Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Đang cho con bú mà thèm trà sữa, mẹ chỉ nên uống như thế này sẽ an toàn

Rất nhiều mẹ đang trong giai đoạn cho con bú thèm uống trà sữa nhưng lại lo lắng không biết có hại gì cho con hay không?

Uống trà sữa khi đang cho con bú có sao không?

Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo: Ngay cả người bình thường khỏe mạnh cũng không nên uống nhiều trà sữa vì nó có thể gây ra nhiều hệ lụy cho cơ thể của bạn. Chính vì vậy, việc uống trà sữa trong thời kỳ cho con bú đối với mẹ bỉm sữa càng phải nên thận trọng.

Trà sữa là hỗn hợp với hai thành phần chính là trà và sữa. Trong đó, cafein và axit tannic trong trà là hai vật chất mà cơ thể mẹ bỉm sữa không dễ hấp thu được, chưa kể trong trà sữa còn chứa rất nhiều chất phụ gia để tạo màu, tạo mùi đều có hại cho sức khỏe con người nói chung. Ngoài ra, trà sữa thường chỉ dùng bột sữa để pha chế chứ không hẳn là sữa nguyên chất nên không thích hợp uống nhiều.

Mẹ đang cho con bú nếu dùng loại thức uống này quá mức không những bất lợi cho sức khỏe bản thân mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho em bé bú. Trẻ nhỏ một khi hấp thụ những chất có hại trong trà sữa qua con đường sữa mẹ sẽ bị ảnh hưởng sự phát triển của hệ thần kinh và các cơ quan trong cơ thể.

Nếu thật sự "nghiện" trà sữa, bạn không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn nhưng nhớ uống có kiểm soát liều lượng. Tốt nhất mẹ bỉm sữa chỉ nên uống tối đa mỗi tuần 1 ly trà sữa. Bên cạnh đó, nên cố gắng lựa chọn cửa hàng uy tín để chất lượng trà sữa tốt hơn, giảm bớt được các chất gây hại và hạn chế các nguyên liệu khác như trân châu, thạch.

Mặc sức uống trà sữa trong thời kỳ cho con bú coi chừng nguy hại cho cả mẹ lẫn con

Dễ gây thiếu máu cho mẹ bỉm sữa

Uống trà sữa trong thời kỳ cho con bú luôn phải thận trọng vì nếu chủ quan sẽ gây tác hại cho sức khỏe người mẹ lẫn sự phát triển của em bé. Axit tannic trong trà khi kết hợp với chất sắt trong các thực phẩm khác sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu của đường ruột, dẫn đến tình trạng thiếu máu ở phụ nữ sau sinh.

Khi nồng độ trà càng đậm đặc thì hàm lượng axit tannic càng cao, mức độ ảnh hưởng này càng nghiêm trọng, đồng thời thành phần cafein cũng có thể thông qua đường sữa mẹ mà đi vào cơ thể bé, dễ gây ra hiện tượng trẻ hay khóc quấy và tình trạng co thắt ruột.

Ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ cần thiết cho trẻ sơ sinh

Các chuyên gia sức khỏe tổng kết rằng: Khi nuôi con bằng sữa mẹ mà bạn có thói quen uống trà sữa thường xuyên sẽ khiến các niêm mạc hấp thu nhiều axit tannic, gây trở ngại cho tuần hoàn máu ở tuyến sữa nên lượng sữa mẹ tiết ra bị suy giảm, không đủ cung cấp cho nhu cầu của bé.

Bất lợi cho sức khỏe của bé

Sau khi mẹ uống trà sữa thì thành phần cafein trong đó cũng bị trẻ hấp thu thông qua sữa mẹ, có thể gây hưng phấn cho các cơ quan chưa phát triển hoàn thiện như hô hấp, dạ dày, đường ruột, thần kinh… Những tác động bất lợi này dẫn đến hiện tượng trẻ hô hấp nhanh, co thắt dạ dày và đường ruột nên dễ đau bụng, ngoài ra bé còn thường xuyên khóc quấy, ít ngủ.

Kinh nghiệm uống trà trong thời kỳ cho con bú để cả mẹ và bé đều khỏe

Không chỉ phải thận trọng khi uống trà sữa trong thời kỳ cho con bú mà các loại trà khác đều cần có kiểm soát liều lượng và uống đúng cách. Nếu không thật sự cần thiết thì mẹ bỉm sữa nên kiêng uống trà là tốt nhất. Bạn có thể "nhịn" một thời gian để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân lẫn em bé.

Trà cho mẹ bỉm sữa chỉ nên pha loãng và mỗi lần không nên uống quá nhiều. Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, bạn cần đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và ít ăn thực phẩm cay lẫn tươi sống. Nếu sau khi uống trà mà em bé xuất hiện tình trạng dị ứng thì nên chú ý thay đổi loại trà hoặc dừng uống. Ngoài ra, thay vì uống trà thì bạn có thể uống nước ép trái cây, các món canh súp và sữa…

Lựa chọn lý tưởng cho mẹ bỉm sữa là trà xanh pha loãng. Mỗi ngày dùng khoảng 3 - 5g trà xanh có thể tăng cường chức năng thận và tim, lưu thông tuần hoàn máu, hỗ trợ tiêu hóa, ngừa phù thủng sau sinh và thúc đẩy trẻ sơ sinh phát triển.

Bên cạnh đó, một số trà thảo dược như trà hoa cúc, trà kim ngân cũng tương đối thích hợp cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Thông thường những loại trà này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Tuy nhiên do chúng có tính hàn nên sẽ không phù hợp cho người có thể chất dương suy vì dễ gây đau bụng, tiêu chảy.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/dang-cho-con-bu-ma-them-tra-sua-me-chi-nen-uong-nhu-the-nay-se-an-toan-2020081710442124.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY