Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong khoảng 2 tuần gần đây, khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện đã nhận liên tiếp 5 trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue nặng (SXHD), gồm 3 trẻ lớn và 2 trẻ nhũ nhi, trong đó có 3 bệnh nhi sốc nặng kèm suy hô hấp.
Trong số các trường hợp nhập viện có bé trai 12 tuổi là Trần Gia H., sống tại TP. HCM. Bệnh nhi H, nhập viện ngày 9/8/2020 trong tình trạng nặng với nhiều nguy cơ (sốc nặng sớm, dư cân béo phì, tổn thương đa cơ quan).
Theo bệnh sử bệnh nhân bé sốt cao liên tục 3 ngày, không đáp ứng với Thu*c hạ sốt. Ngày thứ 3 bé than mệt kèm đau bụng nhiều nên nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tiền căn bé đã từng bị sốt xuất huyết 1 lần cách đây 3 năm.
Bé H nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch nặng với mạch, huyết áp không đo được, gan to kèm cô đặc máu nhiều (dung tích huyết cầu 56%). Bé được chẩn đoán sốc SXHD nặng ngày thứ 3 và được điều trị theo phác đồ điều trị SXHD của Bộ Y tế.
Tuy nhiên do bé có nhiều yếu tố tiên lượng nặng như sốc nặng ngày sớm, dư cân béo phì, tái nhiễm SXHD, tràn dịch đa màng nhiều nên dù được điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn diễn tiến nặng gây suy hô hấp, tăng áp lực ổ bụng nặng, tổn thương nhiều cơ quan.
Bệnh nhi đã được các bác sĩ tích cực hồi sức sốc bằng dịch truyền, Thu*c vận mạch, hỗ trợ thở máy, dẫn lưu ổ bụng để giảm áp lực ổ bụng nhằm tránh tổn thương nhiều cơ quan gia tăng, truyền máu và các chế phẩm của máu để ổn định tình trạng xuất huyết nặng. Sau gần 4 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã ổn định tình trạng huyết động học. Sau đó bệnh nhi được cai máy thở, bé tỉnh táo, chức năng các cơ quan được phục hồi. Bé được thở oxy và chuyển lên khoa Sốt xuất huyết vào thứ sáu 21/8/2020. Khi diễn tiến thuận lợi, bệnh nhi sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo các bác sĩ Bệnh viện nhi đồng thành phố bệnh SXH Dengue đã vào mùa. Đây là bệnh lý thường gặp vào mùa mưa, có thể dẫn đến tình trạng trụy tim mạch, suy hô hấp, xuất huyết nặng gây Tu vong. Vì vậy cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Đối với các bệnh nhi bị sốt từ 3 ngày trở lên, nhất là khi có kèm các dấu hiệu xuất huyết ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể (chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết ở da...) hoặc đau bụng, nôn ói nhiều thì phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Thân nhân cần đưa bệnh nhi đến khám tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Đồng thời, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Đặc biệt, thời tiết hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ số mắc tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.