Tại cuộc họp khẩn trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bệnh viện Bạch Mai, UBND TP Hà Nội chiều thứ Bảy, 28/3, các chuyên gia đánh giá, hiện còn hai ổ dịch rất nguy hiểm là quán bar Buddah (TPHCM) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai là nơi rất tiềm tàng, đây là ổ dịch lớn, phức tạp, nguy hiểm, nguy cơ cao nhất của cả nước thời điểm hiện tại. Tập trung lực lượng để dập bằng được ổ dịch tại đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong những ngày tới đây.
Hiện tại đây đã ghi nhận 12 bệnh nhân mắc COVID-19 liên quan đến bệnh viện, gồm: điều dưỡng Trung tâm bệnh nhiệt đới (BN86, 86), bệnh nhân điều trị tại khoa Thần kinh (BN133, 161), người tới chăm sóc bệnh nhân (BN162, 163, 170 và 172), nhân viên làm việc tại nhà ăn bệnh viện.
"Tới đây, nhất định chúng ta phải quyết liệt hơn, lên danh sách toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay và tỉnh thành nào có đều phải vào cuộc quyết liệt chứ không chỉ TP. Hà Nội. Các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để dập bằng được ổ dịch này" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ một số khó khăn khi điều trị nhiều bệnh nhân nặng. Hiện có khoảng 3.000 người đang ở tại bệnh viện này. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện bày tỏ lo lắng cho những khó khăn của bệnh viện khi đang điều trị nhiều bệnh nhân nặng, đặc biệt có hơn 550 bệnh nhân thận nhân tạo.
Ông Tuấn nhấn mạnh đây là "trường hợp khó nhất", "không chạy không được", dù đã cố gắng giải tỏa nhưng vẫn còn lượng lớn bệnh nhân này ở bệnh viện. Nếu những bệnh nhân nặng này phơi nhiễm, nhiễm thì nguy cơ Tu vong rất cao. Một số bệnh nhân nặng khác do các bệnh như thần kinh, gan, thận... có thể xảy ra Tu vong trong thời gian buộc phải cách ly tại bệnh viện.
Được biết, Binh chủng Hóa học đã huy động 10 phương tiện đặc chủng để tiến hành khử trùng, tẩy độc tại Bệnh viện Bạch Mai vào tối nay, 28/3.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến giờ phút này chúng ta đã lần lượt kiểm soát các nguồn lây bệnh. Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế lớn, mỗi ngày có từ 10.000-15.000 người qua lại, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm không chỉ từ bệnh nhân, cán bộ y tế, mà còn cả từ người đến thăm, người đến khám bệnh. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai cũng như các bệnh viện khác là rất lớn.
"Bộ Y tế đề nghị nhân dân cung cấp thông tin về tất cả những người đã qua lại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ ngày 12/3 để tiến hành khai báo y tế và kiểm soát", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ cung cấp một số điện thoại 8889 để những ai đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay nhắn tin thông báo, hoặc bất kể ai biết thông tin về những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian nêu trên có thể nhắn tin phản ánh. Số 8889 đi vào hoạt động từ 7h00 sáng 29/3/2020.
Chia sẻ về quá trình điều tra dịch tễ ở Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế) cho hay, lúc đầu các chuyên gia tập trung vào hướng lây nhiễm từ nhân viên y tế nhưng sau khi xét nghiệm thì thấy "chưa thuyết phục". Đường lây nhiễm thứ hai đã có dấu hiệu lây nhiễm từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Tuy nhiên, điều tra dịch tễ tiếp theo cho thấy có nguồn lây nguy hiểm hơn nữa là từ nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, hậu cần trong bệnh viện. Cụ thể công ty cung cấp dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều người nhiễm.
"Ngoài ra, các chuyên gia dịch tễ đang tiếp tục điều tra nguồn lây bệnh từ những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp" - ông Phu nói và cho rằng nguy cơ lây nhiễm những người này là rất nguy hiểm vì họ di chuyển qua nhiều bệnh viện.
"Tới đây, không chỉ Bệnh viện Bạch Mai mà các bệnh viện khác phải đặc biệt chú ý hai nguồn này" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
UBND TP Hà Nội đề nghị tạm dừng các dịch vụ hiện có tại Bệnh viện Bạch Mai, trừ dịch vụ tang lễ. Nếu có bệnh nhân Tu vong tại bệnh viện thì thực hiện tang lễ theo đúng quy định trong thời điểm có dịch, mỗi đám tang không nên có quá 20 người tham dự.
Tại cuộc họp, các thành viên BCĐ và các đại biểu bàn luận, thống nhất những trường hợp là người nhà bệnh nhân đang ở trong Bệnh viện Bạch Mai nhưng không cần thiết ở lại sẽ được di chuyển đến các khu cách ly tập trung theo quy định. Con số này hiện nay là khoảng 730 người.
Các bệnh nhân còn lại trong Bệnh viện Bạch Mai sẽ tiếp tục được điều trị. Trường hợp được điều trị khỏi phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về dịch tễ mới được xuất viện.
Các y bác sỹ thực hiện chế độ cách ly tập trung trong bệnh viện, trường hợp cần thiết phải luân phiên, thì những người vào thay cũng phải cách ly tập trung như vậy, còn người ra ngoài cũng ở trong cơ sở cách ly tập trung dân sự.
Ngay sau cuộc họp, Bộ Y tế ra văn bản chỉ đạo toàn bộ hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước tăng cường tất cả các biện pháp, tránh xảy ra tình trạng tương tự như Bạch Mai. Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng chống dịch của ngành y tế và của chính quyền địa phương. Đặc biệt đối với việc tham gia cung cấp thông tin điều tra dịch tễ học trong trường hợp cần thiết phải bảo đảm cung cấp đầy đủ và trung thực, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm nhất, thậm chí cho thôi việc.
Chủ đề liên quan:
bạch mai bệnh viện bệnh viện bạch mai chuyên chuyên gia công ty Trường Sinh covid đặc biệt lây nhiễm lưu ý Nguồn lây nguồn lây nhiễm nguy hiểm nhiễm COVID 19 nCoV tại Bệnh viện tại Bệnh viện Bạch Mai