30 tuổi, tôi trở thành người đàn bà ly hôn. Tôi biết đó là con đường duy nhất giải thoát cho mình khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh này. 4 năm kết hôn, những gì tôi nhận được chỉ là sự tổn thương cùng những lời lẽ cay độc. Khi dắt con ra đi, trái ngược với sự đau khổ của tôi là thái độ hả hê của nhà chồng. Mẹ chồng nhìn tôi đầy mỉa mai như ngầm nói rằng trong cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu thì bà đã chiến thắng.
Chồng tôi thương vợ nhưng anh là người đàn ông chưa trưởng thành, mọi việc đều nhất nhất nghe theo ý mẹ. Lời của mẹ nói với anh giống như thánh chỉ vậy. Mẹ chồng tôi thương con trai nhưng sự bảo bọc quá kĩ lưỡng với đứa con độc nhất khiến chồng tôi chằng hề có chính kiến, chẳng tự quyết định được việc gì lớn lao. Chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, thậm chí bộ quần áo anh mặc đi làm cũng là mẹ lo cho. Đến khi cưới tôi về, anh cũng y như vậy. Mẹ chồng tôi thương con thái quá nên luôn ở trong tâm thế đối đầu với con dâu. Có lẽ bà sợ sự xuất hiện của tôi sẽ khiến con trai không còn thương mẹ nữa.
Mẹ chồng hằn học, khó chịu, xét nét với tôi từ những việc nhỏ nhất. Mỗi lần tôi đi vắng là bà nói xấu tôi với chồng. Bà giả ốm, giả bệnh để con trai quan tâm. Mọi việc lên đến đỉnh điểm khi tôi sinh con. Bà muốn chăm con theo ý bà, bắt tôi kiêng cữ như ngày xưa. Ngay cả lúc con ốm sốt cũng không cho đi viện. Khi con ăn dặm, bà cũng nêm nếm theo ý bà để con ăn nhiều dù tôi đã bảo rằng như thế không tốt cho con.
Còn chồng tôi thì mãi mãi chỉ là “đứa trẻ to xác”. Có con rồi nhưng rất sợ bế con, sợ dơ, sợ bẩn, sợ tiếng trẻ con khóc. Vợ thức rộc người chăm con nhưng chồng tôi lại kiếm phòng khác ngủ cho yên tĩnh. Nói ra không ai tin nhưng đến khi con tôi tròn 2 tuổi chồng chưa từng thức đêm trông con, chưa từng làm những việc đơn giản như pha sữa, tắm con… Anh đi làm về, cưng nựng vài cái lên má rồi xong.
Chồng vô tâm, cộng với mẹ chồng cay nghiệt khiến tôi quá mệt mỏi. Tôi muốn ra ở riêng, muốn được nuôi dạy con theo ý mình. Hễ tôi muốn dạy con, muốn chăm con khoa học là mẹ chồng soi mói, bắt bẻ, bảo tôi ngu ngốc mà thích học đòi. Ba bữa con ăn là bà bế đi rong từ đầu trên xuống ngõ dưới. Khi tôi nghiêm khắc với con thì mẹ chồng liền vào chửi bới tôi. Tôi nghĩ, nếu con tôi được nuôi dạy bởi một người phụ nữ như mẹ chồng thì lớn lên sẽ chẳng khác chồng tôi. Tôi mở miệng nói với chồng ra ở riêng, anh ngơ ngác không hiểu. Anh bảo rằng muốn sung sướng, muốn có mẹ chăm sóc chứ ra ngoài tốn kém, vất vả. Mẹ chồng tôi biết ý định của tôi, bà lại càng khắt khe, cay độc với tôi nhiều hơn.
Khi tôi viết đơn ly hôn, chồng tôi hốt hoảng thật sự. Mẹ chồng thì có vẻ hả hê vô cùng. Bà xúi con trai: “Trên đời này thiếu gì đàn bà. Bỏ nó đi rồi mẹ kiếm cho đứa khác ngoan ngoãn, biết nghe lời về làm vợ. Thứ đàn bà luôn muốn cưỡi lên đầu lên cổ mẹ chồng như vậy thì bỏ đi không tiếc…”. Chồng tôi nghe lời mẹ, anh kí vào lá đơn nhanh chóng mà chẳng bận tâm gì nhiều. Đến lúc đó, tôi mới biết lựa chọn rời khỏi người đàn ông như thế sáng suốt biết chừng nào.
Đàn bà lấy chồng có muôn vàn nỗi khổ. Nỗi khổ tâm của người đàn bà lấy phải một người đàn ông chỉ biết "bám váy" mẹ như tôi có ai hiểu thấu? Ly hôn rồi, anh ta vẫn chẳng màng đến chuyện thăm con hay cấp dưỡng. Nhưng mà tôi chẳng cần nữa. Người đàn ông đó mãi mãi chẳng thể thoát khỏi cái bóng của mẹ, chẳng thể lớn nổi. Bây giờ tôi đi làm, nuôi con, tự lo cho cuộc đời mình. Rời xa để bình yên còn hơn ở lại để chịu đựng sự giày vò, khổ tâm mỗi ngày.
https://phunusuckhoe.vn/phu-nu-va-gia-dinh/dan-ba-ly-hon-de-tim-binh-yen-con-hon-o-lai-de-chiu-dung-su-giay-vo-359086.html
Theo Phụ Nữ Sức Khỏe
Link bài gốc
Copy link
https://phunusuckhoe.vn/phu-nu-va-gia-dinh/dan-ba-ly-hon-de-tim-binh-yen-con-hon-o-lai-de-chiu-dung-su-giay-vo-359086.htmlChủ đề liên quan:
bình yên chịu đựng Chồng vô tâm đàn bà đàn ông chưa trưởng thành giày vò ly hôn ở lại phụ nữ ly hôn