Khoa học hôm nay

Chuyên gia TQ thừa nhận sự yếu ớt của tuyến bảo hiểm cuối cùng và ẩn họa chực chờ ở Trường Giang

Từ ngày 13/7, bộ chỉ huy phòng chống hạn hán lũ lụt tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, phát đi thông báo khẩn cấp yêu cầu chủ động mở các đê đơn ở khu vực hồ Bà Dương để phân tán nước lũ.

Phòng tuyến chống lũ cuối cùng của Trung Quốc

China Newsweek dẫn lời Cục trưởng Cục quản lý sông hồ tỉnh Giang Tây - ông Chen Yunxiang - cho biết, mực nước tại hồ Bà Dương thời gian qua do ảnh hưởng của mưa lớn đã vượt qua mức cảnh báo, trong đó có trạm quan trắc ghi nhận mực nước vượt qua mức kỷ lục trong lịch sử, khiến tình hình phòng chống lũ lụt trở nên nghiêm trọng.

Ông Trần nói rằng năm nay, Giang Tây áp dụng biện pháp cho phép 185 đê đơn mở cửa đón lũ. Đây là lần đầu tiên tỉnh này yêu cầu thực thi đồng loạt giải pháp trên.

"Vùng giam nước lũ", hay vùng phân tán lũ, là những "vùng chủ động đón thiên tai" được nhà nước Trung Quốc hoạch định nhằm bảo vệ cho các địa phương trọng điểm tránh khỏi tai họa. Các vùng trữ lũ này chủ yếu là khu đất trũng và ao hồ, đa phần được xây dựng vào thập niên 1950-60 của thế kỷ trước, nhằm phân tán sức ép cho các dòng sông lớn như Dương Tử (Trường Giang) khi Trung Quốc còn thiếu hụt hệ thống đê điều.

Hoạt động phòng chống lũ lụt ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử chủ yếu thực hiện thông qua ba cơ chế - gồm đê điều, các vùng giam nước lũ, và hệ thống hồ chứa. Hệ thống đê điều là giải pháp nền tảng, song khi xử lý các trận đại hồng thủy hoặc siêu đại hồng thủy, vẫn cần có các hồ chứa để làm giảm lưu lượng đỉnh lũ, và các vùng giam lũ để phân tán và "tiêu hóa" nước lũ.

Hiện nay, trên dòng chính Trường Giang ở trung và hạ lưu có tổng cộng 42 vùng giam lũ, tổng diện tích 12.000 km2, dung tích phân tán nước lũ cho phép đạt 28.97 tỉ m3.

China Newsweek - tạp chí do Quốc vụ viện Trung Quốc quản lý - chỉ ra rằng các vùng giam nước lũ được coi là "tuyến bảo hiểm cuối cùng" trong cơ chế phòng chống lũ lụt của nước này, song trong suốt thời gian dài đây lại là phòng tuyến yếu ớt nhất.

Vì sao phòng tuyến của Trung Quốc yếu ớt?

    Dùng đập Tam Hiệp sai cách: Tự hại chính mình, TQ sẽ hối không kịp với đại hồng thủy trên toàn Trường Giang

Nhà nghiên cứu Zhou Jianjun, thuộc Sở nghiên cứu sinh thái sông, Học viện kỹ thuật xây dựng thủy lợi, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, lưu ý rằng căn cứ theo quy hoạch của đập Tam Hiệp thì hiện nay khu vực lân cận Thành Lăng Cơ còn thiếu khoảng 28 tỉ m3 dung tích phân tán lũ.

Vào năm 2016, Văn phòng phòng chống hạn hán lũ lụt thuộc Ủy ban Thủy lợi Trường Giang (CJW) cho biết tại khu vực Thành Lăng Cơ, bên cạnh các vùng phân tán lũ với dung tích 10 tỉ m3 được xây dựng theo yêu cầu của Quốc vụ viện Trung Quốc năm 1999, còn cần xây dựng tốt vùng phân tán lũ trọng yếu và thông thường với dung tích khoảng 22.6 tỉ đến 29.8 tỉ m3 ở các khu vực Thành Lăng Cơ (tỉnh Hồ Nam), Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), Hồ Khẩu (tỉnh Giang Tây).

Theo kế hoạch các vùng phân tán lũ trọng điểm phải hoàn thành trước năm 2020, nhưng đến nay tiến độ bị chậm trễ rõ rệt do các bất cập trong khâu đầu tư.

Những vùng giam lũ sẵn có cũng gặp vướng mắc trong quản lý. Cuối tháng 8/2016, sau khi nạn lụt đi qua tỉnh An Huy, ông Cheng Xiaotao - cựu Phó chủ nhiệm thường trực Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật xây dựng phòng chống, giảm nhẹ thiên tai hạn hán lũ lụt, thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc - đã tiến hành khảo sát tại địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nhất của thảm họa.

Theo ông Cheng, từ sau năm 1999, địa phương này trải qua 17 năm không xảy ra các trận lũ lớn khiến ý thức phòng chóng lũ lụt của người dân khu vực đê xuống thấp, nhiều hoạt động xây dựng xâm lấn vào hành lang thoát lũ và dung tích điều tiết của các hồ nước.

"Hệ thống sông hồ [ở vùng thiên tai An Huy] bị lấn chiếm, tắc nghẽn, năng lực thoát nước của các nhánh sông và khả năng phân tán lũ của các hồ giảm sút, là một trong số nguyên nhân chính gây ra tình hình lũ lụt nghiêm trọng tại các vùng trũng của tỉnh An Huy," ông Cheng nói với China Newsweek.

Nhiều vùng đất được quy hoạch làm vùng giam lũ đã bị người dân khai khẩn, tận dụng làm ruộng canh tác. Sau nạn lụt lịch sử năm 1998, nhà nước Trung Quốc kêu gọi trả lại tình trạng các hồ phân tán lũ. Người dân có thể di dời nơi ở khỏi địa điểm cũ, nhưng vẫn giữ đất canh tác, hoặc vừa di dời vừa trả lại đất cho nhà nước để khôi phục khả năng trữ lũ tự nhiên của vùng phân tán.

Tuy nhiên, tại vùng chịu thiên tai, ông Cheng Xiaotao phát hiện ngay cả tại các khu vực phục hồi như trên, khi lũ xuất hiện thì không có cửa xả nào mở, khiến chính sách gần như không có tiến triển.

"Người dân cho rằng hệ thống đê điều của địa phương này sau lũ lụt năm 1998 vẫn không bị đổ vỡ, nên họ chỉ cần 'thủ chặt', không cần mở cửa xả lũ vào."

"Ở cùng một vùng trũng thì ngày nay nếu bị ngập lụt sẽ không giống như xưa," ông Cheng nói, lý giải rằng trong quá khứ khi một vùng đất trũng bị ngập - bao gồm vài mẫu đất bên trong, thì mức độ tổn thất chỉ khoảng một vụ mùa, người dân địa phương có thể phục hồi nhanh chóng nhờ trợ cấp chính phủ, bảo hiểm dân sinh, cứu trợ của xã hội,...

Nhưng ngày nay, đất đai được khai thác kinh doanh theo hướng chuyên sâu, quy mô đầu tư nuôi trồng giai đoạn đầu rất lớn và khi gặp thiên tai thì tổn thất có thể lên đến hàng trăm nghìn hay nhiều triệu Nhân dân tệ. Cứu trợ của nhà nước và xã hội để giúp phục hồi các địa phương này cũng trở nên khó khăn hơn.

Đập Tam Hiệp ở Nghĩa Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (Ảnh: Reuters/Stringer)

Những điểm yếu trong quản lý

Tiến sĩ Yao Wei từ Viện thiết kế Trường Giang, Trung Quốc, cho rằng các vùng phân tán lũ đang thiếu cơ chế quản lý nghiêm khắc.

Thực trạng tiêu chuẩn bồi thường khi di dời thấp, người dân không muốn chuyển đi,... khiến nỗ lực quản lý phát triển kinh tế và nhân khẩu học ở các vùng trũng này gặp vấn đề lớn, khó đạt được yêu cầu về "phân tán, tích trữ, xả lũ".

Ông Zhou Jianjun đưa ra thống kê, tại các vùng phân tán lũ trên toàn Trung Quốc có khoảng hơn 50 triệu nhân khẩu làm nông nghiệp, sinh sống trong điều kiện kém, rủi ro cao. Đây đồng thời là điểm yếu quan trọng trong quá trình Trung Quốc thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện - theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm nay.

Trong báo cáo năm 2016, ông Cheng Xiaotao chỉ ra có 4 địa phương ở An Huy chủ động mở đê đón lũ, phát huy được vai trò phân tán nước lũ và bảo vệ đê điều. Nhưng đây vẫn là con số rất nhỏ so với số lượng 129 đê bị vỡ.

"Khi chúng tôi trao đổi với chính quyền địa phương thì ai cũng cho rằng chủ động đón lũ vào là phương án ổn định lâu dài, nhưng không một ai chủ động lựa chọn giải pháp này," ông Cheng nói, chỉ ra tình trạng không có địa phương cụ thể nào sẵn sàng mở đê xả lũ ở hạ lưu sông Dương Tử.

Theo ông Cheng, xét từ lợi ích của giới chức đại phương thì việc chủ động đưa lũ về không thu hút được ngân sách nhà nước nhiều bằng việc củng cố hệ thống đê điều.

Cheng Xiaotao phân tích, một hệ thống chống lũ thân thiện với môi trường cần có thể chế tăng cường quản lý bằng pháp luật, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực thi, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ.

Tuy nhiên 4 năm sau trận lũ 2016, khi miền nam Trung Quốc trải qua mưa lớn lịch sử với 2 trận hồng thủy trên sông Dương Tử, những vấn đề trên "vẫn đang là ẩn họa cho việc phòng chống lũ ở Trường Giang".

Một khi xảy ra vỡ đê, hậu quả để lại sẽ nghiêm trọng hơn trước đây rất nhiều - ông Cheng nói.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/trung-quoc-phong-tuyen-cuoi-cung-ngan-lu-yeu-ot-khong-ngo-an-hoa-truong-giang-chuc-cho-ap-xuong-20200720092002252.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY