Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Dạ Miêu chuyện giờ mới kể: Áp lực hoàn hảo của thành danh đến sớm và chấn thương vai đến mức được khuyên bỏ nghề nhiếp ảnh

Đã có những ngày, tôi thấy mình như chú chuột hamster, cứ quanh quẩn chạy trong chiếc lồng quay, ngày qua ngày chẳng có gì khác biệt. Tôi yêu công việc, nghiện công việc, rồi một ngày ngẩng lên và thấy, hình như mình chưa được sống...

Chọn nghệ danh cho mình là Dạ Miêu (mèo đen, mèo đêm), nàng nhiếp ảnh 9x nổi tiếng trong lĩnh vực chụp chân dung ở Hà Nội đã để cái tên đó định hình phong cách của mình. Miêu bị “ám ảnh” bởi sự hòa trộn giữa những điều đối lập, và những tác phẩm của cô là vậy: Bí ẩn, nữ tính nhưng cũng khiêu khích và đầy năng lượng.

Dạ Miêu bén duyên với ảnh rất sớm. 5 tuổi cô đã làm quen với máy chụp ảnh phim và hội họa, 13 tuổi thì bắt đầu tự học photoshop và nảy sinh tình yêu với nhiếp ảnh qua những lần vụng trộm lấy máy của bố tập chụp.

Những ngày đầu, niềm say mê “phù phiếm” này của Miêu không được bố đánh giá cao cho lắm. Nhưng từ sâu thẳm trái tim, Miêu biết, đó không chỉ là một thú tiêu khiển, mà giống như định mệnh của mình. Và con đường trở thành cô gái hoàn hảo của Miêu bắt đầu, như để chứng minh rằng mình nghiêm túc với nó.

Dù say mê ảnh, nhưng suốt những năm cấp 3, Miêu luôn học giỏi, là Bí thư Đoàn trường. Khi vào Đại học, Miêu bắt đầu nổi tiếng và kiếm được kha khá tiền sau những năm tháng “vẽ” chân dung phụ nữ, trong đó có nhiều hot girl, người nổi tiếng bằng máy ảnh. Khi ấy song song với làm việc điên cuồng, cô gái trẻ vẫn cố xoay xở với việc học ở khoa tiếng Đức, Đại học Hà Nội.

Mới ngoài 20, Dạ Miêu đã có trong tay mọi thứ được mọi người định nghĩa là thành công. Thậm chí nếu nói nàng nhiếp ảnh 9x là một ví dụ sinh động của “con nhà người ta” cũng không sai: Miêu có tài năng, có danh tiếng, có người yêu, có học thức, nhan sắc khả ái, có tuổi trẻ, bố mẹ tự hào về mình và có nghề nghiệp kiếm được nhiều tiền.

Dù vậy, mục tiêu tối thượng của Miêu khi cầm máy ảnh, hồi mới 20, không phải là kiếm được nhiều tiền, mà là kể được những câu chuyện về vẻ đẹp phụ nữ, theo một cách riêng. Nhưng.... khi làm được rồi và nhờ vậy mà duy trì danh tiếng trong suốt vài năm, cô bỗng thấy động lực trong mình lụi tàn.

Đối diện với tâm hồn mình, “cô nàng hoàn hảo” bỗng dưng thấy mình như chú chuột hamster trong cũi, cứ chạy hoài chạy trong vòng quay tròn trĩnh, ngỡ như vận động điên cuồng, nhưng thực ra chẳng có thêm gì mới mẻ. Miêu bối rối không biết cắt nghĩa mình như thế nào, mình sẽ là ai, lấy gì làm động lực sống.

Cô sợ mình không đủ tài năng, sợ bị chỉ trích, bị phớt lờ, sợ bị cấm đoán, sợ không đủ tiền chạy theo đam mê, sợ làm gia đình thất vọng, sợ mình quá già trong khi thời gian chẳng bao giờ chờ đợi, sợ mình quá non nớt trong khi thế giới ngoài kia rộng lớn vô cùng, sợ nhìn lại cả hành trình và thấy mình đã phí phạm tuổi trẻ, sợ mình chưa được sống...

Những luẩn quẩn và bế tắc đó hẳn sẽ vẫn còn nếu Miêu, ở tuổi 21, không bị chính đam mê của mình “tát một cái cho tỉnh”. Thói quen luôn thường dành 1 - 2 giờ để nói chuyện với nhân vật để khai thác, nắm bắt cảm xúc, tinh thần đồng thời luôn khư khư giữ máy ảnh trên tay trong suốt set chụp vì sợ lỡ mất khoảnh khắc quý giá cùng vài năm “cày” đêm đã bắt Miêu phải trả giá.

Đó là những cơn đau dai dẳng, là chấn thương nghiêm trọng ở vai, mà đến khi bác sĩ quát vào mặt: “Tốt nhất cháu nên bỏ nghề ảnh đi, nếu muốn sau này không thể làm gì với vai mình nữa”, cô mới giật mình. Cô thật thà bảo cũng “cai” máy được khoảng một tuần, nhưng rồi tiềm thức nghiện công việc, nỗi ám ảnh rằng thời gian trôi đi thì phải tạo ra điều có ý nghĩa “xúi bẩy” Miêu quay lại. Và những cơn đau cũng ùa theo…

Khi chỉ còn 1 kỳ thi nữa là hoàn thành 4 năm đại học, đang ở ngưỡng thành công vượt trội so với nhiều người, Miêu quyết định dừng lại. Cô chọn cách bước ra khỏi “vòng lặp hoàn hảo” khiến mình mệt mỏi và sợ hãi để đi tìm những góc nhìn mới, vùng đất mới, dù bị nói là điên rồ để biết mình là ai và mình cần gì. Cô sang Pháp du học.

Một mình sang Paris học nhiếp ảnh chuyên nghiệp tại một trường nghệ thuật ở tuổi 21, khi đó, Miêu đã xác định mình sẽ sống một cách trọn vẹn nhất với nhiếp ảnh. “Sang Pháp học, với mình không chỉ để nâng cao kiến thức nhiếp ảnh mà còn mục đích quan trọng hơn là dành tặng cho mình một khoảng thời gian riêng tư để ngẫm nghĩ.

Trước giờ, mình luôn có bạn đồng hành trong công việc, đi chơi cũng có đội. Mình từng sợ việc ở một mình. Nhưng khi đi du học, mình phải tập cảm giác làm mọi thứ một mình, mà thật lạ là không thấy cô đơn. Mình phát hiện ra, phụ nữ rất cần không gian và thời gian tĩnh lặng để sống một mình, khám phá nội tại của mình”.

Ở Paris, Miêu vẫn thức dậy sớm, nhưng thay cho trạng thái uể oải để đi học một ngành không thực sự hợp với mình là sự háo hức mỗi ngày. Cô thậm chí còn dậy sớm hơn chuông báo thức. Thay vì vòng lặp đi làm - đi học - đi làm khiến Miêu kiệt sức, cô được nếm rất nhiều sự bay bổng, được học nhiếp ảnh một cách căn bản, nhận ra một thứ nhiếp ảnh khác với nhiếp ảnh mà mình từng định nghĩa.

Paris đã khai mở trí tuệ của Dạ Miêu, thay đổi cách cô nhìn về nhiếp ảnh, để hiểu rằng một bức ảnh không chỉ là một bức ảnh, một kỷ niệm mà là một lát cắt thời gian, một tuyên ngôn của nghệ sĩ.

Ở Paris, Miêu được sống trong không khí sinh viên, chia sẻ ước mơ, hoài bão với bạn bè, và nhận rõ hơn điều trước đó cô đã lờ mờ cảm nhận: Kiếm tiền không phải là con đường tối thượng mang lại hạnh phúc. Đó là quãng thời gian thanh xuân ngọt ngào của Dạ Miêu, khi cô được tận hưởng cuộc sống thật, được ngắm nghía và khai mở nhiều tầng mức trong mình, từ kiến thức đến nội tâm.

Để hiện tại, ở tuổi 25, Dạ Miêu lột xác, trưởng thành hơn và cũng tươi mới hơn. Như chuyện hồi ở Pháp bị hacker tấn công fanpage hơn 44k fan, Miêu dù tiếc công xây dựng suốt mấy năm, nhưng nghĩ “sao phải trả nhiều tiền để mua lại thứ là của mình, trong khi nó cũng rất ảo”, cô quyết định bỏ luôn chứ không trả số tiền chuộc khá lớn theo yêu cầu. Miêu coi đó như một sự từ giã với con người, thành tựu “cũ” của mình, để thử thách mình làm lại từ đầu.

Hay chuyện chiếc vai đau chẳng hạn. Không thể bỏ máy ảnh, chưa “cai” được chứng nghiện công việc, nhưng cô nhận ra rằng phải biết chăm sóc, yêu thương và bảo vệ bản thân mình. “Trước giờ mình lao vào những cái ở ngoài, giờ đi sâu hơn vào bên trong. Mình học cách lắng nghe cơ thể mình, biết lúc nào nên dừng lại nghỉ ngơi. Mình đi khám sức khỏe định kỳ, đi tập và ăn uống lành mạnh, đúng giờ một cách kiên trì. Mình cũng bắt đầu học các khóa dinh dưỡng và tâm lý để có thêm kiến thức cho công việc và cuộc sống.

Hoặc như chuyện tiền nong, trước mình chi tiêu khá bừa bộn và cũng không coi tiền quan trọng lắm, vì nó không phải mục đích chính trong đời. Giờ thì mình hiểu, tiền cũng là một thành tựu, một sự ghi nhận cho khả năng của mình, là công cụ để duy trì đam mê. Mình biết cách tiết kiệm hơn, chỉ mua đồ cần thiết và có quỹ dự phòng cho những mục tiêu xa hơn trong tương lai.

Chạm ngưỡng 25, trong mình, những quan niệm, định nghĩa bắt đầu được thay đổi, hoàn thiện, hình thành, một lần nữa. Và mình rất hào hứng, vì bản thân đang dần được tái tạo lại”.

Miêu vẫn nhớ mãi một cuộc gặp đã khiến nhận thức của cô thay đổi thêm lần nữa. Khi từ Pháp trở về một thời gian, Miêu nhận được tin nhắn qua instagram của Ngọc Anh. Cô bé kể mình mắc ung thư xương năm 15 tuổi, đau đớn vô ngần. Năm đó, cô gái ấy cảm thấy nhẹ nhõm khi cắt bỏ được đôi chân mình đi. Đến năm 17 tuổi, ung thư di căn lên phổi. Ngọc Anh muốn nhờ Dạ Miêu chụp cho cô mấy tấm ảnh, để bố mẹ không quên đã từng có một cô con gái giỏi giang, xinh đẹp như thế.

Chuyến đi Quảng Trị lần ấy đã có tác động rất mạnh đến nàng nhiếp ảnh, và đương nhiên, cả nhân vật của cô nữa. Ngọc Anh khi đó đã yếu lắm, nhưng cả buổi chụp không khóc một chút nào. Cô bé thổ lộ mình thích guitar và nhiếp ảnh, cũng đã gom đủ tiền để mua cho mình một chiếc, nhưng không còn đủ sức cầm lên nữa.

Ngọc Anh - nhân vật có tác động lớn đến Dạ Miêu trong việc đi tìm hoài bão của chính mình!

Đó là khi Dạ Miêu nhận thấy, mình may mắn đến nhường nào vì có cơ thể lành lặn, có công việc, biết đam mê của mình là gì, và quan trọng hơn, có thời gian để theo đuổi nó. Đó là khi cô hiểu, một bức ảnh đôi khi có thể thay đổi cả một cách nhìn nhận vấn đề. Và cô nghĩ về những hoài bão lớn hơn, không chỉ là chụp ảnh chân dung để phụ nữ tự thấy mình đẹp thôi, mà là phát triển nghệ thuật để có thể đem đến nhiều giá trị hơn nữa cho cộng đồng.

Rồi cũng có những ngày mưa giông trong sự nghiệp, và cô bình thản đón nhận mọi sự, như chú mèo ngẩng đầu ngắm trăng, bởi: "Việc nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người về công việc của mình thực sự là một may mắn, nhưng bên cạnh đó cũng là áp lực vô hình thúc đẩy mình phải cố gắng hơn gấp nhiều lần so với bình thường. Thử thách phải vượt qua là một phần tất yếu để ai đó phát triển và trưởng thành. Nếu không có khó khăn hay thử thách, thì cuộc đời tẻ nhạt lắm".

Quan trọng hơn cả, Dạ Miêu tin rằng, có thể những tác phẩm của cô có thể còn sai thiếu và bị cộng đồng phản ứng lại nhưng đó là cách để cô rút kinh nghiệm, hoàn thiện chính mình về sau, còn hơn là ngồi đó thở than, chê trách và… không làm gì. Bất cứ điều gì trong cuộc sống đều đáng giá theo một cách nào đó: Tiền, sự nổi tiếng, sự chú ý, kể cả những thị phi.

Ở tuổi 25, Dạ Miêu vẫn có những nỗi sợ hãi, dù nó đã khác so với hồi cô rời Hà Nội và bay nhảy ở Paris. Nhưng cô tin rằng, nỗi sợ là dấu hiệu cho thấy đang đi đúng hướng, vì ước mơ chưa khiến ta sợ hãi, ước mơ ấy vẫn chưa đủ lớn. Ước mơ hiện tại của cô nàng, ấy là mở được một trường học - không gian nghệ thuật bài bản và đa dạng cho trẻ em, nơi chúng được đào tạo để cảm và làm nghệ thuật từ trái tim, và các nghệ sĩ địa phương ở nhiều lĩnh vực có cơ hội kiếm tiền từ tài năng của mình.

Cô cũng muốn tạo lập được một cộng đồng tinh hoa dành cho phụ nữ, để họ được yêu thương, khám phá chính mình trong những dạng thức nữ tính, nữ quyền đầy tự do và tôn trọng: Phụ nữ thích làm gì, giỏi làm gì, hãy để họ chọn lấy...

Đó hẳn là một con đường dài và nhiều lối rẽ mà Dạ Miêu đang đi, gập ghềnh hay suôn sẻ hồi sau mới rõ. Nhưng có điều chắc chắn, nó sẽ không phải là vòng lặp cô đơn như chiếc lồng của chuột hamster, như cô nàng từng dính dấp.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/da-mieu-chuyen-gio-moi-ke-nuoc-mat-sau-hao-quang-cua-thanh-danh-den-som-va-chan-thuong-vai-den-muc-duoc-khuyen-bo-nghe-nhiep-anh-20200522014656528.chn)

Tin cùng nội dung

  • (Mangyte) - Trẻ con thường hiếu động nên rất dễ chấn thương mắt. Chấn thương này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nên cần đặc biệt chú ý.
  • Tỷ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm tăng cao hơn sau 11-15 năm chấn thương đầu vì đây là giai đoạn đặc biệt nhạy cảm trong phát triển thần kinh.
  • Áp lực phải thi đỗ đại học kiến nhiều học sinh lo lắng phải mất ăn mất ngủ... Và khi bị căng thẳng thì có bao câu chuyện đau lòng xảy ra.
  • Bạn trai tôi bị đái tháo nhạt sau chấn thương sọ não, uống hết 3 hộp Minirin nhưng vẫn còn cảm giác khát nước và đi tiểu nhiều lần.
  • Mangyte ơi, em vừa mới bị T*i n*n giao thông khi đi du lịch, bị gãy chân và xây xát nhiều nơi. Em đã bó bột ở bệnh viện nơi em du lịch rồi. Bệnh viện gần nhà em nhất là bệnh viện 175, nên em định đến đó điều trị và theo dõi tiếp. Không biết giá cả như thế nào? Mangyte giúp em với. Em cảm ơn rất nhiều! (Minh Châu - TPHCM)
  • Kính chào Mangyte, Mỗi lần đến các bệnh viện khám em đều rất hoang mang và không biết phải bắt đầu từ đâu, cò mồi lại nhiều thường hay lôi kéo làm em càng thêm lo lắng. Nhờ bạn bè em được biết Mangyte có tư vấn về các dịch vụ tại các bệnh viện nên em kính mong Mangyte tư vấn giúp em một vấn đề sau.
  • Em là con gái, sức khỏe không tốt lắm (ba mẹ gọi là “cọng bún thiu”) nên em đi học võ để cải thiện. Mới học buổi đầu tiên mà em đã bị sưng mắt cá chân. Ban đầu đau nhẹ, em tưởng là không sao nhưng cuối ngày nó sưng to lên. Tình hình này em nghĩ là sẽ bị chấn thương dài dài (hic!). Mangyte cho em hỏi ở TPHCM có nơi nào chuyên điều trị chấn thương do thể thao không? Chắc là em phải làm bệnh nhân thân thiết ở đó quá! Cảm ơn Mangyte! (Mỹ Hạnh - kitty…@yahoo.com.vn)
  • Dãn hoặc rách dây chằng chéo trước là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở vùng đầu gối.
  • Phòng tránh chấn thương mắt là một trong những điều cơ bản nhất để giữ gìn một thị giác khỏe mạnh cho cuộc sống của bạn. Đặc biệt trong dịp lễ Tết, tỷ lệ chấn thương mắt xảy ra thường cao do các T*i n*n khi lau dọn nhà cửa, vườn tược, nấu nướng và T*i n*n giao thông. Do đó chúng ta nên biết cách phòng tránh và xử trí đúng đắn khi có T*i n*n xảy ra.
  • Chấn thương đầu là do sự va chạm ở đầu mà trẻ em hầu như đều gặp phải. Nhưng hầu hết là chấn thương đầu nhẹ.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY