Nguyễn Ngọc Anh (SN 1995) về Việt Nam được 2 tháng nay. Trước đó, cô gái có 11 năm sinh sống ở nước ngoài, từng học ở Mỹ, Đức và làm tự do ở Tây Ban Nha. Về nước lần này, Ngọc Anh mang theo dự định phát triển sự nghiệp truyền thông xã hội ở Việt Nam đồng thời tham gia một cuộc thi âm nhạc nhưng vì dịch bệnh, mọi kế hoạch đều phải "đóng băng" tạm thời.
Trong chặng bay từ Tây Ban Nha về nước, cô bạn có dừng chân tại Ý. Khi đó, dịch bệnh chưa bùng phát tại đất nước này nhưng Ngọc Anh đã chủ động khai báo y tế khi về Việt Nam và tự giác cách ly đủ 14 ngày.
Ngọc Anh là người mẫu tự do với trang cá nhân thu hút hơn 95 nghìn follow. Cô gái có thể giao tiếp bằng 5 thứ tiếng: Việt, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ả Rập và sở hữu 2 bằng đại học
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ngọc Anh bày tỏ mong muốn góp sức vào công cuộc chống dịch của cả nước. Cô bạn lên mạng xã hội, đăng tải nội dung xin làm tình nguyện và nhờ bạn bè giúp đỡ.
Và khi ổ dịch Buddha Bar & Grill bùng phát ở TP HCM cũng là lúc 9x bắt đầu tham gia làm thông dịch viên cho UBND phường Thảo Điền, quận 2.
"Ban đầu mình nghĩ rất đơn giản là có thể làm bất cứ việc gì, lau dọn khu cách ly cũng được, miễn sao có thể giúp các y bác sĩ đỡ áp lực. Nhưng khi phát hiện ổ dịch ở Buddha Bar & Grill, UBND và trạm y tế phường Thảo Điền rất cần sự giúp đỡ của thông dịch viên trong quá trình giao tiếp và điều tra lịch trình của những người nghi mắc. Thông tin của mình vô tình được người của UBND biết đến và liên hệ. Sang ngày hôm sau, mình đi làm luôn.
Khi mới bắt đầu, công việc của mình đơn thuần là phiên dịch thôi nhưng sau một thời gian, mình hiểu được sự quan trọng và khó khăn của việc vận động người đi cách ly. Đặc biệt, trường hợp ổ dịch Buddha Bar & Grill có hầu hết đối tượng nghi nhiễm là người nước ngoài. Biết công việc nằm trong khả năng, mình đã chủ động xin làm thêm mảng này. Biết là nguy hiểm nhưng mình không ngại!", Ngọc Anh cho hay.
Khả năng giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ cùng với kinh nghiệm sống ở nước ngoài lâu năm là lợi thế để Ngọc Anh thực hiện nhiệm vụ. 9x hiểu rằng những người nghi nhiễm virus hầu hết là người trẻ nước ngoài, có tâm lý nghi ngại khi gặp phải tình huống bất ngờ nơi đất khách. Từ chỗ đồng cảm và thấu hiểu, Ngọc Anh nhanh chóng nắm bắt tâm lý và đưa ra biện pháp thuyết phục phù hợp...
"Đây thực sự là một nhiệm vụ khó bởi được đi cách ly là tốt nhưng đâu đó trong mỗi người nước ngoài mình gặp, sự sợ hãi vẫn lấn át... Sau 11 năm sống một mình nơi xứ người, đôi khi chỉ cảm cúm thôi mình cũng hãi chứ đừng nói đến đại dịch như Covid-19. Bởi vậy mà mình lại càng kiên trì trấn an họ, cho dù rất tốn thời gian.
Để những người nước ngoài đồng ý đã khó, dắt họ lên xe trao cho nhân viên y tế lại càng khó hơn vì sự hiếu kì của người dân. Bởi việc này thường khiến cho người đi cách ly cảm thấy bị cô lập, hoang mang.
Mình cũng không muốn các anh chị bên y tế phải giải quyết vấn đề tâm lý của người cách ly nên cố gắng cân bằng giữa 2 bên. Và thật may là 2 hôm nay, sự nỗ lực của mình đã có kết quả: 100% số người mình gặp đã đồng ý đi cách ly tập trung để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng", cô gái viết trong nhật ký của mình.
Nhận công việc này đồng nghĩa với việc Ngọc Anh phải chấp nhận những xáo trộn trong cuộc sống. Thời gian biểu thất thường cũng là điều dễ hiểu.
"Khi nào phát hiện trường hợp nghi nhiễm mới hoặc trường hợp khẩn cấp thì phải lập tức lên đường. Thời gian đầu phát hiện ra ổ dịch Buddha Bar & Grill là cực nhất, ngày nào cũng phải thuyết phục người đi cách ly, càng nhanh càng tốt để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Vừa xong việc này, chưa kịp nghỉ đã phải qua trung tâm y tế, hỗ trợ lấy lời khai lịch trình của những người ở cùng chung cư với người dương tính. Có ngày mình về đến nhà thì đã 3h sáng.
Bên cạnh đó, việc mặc trang phục bảo hộ suốt cả ngày cũng khiến cô gái cảm thấy nóng và ngứa. Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm mà Ngọc Anh phải đối mặt là rất cao. Nhiều trường hợp mà cô tiếp xúc thuộc diện F1, thậm chí F0. Nhưng cô gái không chùn bước mà xác định quan điểm rõ ràng: "Sợ thì cũng có sợ nhưng chống dịch như chống giặc, đã chấp nhận thì phải cương quyết. Hơn nữa, mình biết công việc của bản thân là một phần mắt xích trong cả hệ thống chống dịch và không thể làm gián đoạn".
Vì tinh thần trách nhiệm, Ngọc Anh cũng xin phép mẹ ra ở riêng để đảm bảo an toàn cho gia đình và rút ngắn khoảng cách di chuyển đến ổ dịch. Mỗi lần về đến nhà, cô thay đồ và tắm rửa sạch sẽ để tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Sau một ngày dài, Ngọc Anh mới mở điện thoại và nhận được hàng loạt tin nhắn lo sợ, hoang mang thậm chí sốc của mẹ. Dù hiểu cảm giác của phụ huynh nhưng cô gái chỉ biết nhắn lại lời cảm ơn và xin lỗi vì đã trót hết mình vì công việc.
Ngoài cảm giác lo lắng, những lúc lên tinh thần đối mặt với nguy hiểm, Ngọc Anh cũng có nhiều kỉ niệm đáng yêu trong quá trình làm tình nguyện.
"Nhiều người tưởng mình là người đi cách ly chứ không phải người của tổ công tác vì mái tóc vàng, đeo khẩu trang kín mít nhìn như "Tây". Nhưng cũng chính vì mái tóc này mà các cô chú ở UBND hay ở trung tâm y tế dễ nhận ra mình hơn. Họ vui vẻ và tin tưởng mình nên vui lắm!
Mình nhận được một số bình luận không mấy thiện cảm nhưng luôn tâm niệm rằng dù mình là Việt kiều, tiếng Việt có thể chưa hoàn hảo, nhưng ít ra, mình đã cố gắng để chung tay cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh".
Cô gái tự gọi mình là tình nguyện viên "gà tây", luôn bày tỏ sự mến mộ và khâm phục các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống đại dịch. Và từng ngày, từng giờ, Ngọc Anh vẫn đang góp sức trẻ vào công cuộc chung với sự nhiệt tình không thua kém bất cứ ai.
Ổ dịch Buddha Bar đã được kiểm soát còn Ngọc Anh vẫn luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.
Mảnh giấy dán trước cửa phòng, lời bà dạy và cuộc sống của chàng trai làm tình nguyện trong khu cách ly
Chủ đề liên quan:
Buddha Buddha bar Covid 19 COVID_19 hiện trường khẩn cấp nghi nhiễm nghi nhiễm COVID 19 người mẫu người nghi nhiễm người nghi nhiễm covid 19 nhiễm Covid 19 phát hiện trường hợp trường hợp khẩn cấp vận động