Nhiều người uống cà phê rất nhanh. Một số người khác lại muốn dành 1-2 tiếng để nhâm nhi ly cà phê thơm ngon. Tuy nhiên, theo các chuyên gia răng miệng, thói quen uống cà phê chậm rãi có thể phá hủy men răng và gây sâu răng.
Nha sĩ, tiến sĩ khoa học Suhail Mohiuddin (Mỹ) đã đăng video giải thích nhiều bệnh nhân của ông bị sâu răng do uống cà phê sai cách. Cà phê có thể làm giảm độ pH trong miệng xuống dưới 5,5. Nếu điều này kéo dài hơn 30 phút, men răng sẽ bắt đầu bị mài mòn.
Michael Wei, tiến sĩ khoa học (Mỹ) cũng chia sẻ: “Nhâm nhi cà phê trong nhiều giờ có thể gây hại cho răng vì đường và axit trong đồ uống này có thể lưu lại trong miệng lâu hơn, ăn mòn men răng, làm tăng nguy cơ sâu răng”.
Tina Saw, người sáng lập Oral Genome lưu ý cà phê gây ố răng do có nó có màu sẫm và chứa nhiều tannin. Nha sĩ Richard M. Lipari, Westchester, New York, Mỹ nói: "Hầu hết mọi người uống cà phê với sữa, đường hoặc siro. Những thành phần này cũng có thể dẫn đến sâu răng".
Reader’s Digest dẫn lời phó giáo sư nha khoa Denise Estafan tại Cao đẳng Nha khoa New York (Mỹ) cho hay, men răng là lớp cứng phủ bên ngoài để bảo vệ răng. Trên men răng xuất hiện rất nhiều lỗ nhỏ li ti. Khi các hạt thức ăn mắc kẹt vào những lỗ nhỏ này sẽ làm thay đổi màu sắc men răng.
Những hạt này nằm càng lâu trong các lỗ li ti càng dễ gây sâu răng và khiến răng bị ố màu. Ví dụ, uống cà phê càng nhiều và không dùng bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ răng thì các vết ố sẽ xâm nhập càng sâu vào men răng. Khi đó, việc làm răng trắng sáng trở lại sẽ càng khó khăn hơn.
Tiến sĩ Wei cho biết thêm, tốt nhất nên uống cà phê trong vòng 5-10 phút. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào dạ dày của từng người vì uống cà phê quá nhanh có thể gây khó chịu cho dạ dày.
Nếu không thể uống hết cà phê trong 10 phút, các chuyên gia khuyên mọi người đánh răng sau khi uống xong cà phê để loại bỏ đường và axit đọng lại. Nhưng nên đợi ít nhất 30 phút trước khi đánh răng để nước bọt trung hòa axit trong miệng, tránh tác động tới men răng khi men răng còn yếu.
Nếu không thể đánh răng hãy súc miệng bằng nước, suốt thời gian thưởng thức tách cà phê đừng quên uống thật nhiều nước. Theo chuyên gia Wei, nước có thể giúp loại bỏ cà phê còn sót lại trên răng và giữ cho răng khỏe mạnh.
Một cách khác để giữ răng khỏe mạnh là giảm lượng đường trong cà phê. Tiến sĩ Lipari nói: “Nếu uống cà phê với đường bổ sung hoặc siro, bạn không nên nhâm nhi cà phê suốt cả ngày. Hãy giảm thời gian đường tiếp xúc với răng”. Ngoài ra, mọi người cũng có thể ăn các loại rau củ quả giòn như cà rốt để giảm nguy cơ răng bị đổi màu.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san International Journal of Dental Hygiene (Mỹ) phát hiện casein, một loại protein có trong sữa, có thể bám vào chất tannin, nhờ đó giúp ngăn ngừa răng ố màu khi uống trà, cà phê. Để đạt được lợi ích này, nghiên cứu khuyến cáo người uống nên dùng sữa động vật. Sữa thực vật như sữa đậu nành không mang lại hiệu ứng này.
Ngoài ra để cà phê ít tiếp xúc với răng là cách tốt để ngăn ngừa răng ố vàng. Muốn làm được việc này, hãy uống cà phê bằng ống hút. Uống cà phê đá bằng ống hút là điều hết sức bình thường nhưng có thể hơi lạ khi uống cà phê nóng. Dù vậy, cả hai đều có tác dụng ngăn răng ố vàng.