽ quyết toán với cơ sở đó. Hai là thanh toán trực tiếp cho người bệnh, song cách này gặp khó là áp mức giá nào, chất lượng thuốc đó có đảm bảo không khi người bệnh phải tự mua ngoài.
Bệnh nhân và người nhà chờ đợi trước phòng khám ghép thận, Bệnh viện Chợ Rẫy, cuối tháng 4 - thời điểm cơ sở này hết thuốc chạy thận, nhiều bệnh nhân phải đi mua ngoài với giá cao. Ảnh: Lê Phương
Ông Phúc nêu quan điểm của Bảo hiểm xã hội là không khuyến khích việc người bệnh tự đi mua thuốc ngoài. Bởi có những loại thuốc đắt và bệnh nhân không thể bỏ số tiền lớn để mua rồi về chờ thanh toán BHYT.
"Bệnh viện, cơ sở KCB phải có trách nhiệm để vừa đảm bảo đúng mức giá, chất lượng thuốc và quyền lợi của người bệnh khám chữa BHYT", ông Phúc nói.
Liên quan vấn đề này, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, cho biết thêm cuối năm 2019, BHXH Việt Nam từng có văn bản xin ý kiến Bộ Y tế về việc có được thanh toán trực tiếp thuốc, vật tư y tế khi người bệnh phải tự mua do bệnh viện không cung ứng được hay không. Sau gần hai năm, tháng 10/2021, Bộ Y tế trả lời, dẫn các quy định và kết luận "không có cơ sở thanh toán trực tiếp cho người bệnh".
Hiện có hơn 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm; 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; 349 vị thuốc y học cổ truyền; 229 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với khoảng trên 1.200 chế phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Trên 19.000 dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế cho phép thực hiện song chỉ 9.190 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT.
Về quan điểm nên bỏ đấu thầu tập trung và giao bệnh viện tự chủ, ông Lê Văn Phúc cho hay ngoài hai cấp đấu thầu tập trung cấp quốc gia và địa phương, còn đấu thầu cấp cơ sở KCB. Đơn cử như TP HCM giao cho một số bệnh viện đấu thầu là chính. Tuy nhiên theo ông, hình thức đấu thầu tại các cơ sở KCB mất nhiều thời gian. Việc thanh toán, giá cả giữa cơ sở này với cơ sở kia khác nhau. Khi đó, giải thích với cơ quan chức năng là rất khó.
"Vì mất nhiều thời gian, nhân lực nên các cơ sở KCB cũng không muốn đấu thầu riêng", ông Phúc nói, dẫn chứng lãnh đạo Bệnh viện K (Hà Nội) cách đây vài ngày cho biết bệnh viện có 70 tổ đấu thầu. Có người không muốn và có người phải tham gia 7- 8 tổ, mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, để bệnh viện tập trung cho chuyên môn thì song song đấu thầu cấp cơ sở vẫn nên duy trì đấu thầu tập trung. Hình thức này cũng giúp điều tiết thuốc giữa các cơ sở y tế dễ dàng hơn, đấu thầu riêng lẻ thì khó.
Chủ đề liên quan:
bệnh nhân mua thuốc ngoài bệnh viện chợ rẫy bệnh viện thiếu thuốc thanh toán bhyt tin nóng