Cụ thể tỉnh Quảng Ninh có đường biên giới dài với Trung Quốc, các hoạt động thông thương, du lịch qua đường bộ, đường không, đường thủy trong dịp Tết diễn ra thường xuyên kéo theo nguy cơ cao xuất hiện các ca nhiễm virus Corona.
Toàn bộ du khách qua cửa khẩu Móng Cái đều được kiểm soát dịch bệnh
Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm, trong 5 ngày Tết, Quảng Ninh đã tiến hành kiểm dịch y tế tại tất cả các cửa khẩu cho gần 33,5 nghìn người và giám sát hơn 60 ca, 10 mẫu bệnh phẩm nghi cúm, viêm phổi nặng... Kết quả đến nay chưa ghi nhận ca bệnh viêm phổi có liên quan đến chủng virus Corona.
Hiện tại, lượng người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái đang giảm mạnh, tuy nhiên không loại trừ nguy cơ xuất phát từ du khách đến Quảng Ninh từ nhiều địa phương khác, nhất là đang trong thời điểm mùa lễ hội.
Tại cuộc họp khẩn diễn ra sáng 28-1, ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết công tác phòng chống dịch bệnh do virus Corona đang được ngành Y tế tăng cường quyết liệt, trong đó đặc biệt tập trung duy trì kiểm dịch tại cửa khẩu, cảng khẩu, sân bay, kiểm soát 100% người nhập cảnh vào Quảng Ninh; trang bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, sinh phẩm để đáp ứng nhu cầu khoanh vùng, xử lý phòng chống dịch; sẵn sàng cho cả kịch bản xấu nhất là dịch bệnh lây lan ra cả cộng đồng.
Còn theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng Ninh, đơn vị cũng đã phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm soát chặt thông tin từ các đoàn khách. Tại nhiều điểm đến đã chủ động tuyên truyền, phát khẩu trang y tế cho khách đến tham quan.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, đề nghị các đơn vị không được chủ quan và xác định rõ địa bàn trọng điểm để tập trung phòng chống. Theo đó tỉnh Quảng Ninh sẽ thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, tập trung xử lý dịch bệnh ngay từ gốc.
Trong khi lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh khẳng định chưa ghi nhận trường hợp nào có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới, nhưng thông tin lan truyền trên facebook cho rằng có 2 khách du lịch Trung Quốc bị nhiễm bệnh và đang cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là hoàn toàn sai sự thật. Thông tin này được một tài khoản đăng từ tối 27-1 và nhận được hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận, khiến dư luận lo lắng, hoang mang…
Cơ quan chức năng đã xác minh để xử lý những tin đồn thất thiệt.
Trước đó ngày 26-1, cũng trên mạng facebook tại Hải Phòng lan truyền thông tin “có 1 ca nghi ngờ mắc virus Corona gây viêm phổi Vũ Hán hiện đang được cách ly tại khoa lây bệnh viện Việt Tiệp". Tuy nhiên đến 22h cùng ngày thông trên trên đã được gỡ bỏ.
Ngay khi xuất hiện các thông tin gây hoang mang dư luận, Công an Quảng Ninh và Hải Phòng đã phối hợp với ngành Y tế xác minh làm rõ. Kết quả những thông tin trên là không có căn cứ nên Công an các địa phương đã vào cuộc xác minh, xử lý các trường hợp cá nhân tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.
Đại tá Đỗ Văn Lực, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đề xuất nên hạn chế đi lại, tổ chức các tour tuyến du lịch vào những vùng nghi vấn có dịch. Đồng thời tuyên truyền về các giải pháp phòng ngừa, những khuyến cáo y tế trên thống phương tiện thông tin đại chúng và cả các trang mạng xã hội một cách toàn diện…
Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến cáo người dân cần chọn lọc, không chia sẻ những thông tin sai sự thật về dịch bệnh.
* Ngày 28-1, ông Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cùng đoàn kiểm tra của Sở này đã có buổi thị sát, kiểm tra công tác phòng ngừa bệnh truyền nhiễm virus corona tại Bệnh viện Đa khoa vùng (BVV) Tây Nguyên.
Bác sĩ Võ Minh Thành – Phó giám đốc BVV Tây Nguyên, từ trước Tết Nguyên đán (tức khi dịch bắt đầu bùng phát ở TP Vũ Hán, Trung Quốc) bệnh viện đã có nhiều phương án ứng phó như: ở khu vực Cấp cứu, Khám, Khoa xét nghiệm… đã có bố trí sẵn 1 khu vực dự phòng theo đúng chuẩn quy định của Bộ Y tế. Khoa truyền nhiễm dành hẳn 1 tầng. Trong từng hợp cần thiết, huy động toàn bộ khoa.
Trao đổi với báo giới, ông Lê Thanh Hiền – Phó viện trưởng Viện dịch tễ Tây Nguyên cho biết, bệnh nhân nằm trong diện “tin đồn trên mạng xã hội facebook” là một nam giới, công tác tại một hãng hàng không. “Người này xuất phát từ Hàn Quốc, sau đó về TP Hồ Chí Minh thì có hiện tượng sốt nhẹ, nên đã đi xét nghiệm cũng như chữa trị ở Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh). Sau khi về TP Buôn Ma Thuột, người này tiếp tục xuất hiện các triệu chứng nói trên, rồi tiếp tục vào BVV Tây Nguyên chữa trị.
Có 2 yếu tố kết hợp với nhau, thì mới sử dụng được thuật ngữ “nghi nhiễm dịch bệnh coronavirus”. Thứ nhất, có các triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, rát họng…; thứ 2, người này xuất phát từ vùng có dịch bệnh (tức TP Vũ Hán, Trung Quốc – PV). “Như vậy, theo quy định của Bộ Y tế, chưa khẳng định được bệnh nhân này nằm ở diện nghi ngờ. Nếu anh tiếp xúc với người Trung Quốc, đặc biệt là người TP Vũ Hán, sau đó bệnh nhân đó mới nghi ngờ là bị nhiễm bệnh. Ngành y sẽ làm các bước tiếp theo, cách ly và các phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Việc thông tin như trên mạng xã hội chưa kiếm chứng sẽ gây tâm lý hoang mang trong dư luận” – ông Hiền nói.
Ông Nay Phi La khẳng định, hiện tại ở Đắk Lắk chưa có ca nhiễm virus Corona. “Tuy vậy, chúng tôi không hề chủ quan. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan, cũng như chữa trị cho người bệnh đã sẵn sàng. Chúng tôi đã đề nghị với Sở Văn hóa Thể thao Du lịch thông báo ngay cho đoàn khách quốc tế ở các khách sạn, các tour du lịch cần báo cáo gấp cho ngành Y tế những trường có các biểu hiện dịch bệnh để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời” – ông Nay Phi La nói.