Viêm mãn tính xuất hiện với các mức độ khác nhau tùy theo tuổi tác và không liên quan đến bất kỳ dạng nhiễm trùng nào. Theo báo cáo chung của chuyên gia Roma Pahwa thuộc Viện Ung thư Quốc gia và Tiến sĩ Ishwarlal Jialal của Đại học Northstate California (Mỹ), viêm mãn tính tuy tiến triển chậm, nhưng nó là nguyên nhân của hầu hết các bệnh mãn tính và là mối đe dọa đối với sức khỏe cũng như tuổi thọ của mỗi người.
Về bản chất, viêm mãn tính là hậu quả do hệ miễn dịch thất bại trong các hoạt động gồm: kiểm soát phản ứng trước một căn bệnh hoặc chấn thương, loại bỏ các tác nhân gây viêm như vi khuẩn hoặc nấm, tiếp xúc với một chất lạ như amiăng hoặc bụi silic, hay sự hiện diện của một bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp.
Khi chúng ta già đi, phản ứng miễn dịch trở nên kém hiệu quả, khiến nồng độ các chất gây viêm như prôtêin phản ứng C và chemokine trong máu tăng cao, đồng thời cho phép các tác nhân gây viêm như interleukin-6 (IL-6) và yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF- alpha) tồn tại trong các mô cơ thể. Ngoài ra, tuổi tác lớn dần cũng dẫn đến tích tụ nhiều tế bào già nua, trong khi tế bào bình thường ngừng phân chia, từ đó gây lão hóa mô và tiết ra các chất như cytokine gây viêm.
Một số nghiên cứu gần đây xác định có rất nhiều biện pháp để mọi người có thể giảm thiểu nguy cơ bị viêm mãn tính, thậm chí có thể đảo ngược tiến triển của nó. Quan trọng là, các biện pháp được chuyên gia khuyến nghị rất quen thuộc với mọi người, gồm ăn uống lành mạnh - càng ít thực phẩm chế biến càng tốt, tập thể dục thường xuyên, giảm cân hoặc hạn chế tăng cân, ngủ đủ giấc, giảm stress và tránh xa Thu*c lá.
Đầu tiên là rà soát những thực phẩm nên ăn và tránh ăn. Chế độ ăn uống dựa trên thực vật, tập trung vào trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành, hạt lanh và dầu ôliu rất cần để chống viêm. Đây là một phần của chế độ ăn Địa Trung Hải (bao gồm cá béo) vốn chứa nhiều axít béo omega-3, dồi dào các vi chất dinh dưỡng như magiê, vitamin E và selen có tác dụng chống viêm, trong khi hàm lượng chất xơ cao giúp làm giảm hai chất gây viêm mạnh là IL-6 và TNF-alpha.
Song song đó, Giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học Frank Hu tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan cũng đề nghị hạn chế hoặc ngừng tiêu thụ thực phẩm gây viêm, bao gồm gạo trắng và sản phẩm làm từ bột tinh chế (như bánh mì trắng, bánh ngọt); đồ uống có đường; thực phẩm chiên giòn; thịt đỏ và thịt chế biến. Trái lại, ông Hu khuyên mọi người nên tiêu thụ thường xuyên các loại thực phẩm như rau lá xanh, cá béo, các loại hạt, cà phê và trà…vốn chứa hàm lượng cao các chất chống ôxy hóa và polyphenol tự nhiên, axít béo omega-3 - đều có tác dụng chống viêm.
Tập thể dục thường xuyên là cách tuyệt vời để ngăn ngừa viêm. Tiến sĩ James Gray, một bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y học Tích hợp Scripps, khuyên mọi người nên tập các môn thể dục làm tăng nhịp tim, nhịp thở từ 30-45 phút và tập các môn cử tạ, chống đẩy từ 10-25 phút/tuần. Bất kể cân nặng thế nào, tập thể dục đã được chứng minh là làm giảm nhiều loại phân tử gây viêm và cytokine. “Nếu bạn thừa cân, hãy giảm cân để giảm gánh nặng viêm nhiễm cho cơ thể và hãy vệ sinh răng miệng thường xuyên để kiểm soát bệnh nha chu, cũng là một nguồn viêm mãn tính” - Stephen Kritchevsky, Giáo sư về lão khoa tại Trường Y Wake Forest, khuyến cáo.
Stress mãn tính cũng góp phần gây viêm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Gray cho biết tập thiền và yoga có thể giúp đẩy lùi tình trạng căng thẳng kéo dài. Các chuyên gia còn cho rằng stress có thể gây rối loạn giấc ngủ, nên những người hay mất ngủ có nguy cơ bị viêm mãn tính cao hơn so với người ngủ đúng giờ và đủ giấc.
Cuối cùng, hãy thận trọng khi sử dụng kháng sinh, Thu*c kháng axít và Thu*c không steroid. theo giáo sư krevevsky, những Thu*c này có thể phá vỡ quần thể vi sinh vật khỏe mạnh bình thường trong ruột, dẫn đến sự sinh sôi của vi khuẩn có hại và tăng nguy cơ bị viêm.