Trước khi một loạt cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) bị Công an bắt giữ đề điều tra nghi án "nâng giá" máy để trục lợi giữa lúc cả nước đang tập trung tổng lực để đẩy lùi dịch Covid-19, thì mức giá "phổ biến" mà các địa phương mua đều ở mức trên 7 tỷ đồng. Thậm chí vào lúc bấy giờ, lãnh đạo ngành Y tế một số địa phương còn mạnh miệng tuyên bố là việc mua máy đảm bảo đúng quy trình và cam kết không có biểu hiện trục lợi. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, một loạt địa phương cho biết họ đã "đàm phán" với bên cung cấp thiết bị và được chấp thuận giảm giá máy xuống một mức rất... bất ngờ - mức giảm có khi lên tới trên dưới 40% tổng giá trị hợp đồng đã ký trước đó, tức chỉ trên 5 tỷ đồng - mà theo một số công ty cung cấp, thì đó là mức giá bán thấp hơn... giá mua vào (?). Thậm chí, một số nơi còn nói rằng, họ được... cho mượn để dùng, hay có thể trả lại máy mặc dù trước đó máy đã được đưa vào sử dụng.
Như vậy, những bản hợp đồng kinh tế với các điều khoản được ràng buộc chặt chẽ trước đó giữa bên mua và bên bán đã được "điều chỉnh" một cách vô cùng... dễ dãi! Đó dường như là điều chưa từng thấy trong các thương vụ mua bán thiết bị giá trị lớn đã từng diễn ra nhiều lần trước đó. Và sự "dễ dãi" của nhà cung cấp trong việc "tự nguyện giảm giá" hàng tỷ đồng quả là rất khó lý giải!
Nhiều thông tin cho biết, trong giai đoạn 2018 đến nay, đã có hàng chục tỉnh, thành mua hệ thống thiết bị Realtime PCR từ nhiều hãng sản xuất phục vụ cho hoạt động xét nghiệm, trong đó một số địa phương như Yên Bái, Đà Nẵng mua với mức giá chỉ dưới 2 tỷ đồng, nhưng cũng có nhiều tỉnh khác mua với mức giá từ 6 - 8 tỷ đồng. Riêng với vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, thông tin ban đầu cho biết, hệ thống thiết bị Realtime PCR tự động có giá nhập khẩu hơn 2,3 tỉ đồng, nhưng đã bị các doanh nghiệp mua bán lòng vòng, rồi "thổi giá" gần 7 tỷ đồng!
Việc thổi giá máy xét nghiệm giữa lúc người dân cả nước đang phải chấp nhận nhiều hy sinh để cùng nhau phòng chống dịch Covid-19 là hành vi vi phạm pháp luật và vô đạo đức, đáng bị lên án. Những kẻ bất lương đã lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, đến khi có nguy cơ bị cơ quan chức năng phanh phui thì liền "chuyển hướng" hoặc chấp nhận "đại hạ giá", hoặc từ mua bán chuyển thành... cho mượn, nhằm chạy tội. Nhưng "lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát", mặc dù những người chịu trách nhiệm trong vụ việc này đã đưa ra những lời biện hộ, nhưng đó là sự biện hộ muộn màng và hoàn toàn không hợp tình hợp lý. Những hành vi trục lợi nói trên không thể qua mắt được các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như sự tinh tường của người dân.
Chủ đề liên quan:
giá máy hãng sản xuất hàng tỷ đồng hành vi vi phạm hành vi vi phạm pháp luật kẻ bất lương máy xét nghiệm ngành y tế nghiệm nhà cung cấp phòng chống dịch thương vụ mua bán tổng giá trị trung tâm kiểm soát vi phạm pháp luật xét nghiệm xét nghiệm nCoV