Hơn 20 thành phố ở Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán, tâm điểm bùng phát dịch phải đối mặt với tình trạng ùn ứ rác thải y tế và phải xử lý số rác này một cách an toàn. Tại Việt Nam, Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường… cũng đã có những biện pháp tích cực.
Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay hằng tháng ngành Y tế các nước cần 89 triệu chiếc khẩu trang y tế, 76 triệu đôi găng tay và 1,6 triệu cặp kính bảo hộ.
Khẩu trang y tế được làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Do tính chất của khẩu trang y tế là chỉ dùng một lần rồi bỏ nên trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm triệu chiếc khẩu trang bị thải loại. Điều này lại gây vấn nạn về rác thải khẩu trang gây ô nhiễm môi trường. Và nếu như việc xử lý khẩu trang y tế, rác thải y tế không đúng cách sẽ tiềm ẩn nguy cơ lan truyền, lây nhiễm dịch bệnh.
Tại Trung Quốc có khoảng 30 thành phố lâm vào tình trạng quá tải rác y tế. Ví như Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 có số lượng chất thải y tế nhiều gấp 6 lần so với thông thường.
Các cơ sở xử lý chất thải y tế ở những thành phố này đang hoạt động hết công suất, theo báo cáo của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc ngày 11.3.2020.
Các bệnh viện ở Vũ Hán với dân số 11 triệu người, đã thải ra hơn 240 tấn rác y tế mỗi ngày trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19 kể từ cuối tháng 12/2019 đến nay. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày chỉ có 40 tấn rác y tế ở Vũ Hán.
Chính phủ Trung Quốc đã triển khai 46 hệ thống xử lý rác y tế di động đến Vũ Hán và trong vòng 15 ngày tới sẽ hoàn tất xây dựng một cơ sở mới với công suất 30 tấn/ngày.
“Chúng tôi nâng cấp các cơ sở xử lý rác y tế ở Vũ Hán để tăng công suất từ 50 tấn/ngày lên 263 tấn”, một quan chức của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc nói với giới báo chí nước này.
Ở nước ta thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19, mỗi ngày có khoảng 120.000 mét khối nước thải y tế và 350 đến 400 tấn chất thải y tế được thải ra, trong đó có tới 42 tấn chất thải y tế độc hại cần được xử lý. Còn trong thời điểm dịch bệnh này, số lượng rác thải y tế, khẩu trang y tế lớn gấp nhiều lần.
Số lượng rác thải y tế tăng gấp nhiều lần khi có dịch Covid-19 |
Ngày 7/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều diễn biến phức tạp, cơ quan này đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương đang có dịch chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế lây nhiễm.
Trong số đó, chất thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm, khu vực cách ly (cách ly tập trung tại các khu vực quân đội, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tại nhà) phải được thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn, đảm bảo thực hiện đúng theo các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc phòng chống dịch bệnh và xử lý chất thải.
Các địa phương ưu tiên xử lý tại chỗ chất thải y tế lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở y tế, cụm cơ sở y tế tại địa phương có công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế theo quy định.
Trong trường hợp cần thiết, các địa phương có thể huy động cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm nhằm đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, xử lý chất thải y tế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế cũng như khu cách ly tập trung, các cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Bên cạnh đó, các địa phương cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng và các loại khẩu trang đã qua sử dụng, thải bỏ; chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm được xử lý tất cả tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Các tỉnh, thành phố đảm bảo kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt nói chung, đặc biệt là việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế (bao gồm cả trang thiết bị, vật tư đồ bảo hộ cho cán bộ thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải y tế trong các cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung).
Ngoài ra, để thực hiện tốt mục tiêu “kép” trong công tác bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo xử lý triệt để chất thải y tế, chất thải sinh hoạt tại địa phương; đảm bảo chất thải phải được xử lý an toàn, hướng đến mục tiêu lâu dài trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường thời kỳ hậu dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đảm bảo kinh phí cho các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, không làm phát tán mầm bệnh Covid-19 ra môi trường.
Chủ đề liên quan:
Bộ Tài nguyên bộ tài nguyên và môi trường bộ y tế chất thải y tế Covid 19 COVID_19 Dịch Covid 19 PLVN rác thải rác thải y tế tổ chức y tế thế giới Vũ Hán y tế