Một nhà báo có thâm niên đã rất chân thành khi cho rằng: làm báo là một ngành nhân văn, nhưng làm báo y tế có giá trị nhân văn đặc biệt
Một thạc sĩ - nhà báo có thâm niên trong lĩnh vực y tế đã rất chân thành khi cho rằng: “báo chí là một ngành nhân văn, nhưng với tôi báo chí y tế có giá trị nhân văn đặc biệt”
Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện nay, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm; 92 báo, tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình, trong đó số lượng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá là 179 kênh. Kèm theo đó là gần hai vạn nhà báo đang hành nghề, một con số không hề nhỏ đối với một nghề có tính đặc thù như nghề báo và đối với một quốc gia có 90 triệu dân.
Mặc dù báo chí đang gặp nhiều khó khăn nhưng với số lượng có phần “rầm rộ” như thế cộng với sự nỗ lực đổi mới về nội dung và hình thức, đã được xem là đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của người dân.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin như những năm gần đây đã trở thành lực đẩy để các nhà báo “tăng tốc” cho kịp với tốc độ thời “số hóa”. Bên cạnh sự chính xác, trung thực trong phản ảnh, thì sự nhanh nhạy, kịp thời cũng là những tiêu chí mà mỗi nhà báo, mỗi tòa soạn báo đang hướng đến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số nhà báo đã biến sự “sốt ruột” này thành mặt trái của câu chuyện đạo đức nghề nghiệp. Điều này thật sự hết sức sai lầm, nhất là những nhà báo tham gia viết trong các lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của người dân như ngành Y tế.
Một thạc sĩ - nhà báo có thâm niên trong lĩnh vực y tế đã rất chân thành khi cho rằng: “báo chí là một ngành nhân văn, nhưng với tôi báo chí y tế có giá trị nhân văn đặc biệt”. Và anh kể, “thỉnh thoảng gặp vài lãnh đạo ngành Y tế, bệnh viện hay bác sĩ, họ thường trách móc phóng viên y tế ngày nay viết lách kỳ quá, viết không chính xác đã đành, lại còn thích viết giật gân, câu khách, khiến xã hội nhìn vào ngành Y tế bằng cặp mắt thiếu thiện cảm”.
Vài nghiên cứu nước ngoài cho thấy những sự cố về báo chí thường do người làm báo không có kiến thức bài bản, hoặc được thông tin bởi những nhà báo tổng quát, không phải nhà báo chuyên ngành. Và anh đặt ra câu hỏi: liệu người làm báo nên chăng được học hành bài bản
chuyên sâu để viết báo chính trị, kinh tế, văn hóa – nghệ thuật hay y tế?
Vâng, “nghề báo là nghề của nhiều nghề”, theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM. Có nhiều nhà báo vào nghề không có bằng cử nhân báo chí mà có bằng cấp ở các lĩnh vực khác: văn học, sử học, luật học, tin học, mỹ thuật, giáo dục học, kinh tế, ngoại ngữ, ngôn ngữ, y tế... viết rất tốt về lĩnh vực mà mình đã được đào tạo bài bản.
Rõ ràng, khi người làm báo được đào tạo nghiệp vụ
chuyên sâu một cách bài bản sẽ giúp nhà báo hành nghề chuyên nghiệp hơn, đảm bảo sự chính xác, khách quan trong bài báo, tránh sai sót đáng tiếc; lại đúng pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Thiết nghĩ, nhà báo cũng là con người bình thường như bao người khác, cũng có yêu, có ghét, có những nhu cầu thường ngày về: ăn mặc, sinh sống, vui chơi, đi lại… Và như vậy, nhà báo cũng có thể mắc những sai lầm. Nhưng với sứ mạng cao cả và một quyền lực mà xã hội giao phó cho họ, thì dung lượng cho phép sai lầm phải ngày càng hạn hẹp. Điều này thật không dễ dàng chút nào. Vì thế, phấn đấu trở thành một nhà báo chân chính là cả một chặng đường gian khổ với một sự học hỏi rèn luyện và đức hy sinh vô bờ bến.
HOÀNG ĐẶNG