Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Cuộc đua thầm lặng chặn COVID-19: Xét nghiệm thần tốc

MangYTe - Thời điểm đầu của dịch COVID-19, thông thường phải 72 giờ mới có thể cho ra kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên với hai ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam, Viện Pasteur TP.HCM chỉ mất 4 giờ để cho ra kết quả.

Lấy máu để làm xét nghiệm cho bệnh nhân COVID-19 tại khu cách ly Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (bệnh nhân hiện đã khỏi bệnh và xuất viện) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cuộc xét nghiệm "thần tốc" này đã diễn ra thế nào?

Ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nhớ lại những ngày đầu khi xuất hiện dịch bệnh này.

Kết nối hội chẩn nhanh

Cuối tháng 12-2019, chính quyền Trung Quốc đã thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sự xuất hiện của một loại virus lạ gây viêm phổi cấp tại Vũ Hán. Sau đó, loại virus lạ này được xác định là virus corona chủng mới (hay còn gọi là SARS-CoV-2). Từ Trung Quốc, loại virus này bắt đầu lây lan sang các nước khác.

Trước tình hình đó, Viện Pasteur TP.HCM đã dự báo khả năng loại virus này sẽ xâm nhập vào Việt Nam. Những ngày trước Tết Nguyên đán, WHO ban hành một quy trình xét nghiệm của Berlin (Đức) với các trình tự gen về loại virus mới này.

Ngay thời điểm đó, Viện Pasteur đã chủ động chuẩn bị trước, phối hợp với một công ty trong nước để sản xuất ra sinh phẩm, đây là yếu tố mấu chốt, bằng chứng khoa học để khẳng định trường hợp mắc COVID-19. Có sinh phẩm này sẽ giúp xét nghiệm tìm virus corona nhanh hơn. Và Viện Pasteur TP.HCM là nơi đầu tiên trong cả nước có loại sinh phẩm này.

Và điều dự báo đã diễn ra ngay sau đó, ngày 22-1 Viện Pasteur nhận sinh phẩm thì tối 22-1, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã gọi sang Viện Pasteur để thông báo đã tiếp nhận hai cha con người Trung Quốc bị nghi ngờ nhiễm virus corona chủng mới, đang được cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi nhận được tin báo khẩn từ Bệnh viện Chợ Rẫy, ngay lập tức Viện Pasteur kết nối, cùng hội chẩn ngay về hai ca bệnh với Bệnh viện Chợ Rẫy. Thời điểm đó các chuyên gia bên ngoài nghi ngờ hai cha con bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới và còn có nghi ngờ về việc nhiễm bệnh cúm.

Hội chẩn xong, Viện Pasteur cho chạy luôn cả hai loại xét nghiệm vừa tìm virus cúm, vừa tìm virus corona. Bốn tiếng sau đó, kết quả xét nghiệm cho thấy hai ca đều dương tính với virus corona.

Đây là một thông tin rất quan trọng nên Viện Pasteur TP.HCM đã báo cáo ngay cho Bộ Y tế, Bộ Y tế báo cáo lên Chính phủ để Chính phủ chỉ đạo, có một cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh này vào ngay sáng 30 tết.

Đường đi vào "kinh thánh" của ngành y

Khi biết được kết quả hai ca đều dương tính, bằng độ nhạy của một người làm dịch tễ trong nhiều năm, GS Phan Trọng Lân xác định đây là hai trường hợp "rất được quan tâm" trong y khoa, là trường hợp "lây truyền từ người sang người trên mức hạn chế" khác với nhận định của các chuyên gia từ tâm điểm của dịch lúc bấy giờ.

Khi phát hiện hai ca dương tính với virus corona chủng lạ này, Viện Pasteur có rất nhiều việc phải làm như bên cạnh việc giám sát, xét nghiệm, quản lý ca bệnh, người tiếp xúc, khuyến cáo các biện pháp chống dịch; các chuyên gia trong viện phối hợp bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị nội dung cho bài viết về hai ca bệnh này để gửi cho tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM).

Tạp chí này được gọi là "kinh thánh" của ngành y. Đây là một tạp chí đứng đầu thế giới, là tiêu chuẩn vàng của ngành y. Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng "Ai được đăng tên trên tạp chí đó thì ch*t cũng mãn nguyện" - câu nói cho thấy tạp chí này danh giá đến chừng nào!

Kể về quá trình gửi bài báo này, GS Phan Trọng Lân cho hay cũng không ngờ là bài báo được đăng nhanh đến như vậy. Từ khi ca bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 23-1, Viện Pasteur TP.HCM đã gửi bài báo qua tạp chí này. Chỉ trong vòng 5 ngày (bao gồm cả các vòng phản biện) kể từ ngày ghi nhận ca dương tính, bài báo khoảng 400 chữ về hai ca bệnh này đã được đăng trên "kinh thánh" của ngành y.

Hầu hết những bài báo gửi đến tạp chí này đều sẽ bị trả về vì trên thế giới nhiều người muốn gửi nhưng lựa chọn để được đăng là cực kỳ khó. Những bài báo được đăng thường phải có những thông tin mới cho ngành y, thậm chí có những thông tin ngược lại với những thông tin của cả ngành y trước đó.

Viện Pasteur đã viết nhanh, kịp thời về một trường hợp lây từ người sang người đầu tiên ngoài Trung Quốc. Nếu viện chỉ chậm một chút thôi là Nhật và Đức sẽ gửi bài viết và được đăng liền. Đức có bài viết đăng sau đó hai ngày với một trường hợp lây từ người sang người nhưng không có biểu hiện lâm sàng.

Trước đó, trên tạp chí này mới có một vài bài về COVID-19 trên thế giới thì bài báo của Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã được đăng. Ở Việt Nam cũng từng có bài được đăng trên tạp chí này nhưng từ lúc gửi đến lúc được đăng mất đến 10 tháng và có sự tham gia của người nước ngoài. Còn bài báo về hai bệnh nhân Trung Quốc nhiễm virus corona chủng lạ đầu tiên của Việt Nam lây từ người qua người chỉ là các chuyên gia, bác sĩ của Việt Nam.

Hiện nay, năng lực của Viện Pasteur TP.HCM có thể xét nghiệm tìm virus corona khoảng 3.500 mẫu/ngày. Thời gian xét nghiệm từ 3 - 3,5 giờ… Xét nghiệm tìm virus corona có quy trình giống quy trình xét nghiệm tìm các loại virus khác, chỉ khác nhau ở loại sinh phẩm.

Viện Pasteur chủ động đón đầu

Trước khi Viện Pasteur TP.HCM tiến hành làm xét nghiệm virus corona chủng mới, ai cũng nghĩ phải 72 giờ sau mới có được kết quả xét nghiệm chứ không ai ngờ kết quả lại có sớm như thế.

Để có được kết quả xét nghiệm nhanh như vậy là do Viện Pasteur đã dự báo, chủ động chuẩn bị sinh phẩm từ trước, chứ nếu có ca bệnh mới đợi nhập loại sinh phẩm này từ nước ngoài về thì sẽ rất lâu mới có thể tiến hành xét nghiệm được.

THÙY DƯƠNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/cuoc-dua-tham-lang-chan-covid-19-xet-nghiem-than-toc-20200226085433546.htm)

Tin cùng nội dung

  • Ebola là gì? Các triệu chứng thường gặp? Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola? Hướng dẫn xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm virus Ebola.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY