Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025.
Các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch này bao gồm: Cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ, thu hẹp sự khác biệt về Tu vong mẹ và các chỉ tiêu sức khỏe bà mẹ giữa các vùng miền. Phấn đấu giảm tỷ số Tu vong mẹ xuống còn 42/100.000 trẻ đẻ sống, trong đó vùng khó khăn xuống còn 70/100.000 trẻ đẻ sống; tăng tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai 4 lần trong 3 thai kỳ lên 85%, trong đó vùng khó khăn đạt 65%; duy trì tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế ở mức trên 97%, trong đó vùng khó khăn đạt trên 85%.
Cùng với đó, tăng tỷ lệ phụ nữ đẻ được người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ lên trên 95%, trong đó vùng khó khăn đạt 80%; tăng tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong tuần đầu sau sinh đạt 70%, trong đó vùng khó khăn đạt 50%; giảm tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ mang thai xuống dưới 20%, trong đó vùng khó khăn xuống dưới 23%.
Kế hoạch có mục tiêu nhằm cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản, tập trung vào cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ưu tiên các vùng khó khăn. Ảnh TL
Mục tiêu thứ 2 Kế hoạch hướng đến là cải thiện tình trạng sức khỏe trẻ em, thu hẹp khoảng cách về Tu vong và các chỉ tiêu sức khỏe trẻ em/trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giữa các vùng miền. Cụ thể, giảm tỷ suất Tu vong sơ sinh xuống dưới 9‰, trong đó vùng khó khăn xuống 15‰; giảm tỷ suất Tu vong trẻ dưới một tuổi xuống còn 12,5‰, trong đó vùng khó khăn xuống còn 19,5‰; giảm tỷ suất Tu vong trẻ dưới 5 tuổi xuống còn 18,5‰, trong đó vùng khó khăn xuống còn 29,5‰;
Giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2.500 gram xuống dưới 8%, trong đó vùng khó khăn xuống còn 10,5%; tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh được thực hiện chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm đạt 75%, trong đó vùng khó khăn đạt 80%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 18,5%, trong đó vùng khó khăn xuống dưới 28%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra các nhóm giải pháp chính như: Đẩy mạnh truyền thông vận động về tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em/sức khỏe sinh sản (CSSKBMTE/SKSS) đặc biệt là sức khỏe và dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ sơ sinh/trẻ nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách, người làm công tác quản lý ở các cấp, các đại biểu dân cử, người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản... Huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng tham gia vào vận động chính sách, nguồn lực, tạo môi trường xã hội thuận lợi cho công tác CSSKBMTE/SKSS.
Bên cạnh đó, bổ sung, sửa đổi, cập nhật tiến tới dần hoàn thiện hệ thống chính sách về CSSKBMTE/SKSS dựa trên bằng chứng; xây dựng tiêu chí về số lượng nhân lực làm công tác sản-nhi theo dân số/giường bệnh; chính sách thu hút nhân lực sản nhi làm việc tại vùng khó khăn; chính sách thực hiện nghĩa vụ xã hội đối với các cán bộ làm việc tại các cơ sở y tế tuyến trên; chính sách nhằm nâng cao vai trò, vị thế của hộ sinh; chính sách duy trì và củng cố đội ngũ cô đỡ thôn bản; hoàn thiện và hướng dẫn triển khai hiệu quả gói dịch vụ y tế cơ bản về dự phòng và nâng cao sức khỏe (nội dung CSSKBMTE/SKSS).
Đẩy mạnh và cải thiện chất lượng công tác chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và nhi khoa; tăng cường giám sát hỗ trợ, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về làm mẹ an toàn, cấp cứu, hồi sức cấp cứu sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở các cơ sở y tế, bao gồm cả các cơ sở y tế ngành, y tế tư nhân…
Ngoài ra, rà soát, cập nhật, chuẩn hóa chương trình, tài liệu đào tạo đối với bác sĩ đa khoa (nội dung sản - nhi), bác sĩ chuyên khoa sản, nhi, hộ sinh, điều dưỡng nhi; đào tạo bác sĩ đa khoa thành bác sĩ chuyên ngành sản, nhi; đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu đối với các vùng khó khăn; bổ sung số lượng bác sĩ chuyên khoa phụ sản/chuyên khoa nhi thông qua các hình thức như: thực hiện Đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác ở các vùng đặc biệt khó khăn, triển khai quy định về nghĩa vụ xã hội đối với bác sĩ về công tác ở vùng sâu, vùng xa (chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề khám, chữa bệnh).
Tăng cường cơ sở vật chất cho tuyến xã, đặc biệt các trạm y tế có đỡ đẻ ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nâng cấp, xây mới hoặc bố trí phòng đẻ riêng và cung cấp, bổ sung các dụng cụ, trang thiết bị còn thiếu. Duy trì nguồn cung cấp các Thu*c cần thiết cho phụ nữ có thai, bà mẹ và cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, đặc biệt là các Thu*c cấp cứu ở tuyến xã.
Một giải pháp nữa được đề cập đến trong kế hoạch là nâng cao chất lượng chăm sóc phụ nữ có thai (quản lý thai, khám thai định kỳ, tuân thủ đầy đủ quy trình khám thai…); theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển dạ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ để xử trí kịp thời; xây dựng, rà soát, cập nhật và chuẩn hóa các quy trình, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về csskbmte/skss nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, trước mắt tập trung vào các quy trình về cấp cứu sản khoa và sơ sinh…
Chủ đề liên quan:
Chăm sóc sức khoẻ sinh sản chăm sóc trẻ nhỏ chăm sóc trẻ sơ sinh dân số phụ nữ có thai